Ngoài Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo đánh giặc ngoại xâm bằng trận địa cọc gỗ mai phục ở sông Bạch Đằng còn có Lê Hoàn, tuy nhiên trận đánh quân Tống trên sông Bạch Đằng của Lê Hoàn không thành công như mong đợi:
Đầu năm 981, Hoàng đế nhà Tống phát quân sang đánh Đại Cồ Việt, cử các tướng Hầu Nhân Bảo, Trần Khâm Tộ, Tôn Toàn Hưng, Triệu Phụng Huân, Quách Quân Biện, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn cầm quân chia hai đường thủy bộ. Cánh bộ đi theo ngả Lạng Sơn còn thủy thì tiến vào sông Bạch Đằng.[22]
Mùa xuân tháng 3 (981), quân của Hầu Nhân Bảo đến Ngân Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Tại sông Bạch Đằng, thủy quân Tống bị quân Đại Cồ Việt chặn đánh. Tôn Toàn Hưng dừng quân hơn 70 ngày, chần chừ không dám tiến. Hầu Nhân Bảo thì hiếu chiến hơn, tự đem quân tiến theo sông Cầu. Khi quân Hầu Nhân Bảo kéo đến cửa sông Cà Lồ, Lê Hoàn giả vờ xin hàng để đánh lừa Nhân Bảo rồi phục binh đổ ra đánh dữ dội. Số quân địch hơn phân nửa bị tiêu diệt.[23]
Tại đây Lê Hoàn đã cho xây dựng một toà thành có tên là Bình Lỗ để chống quân Tống. Tháng 6 năm 1300 Trần Quốc Tuấn(Trần Hưng Đạo) có nhắc đến thành này trong lời dặn lúc ông sắp mất: "Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, hoàng đế nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương nam mới mạnh mà phương bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống...".
Khi chú thích sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, giáo sư Hà Văn Tấn đã chứng minh sông Bình Lỗ là sông Cà Lồ. Sông Cà Lồ là một nhánh nguồn đổ vào sông Cầu ở Ngã Ba Xà. Theo "Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt" thì vào "Năm Thiên Phúc nguyên niên đời Lê Đại Hành, Tống Thái Tổ sai bọn tướng quân Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cất quân sang xâm lược nam phương. Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch, hai bên đối địch. Đại Hành mộng thấy hai thần nhân ở trên sông..". Sau này các nhà nghiên cứu xác định sông Đồ Lỗ chính là một tên cũ của sông Cà Lồ và thành Bình Lỗ nằm ở hữu ngạn con sông này, gần nơi sông Cà Lồ đổ vào sông Cầu. Thành Bình Lỗ là địa điểm quân Tống vào sâu đất Việt nhất.
Sau hai trận thắng lớn Bạch Đằng, Bình Lỗ, quân Lê giết được Hầu Nhân Bảo, bắt sống Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân. Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng, Giả Thực, Tôn Toàn Hưng, Vương Soạn cũng vội vàng rút chạy về nước. Lê Hoàn đã không thực hiện được trận mai phục bằng sự kết hợp giữa phục binh và trận địa cọc ngầm vì chiến sự lúc này diễn ra không được mau lẹ, thuận lợi như trận Bạch Đằng của Ngô Quyền đánh Nam Hán. Thực tế, chiến sự trên sông Bạch Đằng trong kháng chiến chống Tống lần thứ nhất diễn ra nhiều lần, nhiều đợt với những trận đánh khác nhau.