[Funland] Offline nhân ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Nhân kỷ niệm ngày Quốc phòng toàn dân, và là ngày thành lập QDND Việt Nam. Xin gửi tới mọi người một truyện ngắn ( chả biết viết lúc nào ) về một câu chuyện tình lính!

Chúc những đồng chí đã và đang là quân nhân trong Quân đội cùng gia đình lời chúc tốt đẹp nhất!



PHƯỢNG

Năm 1995, tôi đựơc đơn vị cử đi công tác mấy ngày trên Hà giang. Theo lệnh điều động là mười ngày, nhưng do công việc tiến triển tốt nên chỉ có sáu ngày tôi đã hoàn thành nhiệm vụ .

Lính tráng thì thường hay la cà nếu có dịp, nhiều khi chỉ huy cho về phép, hay đi tranh thủ ( đa số là tranh thủ, sĩ quan mới có phép ) thì bị kéo dài thêm vài ba ngày với các kiểu lý do rất "chính đáng" . Đây, tôi còn những gần nửa thời gian nữa mới phải về đơn vị báo cáo. Đi chơi cái nhỉ?

Kể ra, thì tôi cũng có nhiều cái thú lắm ! Chơi bời tuổi thanh niên cái gì cũng vui, cái gì cũng hay, kể cả ngồi uống rượu với nhau cũng là một thú chơi. Nhưng chơi một chỗ thế thì chán chết ! Sau một ngày ghé qua nhà tôi quyết định lên chơi một vùng có phong cảnh sơn thủy hữu tình. Nơi đó, có bà cô tôi, một giáo viên đang dạy cấp II và một ngôi trường đầy những cô giáo trẻ, vừa tốt nghiệp, đi dạy học.

Nghĩ đến đó đã thấy rạo rực rồi, nhớ hồi chưa đi lính, thi thoảng mò lên vô tình gặp và quen các "em" , thực ra là các chị vì tôi vừa hết cấp III, vui lắm ! Cũng có vài em học theo hệ "..+..." trẻ hơn tôi tí ti . Dù sao bây giờ tôi cũng đã là người lính, chững chạc hơn so với hai năm trước nhiều ...

Ngày đó, muốn lên nhà cô tôi thì phải đi bằng phương tiện chủ yếu là thuyền, cứ trèo lên thuyền ngồi đầu mũi, hay trong khoang nằm khểnh ngó ra ngắm cảnh. Cảm giác bồng bềnh khi du ngoạn cũng sướng. Mỗi tội hơi chậm, nếu bạn không có nhiều thời gian.
Trưa hôm đó, tôi ra bến thuyền với bộ quân phục Ga xanh lét, hơi bàng bạc một tý. Do tôi mua về đem đánh cho bay hết hồ, nhìn thế mới ra lính cũ, quần áo mới quá, mặt lại non choẹt, dễ bị bắt nạt lắm ! Thời đó, quân đội đang tiến lên chính quy hiện đại, nhưng chưa triệt để, chúng tôi huấn luyện tân binh xong là thường mỗi thằng có bộ quần áo mồi kiểu này dành khi đi chơi. Gặp vệ binh, lúc thì họ nhắc lúc thì thôi. Với lại quân phục này có vẻ những người dân nhìn chúng tôi thấy gần gũi hơn, có lẽ nó gợi nhớ cho họ về hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ thời xưa .

Nhìn thấy mấy ông cửu vạn bốc vác bến tàu, tý nữa thì tôi lẫn chìm nghỉm trong đám người đó, nếu không cài thêm đôi quân hàm có phù hiệu dấu cộng, đôi sao bạc nhỏ tý mỗi bên giữa cái gạch vàng chóe, cùng quân hiệu trên mũ cối . Hà hà ! lính quân y đấy nhé ! khối cô gái quay lại nhìn tôi, không biết họ có tình cảm gì không, hay chỉ nhìn vì thấy lạ .

