Bay từ Manila đến Boracay máy bay nhỏ, hôm đó nàng bay ATR, chừng hơn 1 tiếng, máy bay hạ cánh xuống sân bay Caticlan boracay. Sân bay nhỏ như sân bay mình ở Pleiku.
Đến Boracay, thường thì có 2 lựa chọn, hoặc bay
Kalibo hoặc bay
Caticlan. Thông thường, vé đến Caticlan giá cao và ít khuyến mại. Hên là nàng book được 1 chiều đến Caticlan còn chiều về Manila thì bay từ Kalibo. Từ sân bay Caticlan trên đảo Aklan, để sang đảo Boracay, đúng như kinh nghiệm các bạn đi về truyền lại, Quầy dịch vụ của
Southwest nằm trong sân bay luôn, họ cũng có nhiều gói giá cả khác nhau, nàng thích rẻ, nàng đi ra khỏi sân bay, xếp hàng cùng nhiều bạn ở 2 chòi lá trước cửa sân bay. Tuy nhiên, mua của các bạn này, chi phí 1 người là 165P bao gồm (Tricyclo từ sân bay tới bến thuyền Caticlan Jetty, Thuyền sang đảo, Phí môi trường) từ bến này, chủ yếu là thuyền Bangkha và cập bến thuyền nhỏ ở Boracay. Lưu ý là chiều về từ Boracay đi Kalibo, nếu đăng ký của Southwest các bạn sẽ phải đến 1 bến thuyền khác Cagban Jetty Port (To hơn, đẹp hơn) và được đi Oyster Ferry to đùng, có điều hòa (Giống em Seaqueen đi Cát Bà nhà mình) và cập 1 cảng khác trên Aklan cũng to đùng không kém. Vụ nhầm lẫn rằng Boracay chỉ có 1 bến thuyền làm nàng tốn thêm 30 phút và 100P tiền tricycle. Tóm lại đến giờ nàng vẫn bị bối rối không nhớ chính xác tên của các bến thuyền này.
Ấn tượng sau 10 phút đi bangkha qua đảo Boracay giống như về 1 vùng quê nhỏ ở Việt Nam mình. Con đường dẫn từ
Jetty Port về khu trung tâm của đảo không lớn, nhiều con dốc, mặt đường cũng có ổ gà, ổ voi, ổ chuột còn đọng lại dấu hiệu của những cơn mưa. Ban đầu, tinh cuốc bộ về trung tâm sau khi hỏi 1 bác dân địa phương khoảng cách, bác này nói đi bộ chừng 30 phút, mà nàng đi bộ đến 1 trạm cảnh sát, mấy anh dễ thương lại xua xua tay kêu xa lắm, mày không đi bộ được đâu. Vậy là nàng lại quay đầu bắt tricycle với giá 40P/người về tới D’Mall.
Dễ cũng phải đến 15 – 20 phút mới về đến
D’Mall. Con đường chính của đào nằm giữa 1 bên là white beach, 1 bên là Bulabog beach.
Đầu tiên, đến MC Donal gần D’mall, nàng nhìn hoai, nhìn mãi vẫn chưa thấy biển đâu. Ra là phải đi xuyên qua D’Mall hoặc đi sâu vào các ngõ nhỏ nằm vuông góc với đường chính mới thấy được biển. Giai đoạn tìm Hostel mà nàng đã đặt trước cũng nan giải không kém, nhìn mãi vẫn không thấy biển chỉ dẫn hay biển tên khách sạn đâu. Phải nói, Bãi biển ở Borcay không giống bất cứ vùng biển nào mà nàng đã đi qua về mặt quy hoạch khu khách sạn, hàng quán. Thường thì những nơi nàng đi qua, chỉ có những resort nằm sát biển, còn phần lớn các khách sạn, hostel đều nằm trên 1 con đường, muốn ra tới biển phải băng qua con đường đó như Nha Trang, Mũi Né, Đà Nẵng hay bất cứ khu vực biển ngoài bắc. Hàng quán, bar,…theo lối tư duy của nàng vì thế cùng phải nằm dọc trên các con đường đó. Nhưng ở Boracay này, phần lớn các khách sạn, nhà nghỉ, hostel, resort đều nằm sát bãi biển (white beach) xen cùng với hàng quán, dịch vụ vui chơi giải trí. Những hostel nhỏ nằm trong những con ngõ ngoằn nghèo mà chỉ cần đi bộ chừng 100 – 150m chân đã chạm vào bãi cát. Có lẽ cũng vì đó mà trên bãi biển đặc biệt dọc khu Station 2, người ta dựng nhiều khung tre có gắn nhựa trong suốt để chắn gió chắn cát.
