Tòa nhà Di Trú ngày xưa trên đảo Ellis là một kiến trúc có 3 tầng lầu sơn màu huyết dụ với 4 ngọn tháp hình cầu nhìn như những kiến trúc ở Bắc Âu. Tòa nhà được thiết kế bởi hai kiến trúc sư Edward Lippincott Tilton và William Alciphron Boring từng đoạt huy chương vàng tại Hội Chợ Paris năm 1900. Sở di trú liên bang trên đảo Ellis mở cửa hoạt động từ ngày 1 tháng 1, 1892 cho đến 12 tháng 11, 1954 đã từng kiểm tra khoảng 12 triệu người di dân nhập cảnh nước Mỹ. Trong 35 năm trước đó có khoảng 8 triệu người nhập cảnh được kiểm tra qua trạm Castle Garden ở Manhattan do tiểu bang New York phụ trách. Năm 1907 là năm số người qua trạm Ellis cao nhất với 1,004,756 di dân đến đây như ngày 17 tháng 4 có đến 11,747 người di dân đến đảo Ellis. Những ai nhìn thấy có vấn đề sức khỏe hoặc bệnh tật đều bị gởi trả về hay bị giữ ở bệnh viện trên đảo rất lâu. Thường các nhân viên y tế ở đây khám rất nhanh và vẽ các chữ tắt bịệh tật trên áo người di dân nên có nhiều người gian lận bằng cách lộn bề trong áo ra ngoài! Ai khỏe mạnh được nhân viên sở di trú chất vấn 29 câu hỏi như tên họ, nghề nghiệp và mang theo bao nhiêu tiền. Thông thường mỗi người được chấp thuận cho nhập cảnh chỉ mất từ 2 đến 5 giờ đồng hồ ở đảo Ellis tuy nhiên có tất cả hơn 3,000 người đã chết trong bịệh viện trên đảo này. Nhiều người bị từ chối không cho nhập cảnh vì nhân viên di trú nghĩ rằng họ sẽ là gánh nặng cho xã hội. Khoảng 2% bị từ chối vào nước Mỹ và được gởi trả về nguyên quán vì những lý do như mang bệnh truyền nhiễm, có tiền án hay bệnh tâm thần. Ðảo Ellis đôi lúc được gọi là "đảo nước mắt" hay "hòn đảo tan nát con tim" bởi vì số người bị từ chối này đã trải qua một chuyến vượt biển gian nan xuyên đại dương để mong được nhập cảnh vào Mỹ. Nhà văn Louis Adamic đến Mỹ từ nước Slovenia ở vùng Ðông Nam Âu Châu vào năm 1913 mô tả một đêm dài ở đảo Ellis là ông ta và nhiều di dân khác nằm ngủ trên những chiếc giường chồng trong một căn phòng lớn. Không có chăn ấm khiến ông run rẩy vì lạnh, suốt đêm không ngủ nằm nghe tiếng ngáy và tiếng mớ trong giấc mơ với hàng chục ngôn ngữ khác nhau. Cơ sở ở đảo rất lớn nội căn phòng ăn có thể chứa hơn 1,000 người!
Trong thời Ðệ Nhất Thế Chiến, người Ðức đốt phá kho thuốc nổ ở cầu tàu Black Tom khiến tòa nhà di trú trên đảo Ellis hư hại. Người ta sửa chữa lại nhiều nơi trong đó có trần nhà hình cung ở tòa nhà chính hiện nay. Trong thời chiến đảo Ellis còn là nơi tạm giữ những thương buôn người Ðức cũng là trạm chuyển tiếp những thương bệnh binh từ chiến trường gởi về. Trong thời chiến số di dân đến giảm đáng kể chỉ có vài chục ngàn người đến trong một năm, ít hơn bình thường đến hàng trăm ngàn người. Sau Thế Chiến Thứ Nhất số di dân đến tăng trở lại với mức như trước đó.
