Em xin trích dẫn sự việc của cụ Gà Vịt có liên quan đến việc vi phạm phạt nguội khi xe ô tô đi vào làn BRT trên group của cõi chúng ta để các cụ nhà ta tiện theo dõi ạ
“Tóm tắt sự việc tôi có ghi trong đơn khiếu nại lần 1 và lần 2 đính kèm.
Ngày 18/5 tôi đã có đơn khiếu nại lần 1 gửi lên Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội, mặc dù thời hạn trả lời khiếu nại lần 1 trong luật khiếu nại quy định là 30 ngày, tuy nhiên sau rất nhiều lần gây khó khăn, thì đến ngày 2/8 vừa rồi mới có Quyết định trả lời (chi tiết tôi đính kèm trong đơn khiếu nại lần 2). Trong đó, không trả lời bất cứ 1 luận điểm nào trong 4 căn cứ mà tôi đưa ra tại đơn khiếu nại lần 1, đồng thời, trả lời lòng vòng, đánh tráo khái niệm, khi giải thích đó là làn xe buýt, và phát sinh thêm thuật ngữ xe buýt BRT
Theo quy tắc gắn biển phân làn tại Quy chuẩn 41 năm 2019 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ:
- Làn dành cho xe Buýt thì phải gắn biển R.412e - Làn đường dành cho xe buýt và không có biển phụ BRT.
- Làn dành cho xe BRT thì gắn biển R.412a - Làn đường dành cho xe ôtô khách kèm biển phụ BRT
Tuy nhiên thực tế tại đường Lê Văn Lương lại gắn biển R.412e kèm biển phụ LÀN DÀNH RIÊNG BRT là biển sai quy chuẩn pháp luật về phân làn. Nếu hiểu đó là làn của xe buýt như giải thích của Phòng cảnh sát giao thông thì là phủ nhận tác dụng của biển phụ, còn việc hiểu đó là làn BTR và phát sinh thuật ngữ xe buýt BRT là đánh tráo khái niệm, suy diễn luật và tôi cũng khẳng định trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ, không có bất kỳ định nghĩa hoặc luận điểm nào sử dụng thuật ngữ xe buýt BRT.
Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục hành trình con kiến đi kiện củ khoai của mình, khiếu nại lần 2 gửi lên Công An Thành phố Hà Nội, xem các anh có tiếp tục bao che và không trả lời đúng các lý do mà tôi đưa ra không.
Và cũng mong cccm nào rành về thủ tục khởi kiện thì có thể tư vấn cho tôi, để nếu khiếu nại lần 2 không có kết quả tôi sẽ tiếp tục khởi kiện ra tòa. Dù có khó khăn thế nào tôi cũng sẽ theo đến cùng, tôi không tin giữa thủ đô của 1 nước pháp quyền mà pháp luật lại có thể bị coi thường như vậy được.
Tôi xin trân trọng cảm ơn cccm đã theo dõi và ủng hộ!”
Em vodka cụ để nhờ chuyển cho cụ Gà Vịt vì em cho rằng khi không tán thành với quyết định của cơ quan công quyền, chính thức khởi kiện là văn minh.
Tuy nhiên, các lý lẽ cụ Gà Vịt đưa ra trong nội dung khiếu kiện chứng tỏ có chút muốn chơi khôn kiểu tầm chương trích cú để mưu lợi cho mình. Cụ thể là theo các quy định ngay trong QCVN 41:2019/BGTVT mà cụ ấy sử dụng:
1) Ý thứ nhất: Về BRT có phải xe buýt không, tại Khoản 17.3 Điều 17 có nội dung “xe buýt nhanh, sử dụng biểu tượng xe buýt có bổ sung chữ “BRT” phía trên”, và tại Mục D.14 Phụ lục D có nội dung “Khi báo hiệu làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh, bổ sung thêm cụm từ “BRT” trên biển R.412a”.
2) Ý thứ hai: Bẻ qua soi quy định về biển báo trong trường hợp này là thiếu thuyết phục khi tại Phụ lục G quy định về vạch kẻ đường, Mục G.1.2 trong Điểm c về quy cách Vạch 2.3 có quy định “Vạch giới hạn làn đường dành riêng hoặc ưu tiên được sử dụng đi kèm với chữ viết biểu thị loại xe được dành riêng hoặc ưu tiên hoặc có thể đi kèm với ký hiệu chỉ loại xe được phép sử dụng làn đường”, có nghĩa là ở đây chỉ cần có chữ “Làn dành riêng cho BRT” đã đạt quy cách và có hiệu lực.
3) Ý thứ ba: Việc trích dẫn quy định nhưng bỏ bớt nội dung là không thích hợp khi khiếu kiện dựa trên chính quy định này. Nguyên văn cần trích của Phụ lục D, Mục D.14, Điểm b là “Khi đến gần nơi đường bộ giao nhau, xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn. Việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định.” Vậy chuyển làn nhưng đè lên vạch liền 2.3 là sai quy định.
Cũng nói thêm, nội dung này của Phụ lục D là nói về việc chuyển làn khi trước đó đi theo làn quy định bởi các biển báo trong nhóm D.14 - Biển số R.412 (a,b,c,d,e,f,g,h) chứ không phải cho mọi trường hợp đến gần nơi đường bộ giao nhau.
4) Ý thứ tư: Trong ý này có chỗ đúng về việc thiếu biển nhắc lại. Tuy nhiên cho dù rẽ từ các ngã ba cụ ấy nhắc đến (Lê Văn Thiêm, Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân) ra Lê Văn Lương và không thấy biển nhắc lại thì cũng không có nghĩa là được phép đè qua vạch liền 2.3, vì vạch này không cho phép đè qua. Vì vậy ý này chỉ đúng về báo hiệu chưa đạt quy cách chứ không phải là minh chứng cho việc đi vào làn BRT khi không có biển báo là hợp lệ.
---
P.S. Em thấy cái làn BRT này chuối nhất là không dùng vạch rời 2.3 trong khi đường hẹp, chỉ vạch ấy là đủ để ưu tiên cho BRT khi chạy trên làn này. Dùng vạch liền là đặt sự thuận lợi của người dân xuống dưới sự thuận lợi của các cơ quan chức năng. Các ý như sợ khó phân xử, khó phạt khi các phương tiện khác không nhường đường cho xe ưu tiên là dựa vào thực tế xã hội chứ không phải đứng từ góc độ thượng tôn pháp luật. Nói chung là dở.