Ngõ Hà Nội
Nhà văn Băng Sơn, một người am hiểu về Hà Nội, nói với tôi rằng, ở Hà Nội phố nhiều hơn ngõ. Theo ông, Hà Nội có hơn 500 phố, còn ngõ chỉ hơn 100. Nghe vậy thôi chứ tôi không tin. Tôi cứ đinh ninh rằng, thủ đô ta ngõ nhiều hơn phố. Ngõ nhiều lắm, chằng chịt lắm. Có phố tới mấy chục ngõ, trong ngõ lại ngõ nữa. Trước khi trở thành một thành phố hiện đại như hôm nay, Hà Nội, dù bao đời là kinh thành của Ðại Việt, vẫn là một cái làng lớn.
Ðầu những năm 1990, giữa quận Ba Ðình, Ðống Ða vẫn còn mấy HTX nông nghiệp. Vốn từ làng mà lên nên thành phố, lắm ngõ là chuyện bình thường.
Phố Khâm Thiên, phố Nguyễn Thái Học, phố Ðội Cấn, phố Nguyễn Lương Bằng... rất nhiều ngõ. Mỗi ngõ là một thế giới riêng. Có ngõ, như ngõ Văn Chương, là cả một phường.
Ngõ dài nhất, theo tôi, là Ngõ Quỳnh. Hẹp và ngoằn ngoèo, nó chạy từ phố Bạch Mai, đoạn phường cầu Dền, tới tận phố Nguyễn Thị Minh Khai. Có lẽ có đến cả vạn người sống trong ngõ ấy. Ngõ Tức Mặc rộng nhưng ngắn, nổi tiếng bởi những cây hoàng lan cao to lừng lững. Nhiều, rất nhiều công dân Hà Nội ra đời ở nhà hộ sinh ngõ Thổ Quan. Ngõ đó dài, dân cư đông đúc, mới gần chục năm trước thôi, đây còn là nơi trồng rau muống. Bây giờ hiện đại rồi, nhưng nhà hộ sinh Thổ Quan vẫn vậy.
Tôi cứ nghĩ ngõ Tạm Thương nổi danh chẳng phải vì tích cũ đây là kho lương tạm thời hay vì chuyện tình một chốc của mấy chú lính trạm xa nhà với những cô gái thương người mà nhờ một nhà bán rượu. Nhà ấy chật lắm, chỉ dăm bảy mét vuông. Cụ chủ chuyên bán rượu rắn, sáng chủ nhật có cả thịt rắn lẫn các món xương băm, mật, tim rắn. Trong gian phòng hẹp chỉ kê được vài chiếc bàn con cho năm, ba ông khách, còn thì ngồi tạm ở bậc thềm. Những chiếc chén Tống được đặt trong bát men, rượu rót bao giờ cũng tràn đầy ra bát, cứ chừng ba chén thì rượu tràn thêm được một chén. Nay cụ chủ đã thành người thiên cổ mà quán vẫn còn đó.
Lại chuyện cuộc đời. Ngõ ấy nhỏ lắm, dài chỉ mấy chục mét. Một bên là nhà dân, bên kia là tường trụ sở Bộ Công an. Chẳng mấy ai nhớ đến ngõ đó vì tên phố nó mang đã đổi từ lâu. Ðó là ngõ Hàng Lọng. Do dân phố này xưa chuyên làm ô, làm lọng nên thành phố Hàng Lọng. Sau giải phóng, Hàng Lọng đổi thành đường Nam Bộ. Ðất nước thống nhất, đường Nam Bộ thành đường Lê Duẩn. Riêng ngõ này, qua mọi biến động, vẫn nguyên tên cũ - ngõ Hàng Lọng và chẳng mấy ai biết đến xuất xứ của nó nữa, nhất là lớp trẻ.
