https://vnexpress.net/thoi-su/ong-phan-anh-minh-manh-tay-voi-cat-tac-cong-trinh-quoc-gia-se-dinh-tre-3913556.html
Ông Phan Anh Minh: Mạnh tay với 'cát tặc', công trình quốc gia sẽ đình trệ
Tướng Minh thẳng thắn, hầu hết công trình quan trọng tại TP HCM đều sử dụng cát khai thác trái phép.
Ngày 23/4, bàn về phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ (giáp ranh các tỉnh và TP HCM), thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an thành phố chỉ ra hàng loạt hạn chế.
Hầu hết phương tiện vi phạm có tải trọng hơn 1.000 tấn bị bắt về hành vi này đều từ các tỉnh phía Bắc vào. Sau khi bị lập biên bản, họ không cư trú tại TP HCM nữa nên cơ quan chức năng ngại đi xác minh đầy đủ về nơi tiêu thụ, chủ phương tiện. Từ đó chấp nhận xử lý theo trường hợp bắt quả tang, chỉ phạt cá nhân điều khiển phương tiện chứ chưa xử lý được chủ phương tiện.
"Cơ quan chức năng đã không vạch trần sự đối phó của doanh nghiệp khai thác cát trái phép. Doanh nghiệp lách luật bằng cách ký hợp đồng, cho thuê phương tiện để khi xảy ra chuyện thì đổ trách nhiệm cho cá nhân", ông Minh nói.
Thiếu tướng Phan Anh Minh tại hội nghị hôm nay. Ảnh:
Trung Sơn.
Khó khăn khác được tướng Minh chỉ ra là, dù cơ quan chức năng rất cương quyết xử phạt hành vi khai thác cát trái phép, song trên thực tế hầu hết các công trình, kể cả công trình có vốn công ích, quan trọng cho sự phát triển kinh tế quốc gia (như các đường cao tốc) đều sử dụng cát khai thác trái phép.
"Nếu làm thẳng thừng thì những công trình này sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng đến việc điều hành kinh tế xã hội, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia", ông Minh nói.
Phó giám đốc Công an TP HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận "cần coi lại lực lượng" trong việc bắt giữ, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, như vụ vừa xảy ra có tiêu cực từ công an. Bản thân ông buộc phải cho 2 công an vi phạm thôi việc, hoặc không phân công công việc.
Công an thành phố cũng yêu cầu Phòng Cảnh sát môi trường không giao việc cho cán bộ quê ở duyên hải Cần Giờ. Vì tình đồng hương, những người này có thể không thực hiện quy định, chỉ đạo của cấp trên và không loại trừ khả năng có tiêu cực.
Về giải pháp chống nạn khai thác cát trái phép, ông Minh cho biết, nếu tính trữ lượng thì toàn bộ cát ở miền Nam chỉ đủ riêng TP HCM sử dụng trong 2 năm. Trong khi hiện có quá nhiều công trình sử dụng cát san lấp mà không tính đến nguồn. "Nên chăng rà soát lại các mỏ đang đóng không cho khai thác", tướng Minh nói và đề nghị Sở Xây dựng chỉ cấp phép xây dựng khi chủ đầu tư chứng minh nguồn cát san lấp là hợp pháp.
Đại tá Tô Danh Út (Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP HCM) cũng kiến nghị cần tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép và phân cấp thành nhiều mức phạt khác nhau (không chỉ quy định mức khai thác trái phép tối đa bị xử phạt từ 50 m3 trở lên). Ngoài ra, cần xác định khai thác khoáng sản trái phép là hành vi
trộm cắp tài sản để xử lý hình sự, tăng tính răn đe.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ************* huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, tình trạng khai thác cát lậu ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến môi trường và an ninh khu vực. Thực tế 4 năm trở lại đây tình trạng đã ở mức báo động. Nguyên nhân là khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp. Các đối tượng tổ chức khai thác có quy mô, diễn ra rầm rộ nhất là vào ban đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Nói về khó khăn trong việc xử lý "cát tặc", ông Dũng cho là do quy định chỉ tịch thu phương tiện đối với trường hợp khai thác cát trái phép từ 50 m3 trở lên. Theo đó, người vi phạm khi bị phát hiện thường bỏ chạy, xả cát xuống biển tẩu tán tang vật, tránh bị tịch thu phương tiện. Ngoài ra, Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng chưa quy định tịch thu phương tiện vi phạm đối với người thuê phương tiện dưới danh nghĩa chở hàng hoặc thực hiện dự án