Đang mải ngó nghiêng tìm thuyền người quen, thì gần đó có tiếng nói vọng lên :
- Cái cô này ! gọn hàng họ vào một tý ! còn đồng chí bộ đội kia ơi ! Có xuống đi luôn không, thuyền chạy bây giờ đấy !

***

Con thuyền nặng nề quay đầu ra ngoài rồi từ từ tiến lên tạo ra những luồng sóng lan tỏa ra hai bên mạn . Đứng mũi thuyền, tôi đang ngó cây cầu mới khi nó chạy qua, cây cầu này mới được thi công xong đầu năm vừa rồi. Hồi tôi ở nhà thì nơi đây là một bến phà gắn với lịch sử của cái thị xã bé nhỏ này : phà Nông Tiến, cây cầu cũng đặt tên theo cái bến ngày xưa như vậy.

Chợt vẫn tiếng quát tháo của người phụ thuyền cắn cảu lúc nãy vang bên tai " Gọn gọn vào chứ ! Để thế này ai đi lại được, trên thuyền chứ có phải nhà kho đâu". Chán cái ông này! nói với khách cái giọng ấy thì ...chắc là lại một bà lái buôn nào mang hàng xuống quăng bừa bãi đây. Tôi quay lại định bụng xem có giúp bà " lái buôn" gì được không, chứ cứ để thằng kia quang quác mãi điếc cả tai.

Ô ! có vẻ không phải là bà, mà là cô thì đúng hơn. Trước mắt tôi một người phụ nữ dáng còn trẻ, đang lúi húi xuống đám bao ngổn ngang cửa khoang. Hai đám tóc hai bên mang tai chảy xòa xuống không nhìn rõ mặt, chỉ thấy lộ ra chút gò má lấm tấm mồ hôi đỏ ửng, vì đang nhấc nặng hay đang ngượng ngùng câu nói vừa rồi của anh chống sào kia. Hình như cái cổ áo hơi rộng...

Tôi nhảy xuống tóm một đầu bao cùng người phụ nữ xếp gọn vào mạn thuyền. Có hai cái bao chứ mấy, không nhấc hộ người ta tý mà ông kêu ghê thế! Tôi nói với tay kia như vậy, xong thò tay xuống sông rửa, nước trôi mạnh làm tê tê mấy ngón tay. Không quay lại bước tiếp lên đầu mũi rút thuốc lá ra châm hút . Đang tiếp tục ngắm cảnh cùng những ngôi nhà lô xô hai bên bờ sông thì có tiếng gọi khe khẽ lẫn trong tiếng máy con thuyền sau lưng :

- Anh gì...bộ đội ơi !

***


Sông Lô thăm thẳm xanh màu mắt
Một dáng thuyền trôi trong mắt ai
Ai giận ai thương, thương ai, ai nhớ
Có trong màu mắt nước sông Lô

Con thuyền vẫn rẽ nước đều đều lên phía trước. Hai bên bờ trắng phau những soi cát, xanh ngắt những bãi mía, nương ngô dưới chân từng làng bản hay chân núi. Một màu nước trong veo, như mấy câu thơ của ai đó .

Sông Lô, con sông trong bản trường ca hào hùng của Văn Cao, hôm nay có vẻ đẹp lạ. Nó đẹp vì nhiều lẽ . Trong con mắt của một người lính trẻ đi xa quê hương nay về lại đắm mình vào những cảnh vật quen thuộc, những địa danh quen thuộc. Nó đẹp thêm vì bên cạnh người lính còn có một người em gái cùng ngồi tâm sự, thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên đang lần lượt chạy qua mũi thuyền.

Phượng ! Đó là tên cô gái trẻ tôi mới quen, cái tên gợi nhớ đến mùa hè , mùa của những bông hoa phượng đỏ thắm trên tán lá thưa rung rinh trong nắng. Mùa của những tà áo dài thấp thoáng " Em chở mùa hè của tôi đi đâu ", rồi " ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu ...". Nghe nó cứ man mác chút gì đó ...

