Su-30SM và Kh-31 - Cặp bài trùng chết người
2:24 AM, 28/01/2017, Views: 704 | By Nhân Vũ
VietnamDefence - Tiềm lực chiến đấu của tiêm kích Su-30SM và tên lửa chống hạm Kh-31.
Su-30SM
Quân đội Nga đang được bổ sung các tiêm kích đa năng tối tân Su-30SM. Mùa xuân năm 2016, một phi đội 8 máy bay đã được thành lập ở Hạm đội Biển Đen, tại Crime, mùa thu, trung đoàn tiêm kích ở tỉnh Rostov đã nhận được 2 máy bay. Mới đây, một lô Su-30SM đã được bàn giao cho Trung đoàn không quân hải quân đột kích độc lập của Hải quân Nga ở miền Bắc nước này. Năm 2017, không quân hải quân ở Baltic sẽ được trang bị các tiêm kích này. Dự định trong khuôn khổ đơn đặt hàng quốc phòng nhà nước đến năm 2018, Không quân-vũ trụ Nga (VKS) sẽ nhận được hơn 30 chiếc Su-30SM.
Su-30SM đang tích cực tham gia vào chiến dịch Syria với nhiệm vụ hộ tống các máy bay ném bom chiến thuật và chiến lược của VKS.
Các máy bay Su-30SM thuộc biên chế không quân hải quân của Hạm đội Phương Bắc, ngoài tên lửa không đối không sẽ được trang bị các tên lửa chống hạm siêu âm Kh-31. Nhiệm vụ của Su-30SM sẽ là bảo vệ vùng biển Barents trước máy bay, máy bay không người lái tiến công, tên lửa hành trình và tàu chiến đối phương. Su-30SM cũng sẽ có thể tấn công các trạm radar, hệ thống phòng không và các mục tiêu mặt đất khác. Tên lửa siêu âm Kh-31 sẽ góp phần đắc lực cho Su-30SM hoàn thành các nhiệm vụ đó.
Tiềm năng của Kh-31 Krypton
Năm 2015, quân đội Nga đã nhận vào trang bị hơn 10 mẫu tên lửa hành trình cải tiến và mới. Một sản phẩm mới đáng chú ý là họ tên lửa chống hạm và chống radar Kh-31AD (tức Kh-31М, còn NATO gọi là AS-17 Krypton) do Tập đoàn KTRV chế tạo.
Bắt đầu được phát triển từ năm 1975, Krypton là tên lửa sản xuất loạt đầu tiên trên thế giới trang bị động cơ phản lực kết hợp. Khả năng của động cơ cho phép tên lửa bay ở độ cao nhỏ 3-5 m với tốc độ 2M (hơn 2300 km/h). Nhờ vậy mà kết hợp với khả năng cơ động cao, khả năng sống còn của tên lửa khi vượt qua lưới lửa phòng không điểm và hiệu quả diệt mục tiêu tăng lên mặc dù có sự đối kháng điện tử của đối phương.
Cuối những năm 1990, công ty Boeing của Mỹ đã định mua đến 100 tên lửa chống hạm siêu âm Kh-31А để cải hoàn thành mục tiêu bay siêu âm và thử nghiệm các phương tiện phòng thủ tên lửa của tàu nổi.
Tổng giám đốc KTRV Boris Obnosov cho biết, Kh-31 từng bị nước ngoài tìm cách sao chép, nhưng mấy chục năm nay vẫn không thành công nên Trung Quốc không có loại tên lửa tương tự mà Mỹ cũng vậy mặc dù người Mỹ đã tìm cách mua các bia bay để mô phỏng Kh-31.
Hiện tại tên lửa hàng không cao tốc có điều khiển Kh-31 có 4 biến thể:
• chống radar: Kh-31P và Kh-31PD;
• chống hạm: Kh-31А và Kh-31AD.
Tên lửa này cũng có các biến thể dành cho xuất khẩu.
Kh-31PD dùng để tiêu diệt các trạm radar tên lửa phòng không, tầm bắn đến 250 km, trọng lượng phần chiến đấu đến 110 kg.
Tên lửa chống hạm Kh-31AD, theo các kỹ sư thiết kế, xét về hiệu quả chiến đấu thì vượt xa các loại tên lửa trước đó và không thua kém những vũ khí mới nhất của nước ngoài. Nó được chế tạo để tiêu diệt các tàu chiến và tàu đổ bộ mặt nước, tàu vận tải trong đội hình các cụm tàu đột kích hay hành trình đơn lẻ. So với mẫu cơ sở (Kh-31А), Kh-31AD có phần chiến đấu uy lực mạnh hơn 15% và tầm bắn gần như gấp 2 lần (120-160 km).
Kh-31AD đang được trang bị cho các tiêm kích họ Su-30/35 và MiG-29K/35. Năm 2015, có tin trong tương lai, các trực thăng tiến công trên hạm Ka-52K với radar trên khoang mới sẽ có thể sử dụng các tên lửa Kh-31/35.
