Ăn sáng tại khách sạn xong, các nàng thong thả bắt taxi sang Cebu City, từ Lapu Lapu City sang Cebu City có 2 cây cầu nối liền 2 đảo. Ngồi taxi chừng 20 – 30 phút (hết khoảng 300P) thì các nàng tới Magellan’s Cross, biểu tượng thu hút của lịch sử Cebu, đánh dấu nơi mà Magellan trồng cây thập tự đầu tiên ở đất Philippines, tượng trưng cho sự xuất hiện cùa đạo Công giáo. Các bản sau của di tích thánh giá bằng gỗ đầu tiên được gìn giữ trong các nhà nguyện hình vọng lâu đời.
Khi các nàng đến thì nơi này đang được trùng tu nên quang cảnh chủ yếu là giàn dáo, không có gì đặc biệt. Đi bộ dọc lên đường Colon Street, con đường cổ nhất Cebu city với những dãy nhà cũ kỹ, dây điện cũng chằng chịt cũng chẳng kém các con phố của Hà Nội mấy. Thành phố này đông đúc, bận rộn nhưng ít thấy bóng dáng của khách du lịch.
Lơ ngơ hỏi đường ra Fort San Perdo các nàng gặp một cô bé sinh viên năm thứ 2. Hỏi một hồi, chỉ dẫn một hồi, cô bé bảo chiều không có lớp, sẽ đi cùng luôn. Tốt quá, thế là hai nàng có thêm 1 cô bạn đồng hành. Và..đó cũng là lần đâu tiên các nàng thử đi Jeepney, Phương tiện giao thông phổ biến của người dân xứ này.
Dự kiến là các nàng đi Taosist Temple trước, nhưng rồi qua 2 lần chuyển Jeepney, các nàng xuống 1 ngã tư dự định đi xe ôm lên, rồi nói chuyện một hồi các bạn xe ôm bảo đi cái Point view Top, ngắm toàn cảnh cebu đi mày. Cô bé người bản địa nói chuyện qua lại thỏa thuận giá một hồi rồi báo với các nàng là 2 xe chở 3 người đi lên Top Hill trước rồi chở qua Taosist Temple thăm rồi trả lại ngã tư để lấy Jeepney về trung tâm. Giá tất cả là 300P, quá rẻ so với giá xe ôm nhà mình. Tuy nhiên con số này còn là một câu chuyện thú vị sau đó. Lên Top View nằm ở khu vực Beverly Hills, Khu này khá đẹp, đường lên có nhiều triền dốc nhìn xuống thung lũng nằm xen lẫn với những bức tường đá phủ dây leo chằng chịt. Vé vào cửa Top view 100P/người, khoảng sân rộng trên cao được lát gạch cùng với những lối đi có mái che duyên dáng. Từ đây, các bạn có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ thành phố.
Rời khỏi Topview, các nàng sang Taoist Temple, chùa của các bạn china bên này. Quang cảnh phía sau cánh cổng vĩ đại mang dáng dấp Tử Cấm Thành của Cebu Taoist Temple, ngôi đền thờ Lão Tử và Đạo giáo được xây bởi cộng đồng người Hoa ở thành phố đảo này. Kiến trúc mang kết cấu truyền thống của Trung Quốc với tháp bát giác quen thuộc hay mái cong đền chùa phổ biến, nhưng màu sắc tươi mới lại có phần gì đó rất… Philippines. Khu đền sơn thủy hữu tình, có view khá đẹp nhìn gần như bao quát được cả Cebu. Hôm đó, không rõ lý do gì không được vào thăm quan. Không thăm quan thì thôi, đằng nào thì cũng không khoái lắm. Vậy là các nàng quay mông đi xuống bắt Jeepney đi Ayala Mall Cebu.
Và câu chuyện trả tiền xe ôm bắt đầu thú vị, các bạn ấy bảo là 300P 1 xe nhé, rồi công các bạn ấy chờ 100P/xe nữa nhé. Tóm lại là phải trả các bạn ấy 800P nhé.
Oh ****, đùa chứ, faut đầu tiên với người dân bản địa. Kể ra thì giá đó 2 xe đi 1 vòng như các nàng thì vẫn rẻ hơn ở Việt Nam thật đấy, nhưng mà các bạn ấy chơi bài này thành thử bực mình, nói qua nói lại một hồi. Rồi đành móc ví trả các bạn ấy 700P cho xong. Cô bé người Phil cứ xin lỗi mãi không thôi. Ôi, lúc đó nàng cũng xác nhận lại với các bạn xe ôm 300P mà. Sự vụ lần đó cộng với sự vụ Tricyclo ngày hôm sau ở Intramuros, Manila cũng cho nàng thêm được chút kinh nghiệm sau này.