Phượng đây cũng vậy, em mặc chiếc áo đỏ thắm rực màu hoa phượng, gương mặt tròn tròn phúc hậu, thi thoảng nhoẻn cười lộ chiếc răng khểnh một bên duyên ơi là duyên. Nghe tôi kể lúc nãy, tưởng em là một bà già, khuôn mặt kia ửng hồng, vài sợi tóc gió thổi bay nhẹ nhẹ xuống gương mặt như điểm xuyến nét thầm làm lòng thằng lính tôi thấy xôn xao.

Tâm sự với nhau mới được nửa quãng đường, tôi và em đều nhận ra chúng tôi đều có chung một vài sở thích nào đó, cái khiến gần gũi hơn là em cũng có một nửa quê hương Thái Bình, như tôi. Cả hai đều chung một quê ngoại có đồng lúa thẳng cánh cò bay, có những con người chân chất vất vả một nắng hai sương và có những làn chèo thấm đẫm sự mượt mà, tinh tế trong từng lời hát !

Gia đình em cũng giống như gia đình tôi, đều ông bà, bố mẹ là người miền xuôi đi công tác sau đó chọn chốn này làm nơi sinh cơ, lập nghiệp. Nghe Phượng nói mới học xong cấp III, tôi hỏi sao em không đi thi trường nào đó, em trả lời em ở nhà chờ lấy chồng thôi. Tôi trêu: " thế em có thích lấy bộ đội không? " khiến mặt em như màu táo chín.

- Anh nghĩ gì thế ! Phượng hỏi, khi em thấy tôi đang nói chuyện tự dưng ngồi thừ ra. Đúng là tôi đang nghĩ vẩn vơ. Tôi ước thời gian có nhiều thêm, có khi sẽ....

***

Mải vui câu chuyện, chúng tôi không để ý cơn mưa đã kéo đến từ lúc nào, mới đầu vài giọt lắc rắc, rồi sau đó nó ào ạt trút xuống .

Lúc này tôi mới luống cuống, vì nhớ ra trong ba lô, lúc đi tôi không nhét cái áo mưa bộ đội vào . Định kéo nhau chui vào khoang thì nó đã chật cứng người và hàng, còn mỗi chỗ cửa gió vẫn hắt nước vào đó. Phượng vội giở cái áo mưa của em ra: " Anh ơi ! che vào đi kẻo ướt ".

Nhìn cái áo mưa bé xíu mà hai người chui vào còn phải che hàng nữa tôi ngại quá, em thấy vậy giục rối rít " Anh sắp ướt hết rồi kìa! ", rồi chùm lên người tôi .

Mưa càng ngày càng to, những hạt mưa xối xả rơi xuống mũi thuyền, bắn lộp bộp lên, ngoài kia lòng sông cũng cuộn sóng theo những đợt gió. Không khí có vẻ chuyển sang lành lạnh. Chúng tôi ngồi co ro trong cái áo mưa chật chội đó mặc kệ mưa gió thét gào và dòng sông đang sôi sùng sục.

Một cảm giác thật ấm áp len lỏi không những dưới chiếc áo mưa và còn trong cả tâm trí. Phượng ngả hẳn vào người tôi, làn da thịt của người con gái vừa tỏa nhiệt sang vừa thấy nó mềm mại làm sao. Ngồi trên đống hàng đủ thứ mùi vị, nhưng tôi vẫn cảm thấy một thứ hương nào đó, thứ hương này không chỉ "ngửi" được bằng mũi mà bằng tâm tưởng. Chúng tôi cứ ngồi gần như quàng vào nhau vậy rồi thiếp đi lúc nào không hay biết .

Ngoài trời đã tạnh, một chút nắng chiều cuối ngày bừng lên loang xuống mặt sông. Con thuyền cũng đã cập bến " Nhà em đây rồi ! anh... lên chơi nhé ! " Phượng ngập ngừng hỏi tôi vậy, sau khi tôi khênh cùng em số hàng lên bờ .

- Thôi, để lúc khác anh qua ghé sau, bây giờ anh có hẹn sợ muộn mất!- Tôi từ chối mặc dù lòng rất muốn .