Tìm mãi, cuối cùng cũng thấy hostel nàng đặt theo gợi ý của 1 nhỏ em đã đi trước. Hostel này tương đối mới, phòng và nội thất khá okie, vị trí nằm trung tâm
station 2, ngay gần D’mall. Tên em hostel này là
Taj Guesthouse, giá mùa thấp điểm nàng đặt 1200P, vào mùa cao điểm, với phòng Private room with air and bathroom, bạn này mới hỏi cho chuyến đi năm sau là 2000P. Từ guesthouse này, các nàng có thế thoải mái mặc bikini tung tẩy ra biển tắm. Để hành lý, nghỉ ngơi chút trước khi phi ra biển. Trời không đẹp, nhiều mây, nắng yếu ớt, dù vậy nước biển rất trong, bãi cát rộng, dài, cát trắng và mịn mà không hề bị lún. Một cách hoàn toàn tự nhiên, dù thời tiết ngày hôm đó không đẹp nhưng đến đây thì cũng đáng đồng tiền bát gạo. Dọc bãi biển, nhiều bạn nam với nước da rám nằng mời chào Sailing boat. Nàng không quan tâm, nàng cười, “No, thanks”. Đi dọc mải miết từ Station 2 xuống Station 1. Cá nhân nàng thích Station 1 hơn vì sự yên bình, bãi biển cũng sạch và vắng người hơn Station 2. Trên bãi cát, nhiều em nhỏ vun vun đắp đắp những mô hình cát mang tên Boracay. Gần 1 resort, 1 đám cưới nhỏ trên bãi biển trang trí những dải lụa trắng muốt, hoa rực rỡ, có ánh nến lung linh, tiếng cười nói của quan khách và nụ cười rạng rỡ của cô dâu chú rể. Xa hơn một chút là biểu tượng của Boracay. Nhiều cậu trai, cô gái chắp tay nguyện cầu những điều tốt đẹp với Đức mẹ Mary được đặt trên
Willy Rock.
Xa hơn chút nữa, là một đám đông dân chài đang thu hoạch mẻ cá, nhiều cậu bé cô bé da đen nhẻm, ánh mắt tinh nghịch, nụ cười rạng rỡ, nô đùa cùng với thành quả trong tấm lưới.
Cuối Station 1, vắt qua lưng chừng của núi, 1 con đường nhỏ xíu chỉ vừa một người đi, cheo leo vách đá, dưới là làn nước trong vắt, xanh màu trời, sóng vỗ ì oạp và vách đá. Trên lối đó, Hang West nhỏ nhìn ra biển, hôm đó có một nhóm người làm lễ rồi tụi nhỏ được chia đồ ăn. Đi qua con đường nhỏ này là tới
bãi biển Diniwid Beach.
Bãi biển với dải cát nhỏ hơn white beach lãng mạn với những bãi đá vươn ra biển. Nami Resort của các bạn Hàn Quốc với lối kiến trúc đáng yêu nằm một góc trên bãi biển. Các bạn ấy thật là khéo chọn mà. Lại nhắc đến các bạn Hàn, ở Boracay nhiều vô kể các bạn Hàn, đến nỗi, nhìn nhác nhác thấy dáng hai nàng là mấy bạn dân địa phương cứ Anyonhaseo đến là mệt. Mặt trời rơi xuống biển, đêm buông xuống, các nàng quay lại station 2 vào thăm thú D’mall. Không rõ là nàng không biết cách khám phá hay thực sự đối với nàng D’Mall không có điểm gì đặc biệt thu hút. D’Mall với những hàng quán ăn từ địa phương đến nước ngoài, nhiều hàng quán bán đồ lưu niệm nhỏ nhỏ. Bạn có thể bắt gặp quán The Hobbit House với phục vụ là các chú lùn, có chơi nhạc sống vào buổi tối, thử các món ăn địa phương có thể vào
Big Mounth, đúng là big, đồ gì gọi cũng big bự, Mango shake ở quán này khá ngon và cốc thì siêu bự, 2 người uống no.