Hai bên bệnh viện Việt Nam - Cu ba ở phố Trần Hưng Ðạo là hai ngõ lớn. Một bên là ngõ Vạn Kiếp, nơi bắt đầu cuộc phiêu du vĩnh hằng của bao người. "Vào Cu ba ra Vạn Kiếp". Bên kia là ngõ một thời gọi là ngõ Lao Ðộng, nay người ta quen gọi là ngõ 90, nhưng dù là ngõ Lao Ðộng hay ngõ 90, nó đều không có biển đề. Nhà văn Nguyễn Tuân từng sống ở đây, Trong căn phòng nhỏ trên gác hai, ông từng kể tôi nghe thế nào là rượu mắt ếch.
Theo nhà văn Băng Sơn, nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của chúng ta từng gắn bó với ngõ Hà Nội: nhà thơ Trần Huyền Trân với ngõ Cống Trắng; ngõ Hạ Hồi với nhà văn Kim Lân; ngõ Trúc Lạc gần Hồ Tây với nhà văn Thạch Lam, nữ thi sĩ Vân Ðài; ngõ Văn Chương với nhà văn Sơn Tùng...
Ngõ Phất Lộc, Hàng Hành, Cấm Chỉ là những ngõ có từ xa xưa và nay là những địa danh ẩm thực.
Cuộc sống ở ngõ lạ thế. Lặng như ao tù mà sôi như dòng chảy. Anh bạn tôi nhà trong một cái ngõ. Ngõ Quỳnh. Lủn chủn một mẩu đất mà cũng ba tầng ngất nghểu. Cũng hẳn một cửa hàng đủ cả bia rượu, mắm muối, dưa hành, xà phòng và kẹo bánh. Cả nhà trông vào cái quán con con ấy.
Bây giờ không chỉ có ngõ. Sau quy hoạch, thành phố có đủ phố, ngõ, ngách, hẻm. Nhà tôi ở trong một cái hẻm thuộc phường Bách Khoa. Vốn phường này chỉ có đường ngang lối tắt, không phố, không ngõ. Sau rồi có một phố - phố Tạ Quang Bửu. Từ phố sinh ra một loạt ngõ. Ngõ đẻ ra ngách. Ngách nảy ra hẻm. Sau hẻm tôi chưa biết là gì và liệu có không. Nhưng cũng có trường hợp từ ngõ thành phố, như ngõ Văn Chỉ nay là một phố lớn. Nhiều nơi trước kia là ngách nay cũng thành phố, rộng rãi, đàng hoàng. Ðang từ chỗ ổ chuột bỗng sáng lên, thành mặt đường, giá lên tới hơn 20 cây một mét vuông. Cuộc sống kiểu "Có con rồi mới sinh cha; Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông" ấy cũng là một đặc thù của ngõ Hà Nội hôm nay.
Một cuộc sống vừa rất thực, vừa rất ảo; lung linh mà lầm lũi; quẩn quanh mà sáng rộng; vất vả mà thơ mộng. Một cuộc sống trầm lặng đầy biến động. Cuộc sống trong ngõ Hà Nội. Không thể chỉ kể trừu tượng. Cũng chẳng thể cứ toạc móng heo.
Nguyễn Triều - Hà Nội Mới
Ngõ Hà Nội - loanh quanh nhìn chuyện xưa nay
Ngõ là một phần không thể thiếu của Hà Nội. Tôi cứ hình dung ra một ngày nào đó, Hà Nội không còn những con ngõ nữa thì sẽ ra sao? Chắc điều đó làm nhiều người buồn lắm. Nhiều con ngõ đã gắn với lịch sử Hà Nội, với cuộc sống của nhiều mảnh đời. Thì trước khi trở thành một thủ đô hiện đại như bây giờ, Hà Nội vốn là một cái làng lớn đó sao? Và như bao nhiêu làng mạc khác trên đất nước này, không thể thiếu những ngõ nhỏ chằng chịt.