Vội móc tờ giấy công lệnh trong túi áo ra ghi mặt sau mấy dòng địa chỉ. Khi nào sang đơn vị nhớ viết thư cho em nhé ! Hòm thư của anh là 3NB xx, em nhớ rồi, anh ạ !

Chiếc thuyền lại quay lùi ra xa bến . Người phụ lái sau khi cong lưng chống con sào đẩy thuyền quay lại nháy mắt với tôi " Ông vớ quả bẫm rồi còn gì, lúc nãy tôi để ông hộ em, còn có cớ làm quen đấy chứ ! " .

Tôi không trả lời anh ta vì còn mải nhìn lên bờ, bóng người đỏ rực đứng trên bờ cát vẫn đang giơ tay vẫy vẫy cho đến khi mờ dần rồi mất hẳn. Mùi hương trong chiếc áo mưa lúc nãy chợt phảng phất quay lại như thế chỗ thứ gì đó đã xa dần ....

***

Tôi sang đơn vị nhận luôn nhiệm vụ mới tại một tỉnh biên giới phía Tây Bắc , công việc bù đầu và thời gian không cho phép những người lính chúng tôi có chút nào ngồi mơ tưởng đến những chuyện gì khác ngoài những gì chỉ huy giao.

Khi công việc đã vãn, tôi chơt nhớ ra người em gái mới quen, định biên thư thăm em nhưng khi tìm tờ giấy ghi địa chỉ thì mới biết lúc vội ghi vào tờ lệnh lúc về giao cho đơn vị không chép lại. Thầm trách mình cẩu thả, nhưng muộn mất rồi.

Chúng tôi lại được lệnh chuyển sang Hà Giang. Trước khi đi tôi về đơn vị cũ. Không ngờ nhận được những ba lá thư của em, với những lời lẽ thăm hỏi thật ân cần, pha chút trách móc chàng lính trẻ hứa hẹn xong, ra đi không hề có hồi âm, em thấy rất buồn nhưng cứ viết cho tôi, trong thư em nói rõ em cũng hiểu có thể tôi chuyển đơn vị, nhà em cũng có những người lính nên em biết ! Hy vọng nếu tôi nhận thư sẽ hồi âm luôn cho em.

Tôi vội vàng ngồi viết một mạch, như chưa bao giờ viết thư. Những dòng chứ đầy tràn cảm xúc cứ lần lượt hiện lên dưới ngòi bút như vô tận từ trang giấy này qua trang giấy khác.

Vốn là người chuyên viết thư tình "thuê" cho anh em trong đơn vị, nên khi hoàn thành tác phẩm xong tôi đọc lại thấy hài lòng lắm, nhưng ngẫm nghĩ tới những dòng chữ mộc mạc, chân tình của em gái thôn quê tôi lại xé nó đi viết lại từ đầu lá thư khác, ngắn hơn và thật hơn.

Thời gian thấm thoát trôi, thi thoảng tôi vẫn nhận được thư em từ đơn vị chuyển lên biên giới ( chúng tôi không có hòm thư mới vì chỉ đi làm nhiệm vụ ), vẫn những nét chữ tròn trịa làm tôi mỗi khi đọc lại nhớ khuôn mặt như trăng rằm của em. Nhớ chiếc răng khểnh duyên dáng nụ cười và nhớ mùi hương của người con gái đang tuổi đẹp nhất.

Tình cảm của chúng tôi cũng ngày một dạt dào thêm qua những cánh thư quê nhà - biên giới liên tục trao đổi cho nhau!

Bẵng đi một thời gian, tự dưng những lá thư của em mất hút mặc dù tôi vẫn gửi đều. Không biết có chuyện gì nhưng tôi cũng quên vì để tâm vào nhũng việc khác, chờ một ngày nào về sẽ ghé nhà em chơi.

Đơn vị có sự thay quân, tôi cũng trong số được trở về nơi cũ, khi rút từ Hà Giang về qua chỗ đường rẽ vào nhà em, cách một con sông. Tôi xin chỉ huy cho đi tranh thủ hai ngày. Gần như tất cả anh em đều được như vậy, họ được ưu tiên chút vì vừa từ nơi nguy hiểm trở về.

