Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật – Giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Nam Á phân tích về vấn đề phạt “nguội” hành vi vi phạm luật lệ ATGT qua hệ thống giám sát trật tự ATGT của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) một số tỉnh, thành phố.
Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật: Xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm luật lệ ATGT nhằm đảm bảo ATGT cho chính người bị xử phạt và cộng đồng xã hội. Việc xử phạt phải thể hiện sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, mới góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp phạt “nguội” hành vi vi phạm luật lệ ATGT là thiếu căn cứ và không khả thi, bởi các lý do:
Thứ nhất: Không đảm bảo được các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính.
Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Việc xử lý vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp …
Các tuyến đường cao tốc sẽ được giám sát trật tự ATGT qua hệ thống camera và áp dụng hình thức phạt nguội?
Nếu áp dụng hình thức phạt “nguội”, tính “kịp thời và phải bị đình chỉ ngay” không còn; “tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng” không có điều kiện được xem xét đến.
Thứ hai: Khó xác định người có hành vi vi phạm để ra quyết định xử phạt.
Trên nguyên tắc chúng ta chỉ xử phạt đối với người có hành vi vi phạm, người đó phải có đầy đủ năng lực trách nhiệm pháp lý và có lỗi trong việc điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, pháp luật không cấm việc cho mượn, cho thuê, cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng phương tiện giao thông. Không những vậy, trên thực tế, rất nhiều phương tiện được chuyển nhượng nhiều lần nhưng chưa làm thủ tục “sang tên, đổi chủ”; địa chỉ của chủ phương tiện ghi trong Giấy đăng ký xe khác so với địa chỉ cư trú thực tế; …Đây là chưa kể trường hợp mất xe hoặc mất quyền chiếm hữu xe một thời gian phù hợp với thời gian xe vi phạm. Do vậy, sẽ rất khó xác định người nào đã có hành vi vi phạm luật lệ ATGT tại thời điểm ghi hình để ra quyết định xử phạt
Thứ ba: Mất nhiều thời gian, công sức xác minh nhưng không thể xử phạt.
Trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm hành chính nói chung và vi phạm luật lệ ATGT nói riêng thuộc về cơ quan nhà nước. Để có thể phạt “nguội”, lực lượng chức năng phải ra thông báo về việc vi phạm và mời chủ phương tiện tới làm việc. Nếu chủ phương tiện không tới làm việc, lực lượng chức năng phải gửi thông báo đủ 3 lần (?). Nếu họ vẫn không đến theo giấy mời thì phải tiến hành xác minh. Việc xác minh lại rất khó khăn và cần nhiều nhân sự vì số lượng vi phạm nhiều, địa bàn cư trú của chủ phương tiện rộng, thậm chí ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Chỉ khi có đủ căn cứ mới có thể lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt. Việc làm này mất rất nhiều thời gian, công sức trong khi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện nên sẽ có nhiều vi phạm không thể ra quyết định xử phạt vì hết thời hiệu.
“Không chỉ vừa thiếu căn cứ, vừa thiếu tính khả thi, việc áp dụng hình thức phạt “nguội” vi phạm luật lệ ATGT còn nảy sinh nhiều vấn đề như: Nếu chủ phương tiện không lên làm việc theo giấy mời của cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào? Có xác định được tính thật, giả đối với biển kiểm soát của phương tiện qua hình ảnh ghi được không ? Phương tiện ghi hình có đảm bảo độ chính xác tuyệt đối không ? Căn cứ giải quyết khiếu nại là gì ?”, Luật sư Thuật đặt câu hỏi.