Một người vốn rành về Hà Nội như nhà văn Băng Sơn cho rằng, Hà Nội có khoảng trên 500 con phố, còn ngõ thì có chừng hơn 100. Ông nói vậy chứ tôi thì nghĩ khác, bởi Hà Nội bây giờ thay da đổi thịt từng ngày, cứ thế nhiều con ngõ giờ thành mặt đường, nhưng không thiếu những con ngõ mới xuất hiện, nhiều đến nỗi không phải ngõ nào người ta cũng kịp đặt tên. Đã nhiều lúc, người Hà Nội nghe nói về những ngõ, ngách, hẻm rồi không thể gọi là gì gì nữa, chỉ biết có địa chỉ dài dằng dặc, con số nọ trên con số kia thành cả dãy dài ở TP.HCM mà lạ lẫm. Giờ những con ngõ tương tự như thế ở Hà Nội đâu có thiếu. Có ngõ còn trở thành cả một phường như Văn Chương chẳng hạn. Vậy nên, tôi cho rằng, nếu thống kê cụ thể ra, số dân sống trong các ngõ của Hà Nội đâu có thua số dân sống ngoài phố là mấy. Và cuộc đời, chuyện phố chuyện phường cũng không thể thiếu chuyện ngõ.
Dù "phố Phái" trong tranh hay "Hà Nội phố" trong nhạc được nhiều người biết đến như một nét riêng của Hà Nội, thì thi ca, nhạc họa cũng đâu thiếu những con ngõ của Hà thành. Ngõ Hà Nội không nổi trội lên một cách rực rỡ mà cứ đằm thắm, sâu nặng trong cuộc sống thường nhật, bề bộn những lo toan. Ví như khu vực Cầu Giấy cùng hàng loạt con phố mới như Nguyễn Phong Sắc, Xuân Thủy, Tô Hiệu,... có thể thấy số sinh viên của nhiều trường đại học thuê nhà trong ngõ chưa chắc đã ít hơn số cư dân vốn gốc Hà thành. Thì khu vực này, chỉ hai, ba chục năm về trước còn là những ruộng rau, ruộng lúa của các HTX nông nghiệp, mang tiếng đất Từ Liêm (Hà Nội), nhưng cuộc sống của bà con ở đây nào có khác những miền quê dọc theo châu thổ sông Hồng. Cũng giếng nước, gốc đa, đường làng lát gạch nghiêng, quanh co uốn lượn. Giờ thì lũ trẻ của những nhà có diện tích cho người khác thuê, nghe chuyện đó như cổ tích thời hiện đại.
Nhưng có thể thấy, khi sinh viên hay người ngoại tỉnh về sống ở những khu vực này cảm thấy rất dễ chịu, cuộc sống ở đất Hà Nội thật đấy nhưng không quá bỡ ngỡ như ở trên phố, chợ búa sinh hoạt hợp túi tiền mà nếp sống cũng còn phảng phất hơi hướng làng xã như những vùng quê mình đã sinh ra. Những xóm trọ nho nhỏ mọc lên ngày càng nhiều, tối về râm ran câu chuyện mưu sinh hay những điều lạ lẫm ở thành phố. Tương tự, khu vực Thanh Xuân, phố Hạ Đình, Kim Giang, đường Trường Chinh, Giải Phóng, Mễ Trì, khu vực ngoài đê sông Hồng, đê Lương Yên, Trần Khát Chân... đều có những con ngõ như vậy. Một sinh viên sau 5 năm học, ngày ra trường vào làm ở một cơ quan tại trung tâm thành phố, lạ lẫm như ngày mới từ nhà lên Hà Nội thuê trọ. Sống ở ngõ với ở phố nhiều khi chỉ cách nhau có vài trăm mét mà khác biệt nhiều lắm. Hà Nội ngõ trong mắt người ngoại tỉnh về thành phố là như thế.