Nhảy từ thùng chiếc xe Gat xuống, vẫy tay chào mọi người, xốc chiếc ba lô trên lưng tôi cắm cúi bước đi trên con đường quanh co vào nhà Phượng, ngôi nhà hôm tôi nhìn thấy ở bờ sông đây rồi, vẫn nhận ra mặc dù trời đã hơi tối. Tim như đập thình thịch, xem lại món quà biên giới, chỉnh sửa lại bộ quân phục toàn bụi đường xong tôi rón rén bước vào sân gọi : Phượng ơi !

***

Cuộc đời đôi lúc có sự vô tình lại nên duyên

Đôi lúc sự cố tình chuẩn bị lại vô duyên .

Tôi đã có duyên với em chăng ! hay chỉ là sự ngộ nhận!

Nếu vậy thì tôi đã ngộ nhận mất rồi, sau khi về đơn vị tôi cứ nghĩ mãi về hai chữ có - không, không- có !

Một người đàn ông nào đó đã nhanh tay hơn tôi, mới chỉ có hai tháng trời khi tôi đang trên biên giới .

Cuộc đời lính nó trôi qua nhanh lắm, vài năm như giấc ngủ trưa. Tất cả đều nhanh chóng trôi vào dĩ vãng, như dòng nước trôi ra sau con thuyền dạo nọ.

Hết nghĩa vụ tôi ra quân, đi làm, đi học và lại đi công tác, những chuyến công tác khắp nẻo đường xa gần. Hầu như câu chuyện về người em gái trên sông nước mênh mang và những lá thư đã không còn trong tiềm thức. Có lẽ mỗi khi nhớ về em tôi chỉ còn chút lờ mờ về chiếc răng khểnh trên gương mặt tròn trịa đó. Dù sao tôi với em cũng chỉ nói chuyện với nhau được vài tiếng, chả có gì mà phải suy nghĩ cả!

Nhưng! nếu không có chữ nhưng trong câu chuyện của tôi thì chắc bài viết đã đặt dấu chấm hết. Vâng ! lại nhưng, nó khiến tôi sáng tỏ một điều sau hơn mười năm, trong một lần đi công tác tại một miền thôn quê nọ....

***

Phiên chợ cuối năm đông nghịt người. Tôi lang thang từ đầu chợ đến cuối chợ mãi vẫn không biết mua cái gì. Hàng hóa nhiều quá ! Đây là một miền quê nhưng nó lại thông thương dưới xuôi bằng quốc lộ 2, cho nên rất trù phú, thậm chí có lúc cảm giác cuộc sống nơi này còn hơn khối nơi thành phố chỗ tôi ở nữa .

Chuyến công tác cuối năm hơi gấp, nên đã gần Tết tôi vẫn chưa kịp sắm sửa gì cho gia đình. Nhớ lời con gái dặn " bố có tiền mua cho con bộ quần áo như của cô trong phim kia nhé ! " Cô trong phim không biết là cô nào, nhưng chắc là phim Tàu rồi, trẻ con nó nhìn thấy sặc sỡ nên thích, thôi thì đắt rẻ chả biết, cứ mua đã kẻo mai về bận không kịp đi chọn, con gái rượu lại buồn.

Đang lúi húi nhặt nhặt bới bới trong đống quần áo ngồn ngộn, vừa phải cảnh giác với cái mồm ngọt xớt của cô bán hàng già chẳng ra già, trẻ không ra trẻ, nom cũng ngồn ngộn " Anh ơi ! bộ này đẹp thế còn gì, con gái anh chắc xinh lắm ! mặc bộ này đẹp tuyệt đấy ! hay bộ này anh nhé, hay bộ này..." hoa hết cả mắt, ù cả tai !!! Mà sao lúc mới đầu nhìn nó cũng thường thường, từ khi nghe cái miệng vắt ngang kia quảng cáo thấy cái gì cũng đẹp mới lạ cơ chứ !

