P H Ư Ơ N G N A M D U K Ý
Ngày Thứ Hai 05.11.2017 [Chín cửa sông Rồng]: Gò Công - Bến đò Bến Chùa - Bến Phà Bình Tân Cửa Đại - Bến phà Mỹ An An Đức - Bến phà Vàm Đồn - Bến Phà Đại Ngãi - Bến phà Đại Ngãi Bờ Phải - Chợ Nổi Ngã Năm - Sóc Trăng: 230km chưa kể quãng đường qua đò và phà
Đồng bằng sông Cửu Long nơi vựa lúa của cả nước, cung cấp gần như toàn bộ sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Tôi đã biết đến dòng sông này qua sách vở được và thơ ca nên rất háo hức thực hiện một chuyến đi ngắm những dòng sông Cửu Long đỗ ra biển Đông bằng 9 cửa sông
Như mọi người đã biết về con sông vĩ đại này. Sông Cửu Long là tên gọi chung của tất cả các phân lưu của sông Mê Kông chảy vào Việt Nam. Sông Mê Kông bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam theo chín cửa sông, chính vì thế mà có tên là Sông Cửu Long. Sông Mê Kông được chia là 2 dòng sông chính tại Phnom Penh trước khi đổ vào lãnh thổ Việt Nam. 2 dòng đó chính là: Dòng Mê Kông (Sông Tiền) và dòng Bassac (Sông Hậu)
1. Sông Tiền chảy vào lãnh thổ Việt Nam tại xã Vĩnh Xương, TX Tân Châu, An Giang, bờ bên kia sông là xã Phường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Sông Tiền đươc chia làm 2 nhánh chính tại Cù lao An Bình, Vĩnh Long thành dòng sông Tiền và dòng Cổ Chiên.
– Dòng sông Tiền chảy qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre chia thành 4 nhánh sông :
+ Sông cửa Tiểu đổ ra biển tại Cửa Tiểu, thuộc địa phận xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang
+ Sông cửa Đại đổ ra biển tại Cửa Đại, thuộc địa phận huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang. Ranh giới với huyện Bình Đại, Bến Tre.
+ Sông Ba Lai chạy dọc theo 2 huyện Bình Đại và Ba Tri tỉnh Bến Tre, đổ ra biển tại cửa Ba Lai, thuộc xã Thới Thuận, Huyện Bình Đại. Dòng Ba Lai huyện đang bị bồi lấp, sự xuất hiện của cống đập Ba Lai và các cống ngăn mặn làm cho dòng sông ngày càng nhỏ dần.
+ Nhánh cuối cùng của Sông Tiền là sông Hàm Luông, là nhánh lớn được tách ra tại xã Tân Phú, Huyện Châu Thành Tỉnh Bến Tre. Sông Hàm Luông chảy qua địa phận Tỉnh Bến Tre rồi đổ ra biển tại cửa Hàm Luông thuộc xã An Thủy(Tiệm Tôm), H. Ba Tri, Bến Tre.
– Dòng Cổ Chiên chảy qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre. Dòng Cổ Chiên bị cù lao Long Hòa, Trà Vinh chia thành 2 dòng trước khi đổ ra biển tại hai cửa sông lớn đó là Cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu thuộc xã Long Hòa, H. Châu Thành, Trà Vinh.
2. Dòng Sông Hậu(Bassac) chảy vào lãnh thổ Việt Nam tại TT Long Bình, H. An Phú, An Giang. Sông Hậu chảy qua các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng . Cù Lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng chia sông Hậu thành 2 dòng trước khí đổ ra biển trên 3 cửa sông là:
– Cửa thứ nhất của sông Hậu đổ ra biển là cửa Định An thuộc TT Định An, H. Trà Cú, Trà Vinh.
– Cửa Ba Thắc hay còn gọi là cửa Bassac đã bị bồi lấp, hiện dấu vết còn lại là dòng sông Cồn Tròn chảy dọc theo Cù Lao Dung, hòa vào cửa Trần Đề đổ ra biển.
– Dòng thứ 2 của sông Hậu bị tách ra bởi Cù Lao Dung đổ ra biển tại cửa Trần Đề thuộc TT Trần Đề, H. Trần Đề, Sóc Trăng.
Do thời gian quá gấp gáp và do một số tuyến đò ở các cửa sông đã không còn sử dụng nữa ví dụ như bến phà Đèn Đỏ hay một vài bến phà khác đã ngừng hoạt động, nên tôi chỉ đến thăm được một vài cửa sông Cửu Long, còn lại tôi đành chấp nhận việc phải đi qua các cửa sông đó bằng đò nhưng không phải tại nơi đổ ra biển. Nhưng ngay chỉ việc đi từ cửa sông nọ sang cửa sông kia để tìm bến phà tôi đã đi qua những thôn ấp đẹp đến ngỡ ngàng, những hình ảnh những ngôi nhà, những con người đẹp dường như chỉ có trên phim ảnh và thơ ca. Ngày hôm nay một chuyến đi quá ý nghĩa và tuyệt vời nhưng cũng không kém phần trâu bò. Chỉ trong ngày đi qua chín cửa sông với 7 chuyến phà và gần 300km. Một chuyến đi rất ý nghĩa. Và hiện bọn tôi đang ngồi nhậu bên bờ kênh Phụng Hiệp - Thị Xã Ngã Năm.
Ngã Năm 05.11.2017