Còn ngõ Hà Nội trong mắt người Hà Nội thì sao? Trước kia, ngõ Hà Nội yên bình, cuộc sống vất vả mưu sinh nhưng ấm áp tình lối phố. Mỗi chiều về vui lắm, tụi lớn, tụi bé tập trung chơi mấy trò con trẻ, đánh bi, chơi đáo. Mấy ông lão, bà lão thanh thản bỏm bẻm nhai trầu, uống nước, nhìn bọn trẻ trong ngõ mỗi ngày một lớn mà mắt ánh lên sự tự hào, dù nụ cười vẫn còn đó đầy những nếp nhăn cơ cực, lo toan. Thi thoảng, tiếng điếu cày lại rít lên sòng sọc trong màn khói chuẩn bị cho bữa cơm chiều đang bốc lên từ mái lá nhà ai. Rồi tối đến, cả ngõ lại ùa vào mấy nhà có ti vi, những gia đình được coi là "địa chủ" trong ngõ, ngồi kín sân, chật cả đường đi như những rạp chiếu phim di động. Về khuya, mấy cụ ông vốn khó ngủ, tay lăm lăm cây gậy hay chiếc đòn gánh thả bộ dọc theo con ngõ nhắc nhở lũ trẻ giải tán về nhà và đi tuần không công cho dân trong xóm. Đâu đó vang lên tiếng kẻng an ninh hay những hàng bánh mỳ bán đêm, rồi hàng quà "lạc rang, ngô rang, hạt dẻ"... lanh lảnh tiếng rao. Con ngõ nào cũng thế, thật thanh bình và êm ả.
Bây giờ, trong nhịp đô thị hóa, những con ngõ của Hà Nội cũng phải chuyển mình và chuyện ngõ cũng có nhiều thay đổi. Ngoài những nhà trong ngõ đổi đời, bỗng dưng trở thành nhà "mặt tiền" của nhiều con phố có giá hay tự nhiên trong tay có tiền tỷ từ chuyện đền bù đất cát, thì những hộ dân trong ngõ cũng không còn an phận như xưa. Khi đời sống kinh tế bắt đầu dư dả, có của ăn của để là họ tích lũy để... nhao ra khỏi ngõ. Người trong ngõ chưa có điều kiện ra phố cũng rùng rùng tính toán chuyện làm ăn. Thế là cùng với những con đường trong ngõ được thảm nhựa hay trải bê tông, cuộc sống ở đây cũng trở nên chật chội và chộn rộn hơn. Mặt ngõ vốn đã không rộng như phố, nay càng hẹp lại. Thì cùng nhìn nhau mỗi người một ít, chỉ trừ khi tham lam hay ngang tai chướng mắt quá mới có chuyện kiện cáo, cần sự can thiệp của chính quyền. Theo thời gian số hàng quán trong ngõ ngày càng tăng lên để phục vụ nhu cầu không chỉ của cư dân trong ngõ. Nét riêng tĩnh lặng, trầm tư cùng vẻ đẹp cổ kính của nhiều con ngõ một thời của Hà thành không còn nữa.
Nằm lọt thỏm giữa phố Hàng Bông náo nhiệt, san sát các cửa hiệu buôn bán là con ngõ nhỏ xinh mang tên Tạm Thương, từng nổi danh vì có đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan và tích truyền khẩu về chuyện tình của mấy người lính trạm xa nhà cùng những cô gái hay... thương người. Chuyện đó giờ ít người còn nhớ. Cái mà người ta kháo nhau về con ngõ này là một nhà bán rượu chỉ rộng chừng 5-7 mét vuông, nổi tiếng về chiếc kệ giới thiệu các loại rượu rắn. Trong nhà chỉ có mỗi chiếc bàn cùng dăm chiếc ghế nên khách đến thưởng thức rượu toàn ngồi tạm... bên bậc thềm. Chuyện về cái quán ấy bây giờ cũng xưa rồi, bởi hôm nay người ta biết tới Tạm Thương là con ngõ nổi tiếng với món nem chua rán và các hàng rượu, đồ nhậu. Ai ngang qua đây buổi tối đều được mấy chú choai choai chèo kéo rất nhiệt tình, người thì giằng lấy xe máy dắt đi, kẻ lôi khách xềnh xệch vào ngõ...
