Cảnh sát giao thông không nên can thiệp vào quan hệ dân sự
SGTT.VN - Nghị định 71 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 34/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vừa có hiệu lực nhưng đã có những “tranh cãi” xung quanh việc giải thích, áp dụng nó. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông.
Vai trò của cảnh sát giao thông là đảm bảo an toàn giao thông, nên việc xử phạt ai phải dựa vào hành vi “trái với an toàn giao thông” như vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ… chứ không nên can thiệp vào các quan hệ dân sự như mua bán, mượn và cho mượn… Ảnh mang tính minh họa.
Câu chuyện không phải là quy định cũ hay mới, mà quan trọng là nội dung của điều luật có phù hợp hay không? Nếu không phù hợp, chúng ta nên sửa đổi lại.
Việc chuyển quyền sở hữu là quan hệ đơn thuần của hợp đồng mua bán. Vai trò xác nhận của cơ quan đăng ký xe chỉ có ý nghĩa như người chứng giám. Và việc xác nhận của cơ quan nhà nước đối với hợp đồng mua bán chỉ có ý nghĩa củng cố thêm “chứng cứ” về quyền sở hữu của bên mua.
Một khi có tranh chấp về quyền sở hữu, thì bên mua hay bên bán có thể khởi kiện ra toà án dân sự yêu cầu giải quyết. Ôtô, xe máy trong quan hệ mua bán cũng giống như các tài sản thông thường như điện thoại, tivi…
Do vậy, việc người mua hay người bán đến đăng ký là “quyền hợp pháp” của họ, chứ không phải là nghĩa vụ bởi quyền sở hữu là quyền tuyệt đối của người sở hữu. Trong trường hợp, người mua cảm thấy rằng những khoản lệ phí đăng ký quá cao, thủ tục phiền hà, họ có thể chọn cách không cần sự xác nhận đó, mà chỉ cần “giấy viết tay” giữa bên mua và bên bán là đủ. Nếu có rủi ro, bên mua sẽ phải chịu trách nhiệm.
Và có lẽ, để đảm bảo quyền lợi cho người bán, một sự xác nhận của chính quyền xã/phường như sự xác nhận thông thường đối với hồ sơ xin việc chẳng hạn có lẽ là đủ, vừa khuyến khích giao thương, vừa đơn giản hoá thủ tục hành chính và đỡ tốn kém cho người dân.
Khi tham gia giao thông, ôtô, xe máy không còn là những tài sản thông thường như điện thoại, tivi kia nữa, mà chúng trở thành những phương tiện giao thông. Người điều khiển nó phải có trách nhiệm chấp hành luật lệ giao thông, cũng như các quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật (nếu có quy định phải kiểm định).
Vai trò của cảnh sát giao thông là đảm bảo an toàn giao thông, nên việc xử phạt ai phải dựa vào hành vi “trái với an toàn giao thông” như vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ… chứ không nên can thiệp vào các quan hệ dân sự như mua bán, mượn và cho mượn…
Ngoài ra, trong trường hợp như mượn xe, người điều khiển xe không phải chứng minh đó là xe mượn. Một khi lực lượng cảnh sát giao thông nghi ngờ về tính hợp pháp của việc mượn xe (ví dụ: trộm cắp), họ có thể dùng các biện pháp như tạm giữ phương tiện, hay thông báo cho cơ quan điều tra. Bởi chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan tố tụng, chứ không phải công dân phải chứng minh mình vô tội.
Cũng giống như hợp đồng mua bán, mượn và cho mượn là một hợp đồng dân sự thuần tuý. Và việc vi phạm hợp đồng này thì bên mượn, bên cho mượn có quyền yêu cầu toà án giải quyết, chứ không phải là quan hệ hành chính. Xử phạt vi phạm hành chính bắt nguồn từ quan hệ hành chính.
Ở các nước phát triển, một khi cảnh sát giao thông kiểm tra một phương tiện giao thông, họ chỉ cần nhập biển số xe vào máy vi tính hoặc gọi điện về trung tâm dữ liệu và kiểm tra, mọi thông tin liên quan đến xe từ việc đóng thuế, mua bảo hiểm, đến mất xe, số điện thoại của người sở hữu… sẽ hiển thị. Trong trường hợp có người thông báo xe bị mất cắp, cảnh sát có thể giữ xe và yêu cầu người điều khiển về “làm việc”.
Đa số các nước, một khi cảnh sát muốn dừng xe ai thì phải nêu lý do là vì sao dừng xe. Ví dụ như: “kiểm tra nồng độ cồn”. Nếu sau khi kiểm tra nồng độ cồn, người điều khiển không vi phạm thì cảnh sát giao thông không thể kiểm tra các giấy tờ khác như bảo hiểm, tiền thuế… Điều này sẽ tránh được sự tuỳ tiện của cảnh sát giao thông.
Nhưng trong một số trường hợp, chẳng hạn như cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe vì người điều khiển không thắt dây an toàn mà phát hiện ra người điều khiển xe say rượu, họ có thể phạt và yêu cầu người đó không được tiếp tục lái xe bởi sự đe doạ tức thời đến an toàn, tính mạng người tham gia giao thông khác.
Pháp luật của một số quốc gia cũng không xử phạt người điều khiển xe trong trường hợp không mang các giấy tờ như giấy phép lái xe… Theo pháp luật của Ireland, người điều khiển xe có thể xuất trình giấy như giấy phép lái xe, giấy bảo hiểm xe trong vòng 30 ngày. Bởi việc quên giấy phép lái xe không phải là vấn đề cốt lõi, mà quan trọng là người điều khiển đã đủ điều kiện hay nói cách khác là đã có nó chưa?
TRẦN ĐỨC TUẤN (ĐẠI HỌC VICTORIA, NEW ZEALAND)