Ví dụ một bình luận của 1 bà mẹ đơn thân về nhân vật Mai, Bình Minh, cũng đáng suy ngẫm?
“Tôi vừa là chồng vừa là con của mẹ tôi” câu này của Bình Minh, con gái của Mai trong phim Mai. Cô bé Minh dễ thương, được khen là chín chắn, trưởng thành, biết lo toan trước tuổi, luôn lo cho mẹ, như người bạn ngang hàng của mẹ. Nhưng đây cũng là một cái bẫy nguy hiểm điển hình mà các gia đình đơn thân, (hoặc gia đình ba mẹ thiếu hạnh phúc) gặp phải, đó là những đứa con bị thế vai, những đứa con bị “phụ huynh hóa”.
Mình cũng là 1 bà mẹ đơn thân, nên mình đặc biệt nhạy cảm với câu nói tưởng chừng rất ngắn và rất đơn giản này.
Ngoài đời và trên phim, người ta thường chê trách những đứa con ỷ lại, vô trách nhiệm như Sâu, và thường ngợi khen nếu có đứa con biết lo cho mẹ như Minh. Rất nhiều mỹ từ như tự lập, hiểu chuyện, có hiếu, biết lo cho ba/mẹ, "con nhà người ta"… và thế là càng làm nó mắc kẹt trong hành trình bỏ rơi mình để lao đi chăm sóc người khác. Để rồi sau này nó không thể hiểu tại sao cứ cảm thấy đau khổ và thường đổ vỡ các mối quan hệ, tại sao mình là người tốt, tại sao mình thành công, mà mình vẫn bất an thế này!
Có người thắc mắc: vô lý quá, tại sao Mai lại chọn Sâu, một người vô dụng, lông bông, bất tài? Gánh gồng ông bố vô trách nhiệm chưa đủ khổ sao mà Mai còn muốn làm “vận động viên cử tạ” nữa? Không, ko vô lý đâu, logic của tâm lý nó thế đấy. Bố của Mai chỉ biết bán con, cờ bạc, phá tiền, lạm dụng con, Mai chưa từng được ngày nào thực sự làm đứa con cưng của bố, Mai quen gồng gánh và lo toan rồi, quen với số phận mạt rệp rồi. Giờ nếu có 1 đại gia giỏi giang, hào sảng, đi xe Mec tới, liệu Mai có dám yêu ko? Hay đơn giản hơn, 1 chàng bận rộn, đàng hoàng, chịu khó, kinh tế ổn định, liệu Mai có chịu yêu ko?
Một cách tự nhiên, Mai sẽ rung động với những anh chàng nhiều vấn đề, ỷ lại, vô tích sự. Biết là xấu, nhưng khổ quen, sướng ko quen, Mai chọn cái xấu quen thuộc. Mai yêu những người không làm Mai yên tâm, còn người cho sự bình yên thì Mai sẽ không yêu đâu, dù đã mỏi mệt lắm rồi.
Ông bà có câu “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, mình lo cho Minh. Nhất là khi mẹ Mai vẫn còn đang loay hoay lắm, ngay cả khi đã thành doanh nhân thành đạt rồi, nhưng cuối phim mẹ vẫn ngồi khóc một mình trên xe. Và Minh lại vẫn là người phải tạo hạnh phúc cho mẹ, vẫn mang trách nhiệm thắp sáng đời mẹ bằng những thành công của mình.
Vậy mình mới nói, khi đã làm mẹ, đơn thân hay đôi thân, thì sống hạnh phúc chính là đạo đức và trách nhiệm đó!
Trong buổi tọa đàm về làm mẹ đơn thân vừa qua, mình cũng nói: Hãy cảnh giác, đừng đẩy con trở thành người thế vai. Ranh giới của 1 đứa trẻ tự lập và 1 đứa trẻ bị phụ huynh hóa khá mong manh. Nó không phải ở số đầu việc mà con có thể tự làm, mà theo mình thì nó nằm ở cảm giác, và mục đích khi con làm việc những việc đó.
Đứa trẻ tự lập cũng biết nấu ăn, với nó việc đó là học hỏi, là để trưởng thành, và quan trọng là nó biết, nếu nó ko làm thì mọi việc vẫn ổn.
Đứa trẻ bị thế vai, bị phụ huynh hóa, cũng tự học, cũng nấu ăn, nhưng với sự tần tảo và gánh nặng trách nhiệm nặng nề của người trụ cột gia đình, “nếu mình ko làm thì ba/mẹ mình sẽ ko thể lo được, họ sẽ khổ, (hoặc mình sẽ khổ).”
Trấn Thành có dụng ý gì ko, khi đặt tên con của Mai là Bình Minh. Bình minh cũng là ngày mai, Bình Minh liệu có theo vết xe đổ, đi gánh gồng người khác trên vai? Ở đây ko nói về giới tính, dù có cưới 1 người đàn ông thì Minh cũng dễ có thể trở thành chồng của họ trong nhà. Hành trình đi kiếm tìm bình an và hạnh phúc thường khó khăn với những đứa trẻ bị “phụ huynh hóa”.
Cái poster ghi “Quá khứ chưa ngủ yên, ngày mai liệu sẽ đến?”, nó cũng đúng về góc độ ba mẹ và con cái. Quá khứ của những đứa trẻ ko có tuổi thơ sẽ không ngủ yên. Nó ở đó, nó điều khiển bạn, nó chọn ngày mai cho bạn. Và bạn lớn lên, thậm chí có gặt một số thành công, nhưng bên trong thì vẫn mắc kẹt ở quá khứ.
Sau buổi chiếu, mình đứng lên, thắt ruột thương Minh. “Những đứa trẻ hiểu chuyện thường không có kẹo ăn”, thương lắm!