- Anh...gì ơi !

Tiếng gọi đằng sau tôi cất lên, mới đầu nghĩ họ gọi nhau, không phải gọi mình vì tôi có quen biết ai ở đây đâu! Chợt có cảm giác giọng nói này quen quen. Đúng là quen nhưng không nhớ là của người nào, nó gợi cái gì đó hơi xa xăm...

- Anh gì ơi !

Tiếng gọi lại vang lên lần nữa, đồng thời một cánh tay thò vào giật giật tay áo tôi. Tôi quay lại, một người phụ nữ đang đứng nhìn tôi chăm chăm, cũng như tôi nhìn cô ta mà trong đầu cố vắt óc để nghĩ, ôi sao cái miệng kia nhìn quen thế !

- Trời ! Phượng ! Tôi ngạc nhiên kêu lên, đúng là người đàn bà trước mặt tôi là Phượng rồi, tôi không lẫn đi đâu được cái răng khểnh, đôi mắt có vẻ chùng xuống do thời gian, không thấy ánh lên nét tinh nghịch tuổi trẻ như xưa . Phượng cũng vậy, cô mừng rỡ lắc lắc cánh tay tôi mãi...

***

- Lâu lắm rồi anh nhỉ, dễ phải mười mấy năm...

Phượng hỏi tôi như hỏi chính mình khi chúng tôi đi bên nhau. Sau phút trở lại cảm giác như ban đầu khi mới gặp, cả hai đều ngượng ngập vì tỏ thái độ giữa chỗ đông người đi lại, may mà không ai để ý trừ cô bán hàng nguýt dài một tiếng, vì thấy ông khách có vẻ gà gà này chắc không còn hứng thú mua hàng nữa. Phượng mời tôi về nhà cô chơi, tôi ngạc nhiên lần nữa " Nhà của em sao ở vùng này? " Làm cô cười rũ, gương mặt lại ửng đỏ nhìn hơi giống giống cô gái ngày trước :

- Không ! nhà...chồng em !

Hic! Thế thì mình đến bất tiện chết đi được ấy !- tôi định từ chối nhưng Phượng như đoán được ý nghĩ vội nói ngay :

- Anh (...) hay nhỉ! Những lúc em mời thì anh không đến, lúc em chả mời thì anh đến ! Thế anh có đi không nào?

Đi thì đi, tôi có phải thằng ăn cắp đâu mà sợ! Vội cúi xuống nhặt bộ quần áo vì sợ mình đi cô kia đốt vía thì xui lắm . Hai người ra khỏi chợ vừa đi vừa thong thả nói chuyện.

Nhà Phượng ngay gần cổng chợ, rẽ qua một khúc cua đến ngay. Một gian hàng lớn án ngữ ngay ngoài mặt tiền. Có vẻ chủ nhà làm ăn cũng khấm khá. Nhìn sơ qua tôi đoán thế .

- Anh uống nước đi !- Đưa cho tôi chén nước chè vừa pha rồi Phượng ngồi xuống cái ghế đối diện. Tôi vừa uống nước vừa kín đáo ngắm nhìn em, trông Phượng đẫy đà ra nhiều, gương mặt nom càng phúc hậu hơn. Cô vẫn giữ nét duyên thầm và còn đằm thắm hơn ở cái tuổi trên ba mươi .

- Anh nhìn chẳng khác xưa chút nào, lúc em thấy anh vào cổng chợ dù không mặc quần áo bộ đội em vẫn nhận ra ngay !

- Thế à ! Anh...già rồi mà. Vả lại anh đâu còn là bộ đội nữa !- Tôi đùa lại Phượng xong không biết nói gì nữa...cứ lặng lẽ nhấp từng ngụm trà thơm ngát. Cả cô cũng thế, thời gian trong ngôi nhà trôi dần đi theo tiếng của chiếc kim đồng hồ cổ đang treo trên tường tích tắc, tích tắc....

