Sáng hôm sau, đoàn em thẳng tiến đất Mũi.
Nằm ở tận cùng cực nam Tổ quốc, ba bên tiếp giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, có 87 cửa sông thông ra biển và khoảng 10.000 km sông, rạch, kênh, mương các cấp, Cà Mau đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu mà rõ rệt nhất là tình trạng sạt lở đang diễn ra vô cùng nghiêm trọng. Bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào khoảng 15m, có nơi đến 50m. 300 ha rừng phòng hộ bị cuốn ra biển mỗi năm.
Cứ với tốc độ sạt lở này thì dự tính, đến 2100, Cà Mau sẽ mất 56% diện tích, hơn một nửa mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc sẽ không còn. Mũi Cà Mau – mũi thuyền của Việt Nam sẽ khó giữ được dáng hình thuở trước.
Hiện nay 40km tuyến ven biển Cà Mau bị sạt lở nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn đặc biệt nguy hiểm. Quy luật bên lở – bên bồi không còn đúng với Cà Mau nữa. Giờ đây, cả bờ Đông và bờ Tây đều bị biển lấn, ngoạm sâu vào đất liền.
Ở bờ Đông, sạt lở đặc biệt nguy hiểm xuất hiện trên địa bàn ven biển xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) và xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi), tổng chiều dài hơn 8,7km. Đến với Đất Mũi, một vài năm trước, đây là đất liền kéo dài ra biển gần cây số nhưng chỉ sau vài lần sạt lở, nơi đã thành hàm ếch, nơi hóa biển khơi. Tốc độ xói lở quá nhanh của biển khiến người dân không kịp trở tay. Mất đất, phải bỏ ấp mà đi. Còn nhà, cũng hoang mang lo lắng.
Nơi bờ Tây, 23km sạt lở nặng tập trung ở địa bàn các xã Khánh Tiến (huyện U Minh), xã Khánh BìnhTây Bắc (huyện Trần Văn Thời) và xã Tân Hải (huyện Phú Tân). Biển đã lấn sát chân cột mốc mũi Cà Mau. Sự tàn phá của thiên nhiên sẽ khiến không ít người ngỡ ngàng khi đến nơi đây, vì giờ phải nhờ vào bờ kè, họ mới có thể hình dung được trước đây đất Mũi trông như thế nào. Vậy là, mảnh đất tận cùng đã không còn nguyên vẹn hình hài trước bốn bề con nước.
Đất Mũi đang bị biển xâm thực hàng ngày. Chúng ta phải đóng những cọc bêtong để giữ phù sa, trong nhiều cây mắm, cây đước..
Điểm cực Nam, 1 trong 4 điểm cực phải đi thăm trong một đời người