Hallowich là nơi các nàng thử món
Halo Halo, món này trước đó người khen người chê, với nàng, ăn ổn, không dở, không quá đặc sắc. Trời mưa ạ, buổi tối hôm đó, sau khi các nàng book xong Hoping island tour cho ngày hôm sau thì trời đổ mưa. Về giá mấy tour này và các món khác như
Helmet Diving, Sailing boat hay nhiều loại khác, đúng như các bạn nói trước, mọi người mặc cả tự nhiên, mặc dù các bạn ấy có 1 bảng tờ rơi ghi rõ giá các loại (đều là giá trên trời) sau đó các bạn ấy sẽ nói, tao sẽ cho mày giá tốt, yên tâm. Helmet diving trước đó có bạn nói tầm 1000 – 1500P gì đó, nhưng thành thật thì dù mình chưa mặc cả câu nào, các bạn ấy cũng đã tự chào mình giá 500P/người. Nàng không có hứng nên nàng cũng không hỏi gì thêm. Cuối cùng các nàng đặt tour Hoping Island với 3 điểm:
Crocodile island, Crystal cove; Ili Iligan, trừ Crystal cove là lên đảo thăm quan, còn lại các đảo kia chỉ neo bên ngoài và nhảy xuống bơi + lặn ngắm San hô, giá chốt nàng đặt là 1000P/người (không bao gồm ăn trưa, đã bao gồm thuyền, hướng dẫn, phí môi trường, áo phao, đồ snorkeling, vé lên đảo Crystal cove). Hài hước ở điểm, lúc 2 nàng lơ ngơ tìm khách sạn thì 1 bạn dân địa phương dễ thương đã dẫn hai nàng vào tận khách sạn và mời 2 nàng book tour của bạn ấy. Chàng nàng tên là B’Hong, quả thật lúc đó đã quá mệt định bụng nghỉ 1 lúc rồi chiều tối tìm bạn ấy, rồi cuối cùng duyên phận với bạn ấy không đủ đã đưa đẩy các nàng đến book tour của một
bạn béo Gerry.
Book tour ở đây cũng vui nhé, đứng ở trên bãi biển, lối đi vào Dmall có 1
bảng lớn vẽ bản đồ và các tuyến thăm quan, các bạn ấy sẽ thao thao bất tuyệt nói về lịch trình sau đó hỏi mày muốn đi cái gì rồi đưa giá. Sau đó là màn mặc cả, chốt lại book thì bạn ấy đưa cái thẻ hành nghề của bạn ấy rat hay vì Bill hay Voucher, nàng đặt cọc 500P, cầm thẻ bạn ấy, lấy số điện thoại, hẹn điểm đón sáng mai. Xong! Sáng hôm sau gặp lại bạn B’Hong bạn ấy trách, bạn ấy kêu tao có thể offer mày giá rẻ hơn, mày book đắt rồi, hầy, khổ, chia sẻ với các bạn điều này, thói của mình đã book rồi thì trước hết hài lòng với lựa chọn của mình đi, khỏi lăn tăn đắt rẻ, so sánh. Cái đó về rút kinh nghiệm sau. Số phận trêu ngươi, sau khi các nàng không book của bạn B’Hong mà book của bạn Jerry, lại toàn giáp mặt bạn B’Hong, mỗi lần bạn ấy lại cười cười, lắc lắc đầu chào Vietnamese girl. Ý gì không biết. Mưa rào xuống, các nàng khỏi đi tết tóc như dự định ban đầu, chạy mưa ở biển thật vui.
Kế hoạch ngày hôm sau: Dậy sớm đi mua vé bus về Kalibo của Southwest, Hoping island tour, đi chợ D’Talipapa ăn hải sản, tết tóc và ngồi uống Mango shake ở bãi biển.