Ayala là tên một tập đoàn gia đình lớn bậc nhất Philippines. Gia tộc Zobel de Ayala ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội Philippines suốt gần 200 năm qua. Họ có nhiều khu trung tâm thương mại sang trọng, nhiều bất động sản và ngân hàng. Bốn trụ cột của tập đoàn là Ayala Land trong lĩnh vực bất động sản, Bank of the Philippine Islands (BPI) trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Globe Telecom trong lĩnh vực viễn thông và Manila Water trong lĩnh vực cấp thoát nước. Dùng bữa trưa tai Ayala mall, các nàng lại chọn Noodle và Mango Shake. Đồ ăn bên này khô, nhiều dầu mỡ, Noodle bên này khô queo, không có chút nước nào hết. Sau này mới biết, nếu muốn gọi mỳ nước (Giống bún, phở miến bên mình) bạn phải kêu là Mami chứ không phải Noodle.
Xong bữa trưa, các nàng lại bắt Jeepney sang Crown Recency thử trò Sky walking. Lên tầng 37 mua vé. 550P/người áp dụng cho mùa thấp điểm. Trò này kỳ thực chả có gì mạo hiểm (đối với nàng), mặc bộ đồ bảo hộ, sau đó cài đai dây bảo hiểm, phía ngoài có 1 lối đi bằng kính vòng quanh tòa nhà. Đi một vòng, vừa đi vừa tạo dáng cho các bạn hướng dẫn chụp choẹt các kiểu hết 15 phút. Kì thực mà nói, trò này không có gì đặc biệt, được cái các bạn hướng dẫn rất vui tính, nhiệt tình. Các nàng cười ngoác miệng từ đầu chí cuối. Sau khi kết thúc, các bạn ấy sẽ show những hình ảnh các bạn ấy chụp mình trong lúc di chuyển và tạo dáng, thích tấm nào in tấm đó. 150P/tấm. Các nàng lấy mỗi 1 tấm. Chơi trò này, các thể loại vật dụng cá nhân, đồ trang sức từ vòng vèo, đồng hồ đến hoa tai đều bị tháo tiệt. Các bạn đặt cọc 200P để lấy 1 lock gửi đồ, gửi miễn phí, chơi xong, trả chìa khóa, lấy lại tiền. Bạn nào ham vui thì thử cho biết.
Chơi xong trò này, các nàng đi bộ qua Thánh đường Basilica Santo nino sang tới Fort San Pedro cũng đã chập choạng tối. Xung quanh thánh đường đông người đang cầu nguyện là vô số người bán nến. Nhà thờ Snato Nĩno Basilica ở Cebu chứa đựng trong nó một điều kì diệu: làn sóng thứ hai của thực dân Tây Ban Nha đã tìm ra tượng chúa Jesus vươn lên giữa đống tro tàn từ một ngôi nhà của người bản địa bị cháy. Họ nhận ra bức tượng là món quà của nhà thám hiểm Magellan đã tặng cho quận chúa ở địa phương, nên những người đi phiêu lưu đã xin xây dựng một nhà thờ tại địa điểm mà bức tượng được tìm thấy. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1740, một nhà thờ bằng gỗ và đá ong đã được xây dựng tại vị trí từng là một nhà thờ đắp bằng đất và gỗ. Một bảo tàng bên trong nhà thờ vẫn bảo tồn những di sản trong lịch sử Thiên Chúa Giáo của tỉnh Cebu từ thời xa xưa nhất – từ trang phục của thầy tu đến những bức tược các thánh hay những sợi tràng hạt thể hiện lòng kính chúa của người địa phương. Bức tượng chúa Jesus ( bức “Santo Nĩno) được gìn giữ sau một lớp kính chống đạn trong nhà thờ. Mỗi năm, Santo Nĩno được đem ra diễu hành trong hàng loạt lễ diễu hành của người bản địa trong lễ hội
Chia tay cô bé sinh viên có nước da rám nắng, đôi mắt to có hồn và nụ cười cực duyên. Phải nói thêm rằng, không biết giới trẻ của Philippines như nào, nhưng cô bé này có phong cách rất phóng khoáng, thích kết hôn với người nước ngoài cùng với giấc mơ về đất nước Mỹ, suy nghĩ về hôn nhân và sex thoáng (dù mới 19 tuổi).
Vé vào cửa Pháo đài Fort San Pedro khá rẻ: 30P/người. Hôm đó, ở đây có tiệc mừng sinh nhật của cậu ấm cô chiêu nào đó, không gian được trang hoàng khá đẹp mắt với những bàn tiệc sang trọng. Sân khấu được thiết kế nhiều bóng bay nằm trên hành lang có mái che được phủ bằng những dây leo duyên dáng. Pháo đài Fort San Pedro được xây dựng bởi người Tây Ban Nha (ta gọi là bọn thực dân xâm lược) từ thế kỷ XVIII bằng gỗ, ngày nay đã được trùng tu nhiều lần. San Pedro là pháo đài cổ xưa nhất và cũng bé nhất Philippines. Phía trước pháo đài là một quảng trường rộng với nhiều gốc cây cổ thụ. Thành phố lấp lánh ánh đèn, các nàng sau một ngày mệt nhoài, đón taxi về khách sạn. Tạm biệt Cebu, sáng mai các nàng lại bay sớm.