Khả năng của Su-30SM
Tiêm kích đa năng Su-30SM là sự phát triển tiếp theo của họ Su-30. Biến thể mới này dựa trên các công nghệ của tiêm kích xuất khẩu Su-30MKI, nhưng thiết kế phù hợp với yêu cầu của không quân Nga về phần thiết bị avionics. Ngoài ra, các chủng loại vũ khí hàng không sử dụng cũng thay đổi và lắp đặt ghế phóng thoát hiểm mới.
Su-30SM (nghĩa là Su-30 hiện đại hóa, sản xuất loạt) dùng để giành ưu thế trên không, cũng như tấn công các mục tiêu mặt đất và mặt nước. Trong cấu trúc máy bay có sử dụng cánh ngang phía trước và các động cơ điều khiển vector lực đẩy. Nhờ đó mà máy bay có khả năng siêu cơ động.
Su-30SM được lắp radar điều khiển đa năng Bars, hệ thống tiếp dầu trên không, các hệ thống dẫn đường mới, thành phần thiết bị điều khiển tác chiến tốp được mở rộng, hệ thống bảo đảm sinh hoạt được hoàn thiện.
Su-30SM có khả năng tác chiến tầm xa và thời gian bay dài: bán kính chiến đấu là 1.500 km. Máy bay cũng có thể dùng để huấn luyện phi công lái các tiêm kích một chỗ ngồi tương lai.
Su-30SM có 12 điểm treo vũ khí. Vũ khí gồm các loại bom đạn có điều khiển không đối không và không đối diện, cũng như bom và tên lửa không điều khiển.
Máy bay có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm trung họ R-27 (đến 8 quả), R-77 (đến 10 quả) và tầm ngắn R-73 (đến 6 quả).
Với các tên lửa chống radar và chống hạm Kh-31P và Kh-31А (đến 6 quả), máy bay có khả năng tham gia các chiến dịch chế áp phòng không đối phương và tiêu diệt tàu nổi. Su-30SM cũng có thể tấn công điểm chính xác bằng:
• họ tên lửa Kh-59 (đến 5 quả);
• bom có điều khiển các họ KAB-250 (đến 6 quả), KAB-500 (đến 6 quả) và KAB-1500 (đến 3 quả);
• tên lửa Kh-29Т với đầu tự dẫn truyền hình (đến 6 quả);
• bom không điều khiển các cỡ 100, 250 và 500 kg;
• các cụm rocket S-8 (cụm B-8М) và S-13 (B-13L), các rocket S-24 và S-25.
Máy bay có thể được trang bị các trạm của hệ thống gây nhiễu tích cực Khibiny lắp trên các đầu mút cánh. Su-30SM còn có 1 pháo 30 mm GSh-30-1 với cơ số đạn 150 viên.
Su-30SM ở căn cứ Hmeimim, Syria
Thành công của Su-30SMSu-30SM thể hiện tốt trong chiến dịch của Không quân-vũ trụ Nga (VKS) ở Syria. Lần đầu tiên người ta biết đến sự tham gia của Su-30SM trong lực lượng không quân Nga triển khai ở Syria vào ngày 12/10/2015. Chúng đã làm nhiệm vụ bảo vệ trên không cho tất cả các phi vụ xuất kích của máy bay ném bom Nga ở Syria.
Su-30SM thỉnh thoảng bị các máy bay của Không quân Mỹ và máy bay không người lái tiến công của Mỹ phát hiện bằng mắt trên không phận Syria. Tháng 11/2015, Su-30SM đã hộ tống trên Địa Trung Hải và lãnh thổ Syria các máy bay ném bom chiến lược Tu-160.
Tháng 9/2016, các phi công không quân hải quân Nga đã lái 4 chiếc Su-30SM tham gia cuộc tập trận quy mô lớn Kavkaz. Trong các chuyến bay, chúng đã tiêu diệt 1 tàu chiến của đối phươn giả định bằng cách thả xuống tàu 4 quả bom 250 kg mỗi chiếc. Ngoài ra, chúng còn thao diễn không chiến tầm gần: các phi công thực hiện các bài bay cao cấp ở độ cao nhỏ và cực nhỏ để giành vị trí tấn công có lợi nhất.
Mùa xuân năm 2016, đội bay trình diễn Russkyie Vityazi đã tiếp nhận các máy bay Su-30SM. Trong 25 năm từ khi thành lập, các phi công đội bay này chỉ bay trên các tiêm kích Su-27.
Các hợp đồng đầu tiên cung cấp Su-30SM cho quân đội Nga đã được ký với Tổng công ty Irkut vào năm 2012. Việc sử dụng thành công loại tiêm kích này ở Syria sẽ cho phép tăng số lượng Su-30SM trong VKS trong thời gian tới. Không quân hải quân Nga cũng sẽ mua sắm một số lượng nhất định Su-30SM.
Nguồn: itar-tass, 8.12.2016.