Làn sóng di cư đông đảo chấm dứt vào năm 1924 sau khi Luật Di Trú mới được thông qua giới hạn số người nhập cảnh và cho phép chuyển thủ tục phỏng vấn qua các tòa đại sứ Mỹ ở nước ngoài. Sau thời gian đó tòa nhà trên đảo Ellis trở thành nơi tạm giữ chờ tống xuất những di dân nhập cảnh bất hợp pháp.
Tiếp đến là Thế Chiến Thứ Hai cơ sở trên đảo trở thành căn cứ huấn luyện lực lượng tuần duyên và cũng là nơi tập trung để cô lập những sắc dân mà nước họ đang tuyên chiến với Hoa Kỳ để đề phòng dọ thám hay phá hoại, có 7,000 người Ðức, Ý và Nhật Bản bị giữ ở đây. Tháng 11 năm 1954, đảo Ellis đóng cửa và người ta bắt đầu vận động để tòa nhà này trở thành di tích lịch sử của Hoa Kỳ. Mãi tới ngày 15 tháng 10, 1966 đảo Ellis cùng với tượng Nữ Thần Tự Do trở thành Di Tích Lịch Sử Quốc Gia đặt dưới quyền quản lý của Sở Công Viên Quốc Gia. Ðảo Ellis nguyên thủy chỉ rộng có 3.3 acres nhưng ngày nay đến 27.5 acres vì được lấp dần ra biển bằng đất đào để xây hệ thống đường xe điện ngầm và những đường hầm xe hơi khác.
Chúng tôi vào tòa nhà chính màu đỏ 3 tầng lầu ngày xưa là nơi đón tiếp và thanh lọc di dân nay là nhà bảo tàng về di dân (Ellis Island Immigration Museum). Nhà bảo tàng này không có thu lệ phí và mở cửa mỗi ngày từ 8 giờ 30 sáng đến 6 giờ 15 chiều. Phải tuân theo các điều lệ về an ninh cũng như không được hút thuốc hoặc nhai kẹo cao su trên đảo Ellis cũng như đảo Nữ Thần Tự Do, con nít phải có sự giám hộ của người lớn. Ðồ ăn hoặc thức uống được dùng ở những nơi chỉ định như các quán ăn, giải khát.
Bên trong tòa nhà chính là viện bảo tàng trưng bày các đồ vật, hình ảnh, ấn phẩm, phim ảnh (video), những câu chuyện được đọc liên quan đến lịch sử dài 4 thế kỷ của người di dân đến nước Mỹ. Bên ngoài có bức tường vinh danh những di dân gọi là "American Immigrant Wall of Honor" hiện nay ghi tên trên 600,000 di dân bất kể đến cảng nào trên nước Mỹ. Có 2 phòng lớn được tái tạo như hồi tiên khởi là Phòng Hành Lý (The Baggage Room) ngày xưa mỗi ngày có hàng ngàn người qua đây để nhận hành lý trước khi lên lầu vào Phòng Khai Trình (Registry Room) để gặp nhân viên Sở Di Trú có những dãy băng ngồi chờ đợi. Nhà bảo tàng có những khu như Peopling of America trước kia là phòng vé xe lửa nơi người di dân mua vé để về nơi định cư nay triển lãm hình ảnh 400 năm chính sách thu nhận di dân. Khu khác là American Family Immigration History Center được mở cửa vào ngày 17 tháng 4, 2001 nơi đây trưng bày những quyển sổ ghi tên những con tàu đi vào hải cảng New York từ 1892 đến 1924. Du khách có thể vào xem 11 lãnh vực tài liệu như sổ nhật ký hành trình của những con tàu, hình ảnh của nó và danh sách hành khách theo chuyến tàu. Nhiều người nhận ra tên tuổi của tổ tiên mình ngày xưa đã qua đây để vào nước Mỹ.
Nhìn đoàn người xếp hàng đông quá nên bọn em cũng lười, hai anh em bàn nhau bỏ qua địa danh này để quay trở lại NY đi thăm thú sướng hơn.