Trong quận Hoàn Kiếm, chẳng ai không biết các con ngõ như Phất Lộc, Hàng Hành, Cấm Chỉ... khi đây đã trở thành những địa chỉ ẩm thực quen thuộc. Có lẽ sự phức tạp của những con ngõ này làm những người yêu Hà Nội chẳng có ý định đặt chân đến. Người bảo, mấy quán cà phê trong cái ngõ này là nơi tụ tập của các chủ lô đề, các trùm cá độ bóng đá trong lúc rảnh rỗi trước giờ quay số, hay ngồi đợi "đối tác" giao nhận tiền. Người nói, các quán ăn trong cái ngõ kia chỉ để phục vụ bọn choai choai tóc xanh tóc đỏ, sau khi đua xe đùa giỡn với tử thần đêm về tập trung để uống rượu, chia tiền độ, ăn cái gì đó lót dạ rồi đi "bay", đi "lắc"... Cũng chẳng biết độ tin cậy của những lời đồn thổi kia đến đâu, nhưng rõ ràng nhìn bộ mặt cư dân mới trong các con ngõ này đều "ăn nên làm ra" cả. Hàng quán san sát, đèn sáng suốt đêm... dù có vắng khách cũng chẳng ai chịu "rời bỏ trận địa". Mà nếu có ý định thuê mặt bằng ở những khu vực này thì cũng đừng nghĩ là ngõ mà có giá rẻ đâu đấy, bởi đây là những con ngõ nổi tiếng của Hà Nội cả xưa lẫn nay rồi.
Ngõ chợ Khâm Thiên, ngõ trên đê Thanh Lương, Trần Khát Chân, Tô Hoàng... thì hẳn nhiều người biết nó được hình thành bởi nhiều ngõ nhỏ nối tiếp nhau. Giờ thì hàng ăn trong ngõ san sát, đồ nhậu đủ các loại và chiều đến nhiều nơi còn khó kiếm được chỗ ngồi. Khi đêm xuống, các quán đóng cửa thì ngõ lại ngập tràn trong rác và nồng lên mùi chất thải rất đặc trưng. Trong màn đêm đó càng không có sự yên bình khi thấy những cô gái thuộc loại "nghèo" quần áo xuất hiện vật vờ cùng những toán thanh niên rỗi việc túm năm tụm ba trong bóng tối làm người ta liên tưởng tới tệ nạn hút hít lẩn khuất đâu đây…
Cũng không thể không nhắc tới những "ngõ khói" như Lê Văn Hưu, Hàng Hương... vào mỗi dịp cuối tháng được người ta ưu tiên tìm đến "giải đen" với món cầy tơ. Nào là quán rượu, bia, nào là bún, phở, cháo lòng…Nói chung, cứ có diện tích mặt ngõ là phải bắt đất "đẻ" ra tiền, không một phút ngơi nghỉ. Tôi có người bạn ở đó, nhà chưa đầy hai mét rưỡi mặt tiền, chiều sâu nhỏ hơn chiều rộng, vậy mà từ bán dưa cà chuyển sang bán nước, bây giờ cũng kích cóp được tiền, xây ngôi nhà "hộp diêm" 4 tầng như ai. Bạn tôi còn bảo, cố dành dụm vài năm nữa, mua cái chung cư để ở, còn chỗ này thì phải giữ bằng bất cứ giá nào để còn buôn bán. Té ra, sống ở ngõ bây giờ đâu có khổ. Nhưng đi nhiều, ngồi nhiều trong các ngõ, tôi biết, chắc chắn giờ đây lòng người và cái tình của những con người sống trong ngõ đối với nhau đang... hẹp lại.
Nói chơi chơi vậy thôi, chuyện ngõ là một phần không thể thiếu của Hà Nội. Thì như người ta bảo, cuộc sống giờ khác trước, những con ngõ không thể không hòa chung vào nhịp phố phường. Còn thầy tôi sống trong con ngõ ở Khu tập thể Bách Khoa thì nói: "Một cuộc sống vừa rất thực, vừa rất ảo; lung linh mà lầm lũi; quẩn quanh mà sáng rộng; vất vả mà thơ mộng; trầm lặng nhưng đầy biến động - Đó là những cuộc sống trong ngõ Hà Nội".
Nguyễn Thị Trà My