***

Từ nhỏ Phượng đã mang trong mình hình ảnh về những người lính cụ Hồ thật đẹp, nó lung linh như những ngọn nến sinh nhật, qua câu chuyện của bố cô, một người lính thời chống Mỹ.

Vùng quê của cô không có đơn vị bộ đội nào đóng quân, chỉ có thi thoảng một đơn vị nào đó hành quân qua, những người lính với bộ quần áo bạc màu sương gió, lưng đeo ba lô với đủ thứ trang bị từ khẩu súng đến chăn, màn, cuốc, xẻng ,giắt lá ngụy trang lặng lẽ đi qua làng. Đôi lúc họ cũng ngồi nghỉ bên những dòng suối hay chân đồi gần nhà. Cô cùng mọi người mang nước, thuốc hay một vài thứ hoa quả ra cho họ. Những người lính đó rất ồn ào, vui vẻ khi nhìn thấy cô, buông dăm ba câu trêu đùa chọc ghẹo và có khi hơi quá lời của một anh chàng chiến sĩ tinh nghịch nào đó, khiến cô đỏ bừng mặt làm họ càng đùa tợn.

Người lính cô gặp và nói chuyện lần đầu tiên trên con thuyền hôm ấy đã làm cô có cảm tình luôn, anh có nét mặt và nụ cười thật hiền, hơi ngang ngạnh...kiểu lính qua câu đối đáp với người lái thuyền. Bộ quân phục anh mặc trên người trông thật đẹp, nó giống như của bố cô trong bức ảnh đã tô màu hơn hai mươi năm về trước.....

- Và thế là em cho chàng lính đó ăn dưa bở phải không?- Tôi hỏi như pha trò khi nghe đến đoạn này của Phượng.

Phượng không nói gì, cô đi vào trong căn buồng phía sau một lúc rồi mang ra cho tôi một cái gói, mở ra tôi bàng hoàng khi nhìn thấy những lá thư với nét chữ của mình ngày xưa, cả bức ảnh tôi chụp trên Hà Giang đang đeo túi thuốc có dấu cộng to tướng bên ngoài đang đứng cạnh ngôi nhà sàn. Một thứ gì trăng trắng rơi ra, chiếc khăn tay của người Tày, mà hôm tôi đến nhà gửi lại không kịp trao tặng tận tay cho cô.

- Vậy...sao tự dưng em không viết thư cho anh?

- Em thấy anh đề đầu thư là anh trên Hà Giang, nhưng hòm thư và thư em viết theo địa chỉ thì lại ở Yên Bái ! Thời gian cuối em không viết vì muốn...anh về thăm em !

Một sự hiểu lầm không đáng có! Tôi cũng sơ suất chỉ mải viết về tình cảm mà không để ý đến những tiểu tiết khiến người khác phải suy nghĩ.

- Thế...khi anh về thăm thì nghe chuyện em sắp lấy chồng, có đúng không em? - tôi hỏi tiếp !

- Việc này anh phải tự trách anh nhiều hơn. Hôm đó người đàn ông anh gặp trong nhà là chú họ em. Chú ấy cũng đi bộ đội về, thấy anh chú muốn trêu một chút xem anh thế nào. Sao anh không chờ một lúc nữa mà vội ra về. Lúc em về nghe thấy chú kể lại, vội chạy theo thì anh đã qua bờ sông bên kia, em có gọi nhưng hình như anh không nghe thấy, vì đang đi rất nhanh.

Ừ, đúng là tôi nhớ lại lúc đó ông chú Phượng có giữ tôi lại nhưng tôi nhất quyết về vì nghĩ ở lại không giải quyết được gì và có khi còn phiền thêm. Khi tôi qua đò sang bên kia sông, trời đã tối, có nghe tiếng mơ hồ ai gọi gì đó lẫn vào trong tiếng gió hun hút, nhưng vì cơn giận dữ đang trào lên, tôi cắm cúi đi không để ý .

***

- Chuyện chồng con của em như nào?- Tôi hỏi sang chuyện khác để xua đi cái nặng nề giữa hai người khi đang nói chuyện quá khứ .

- Anh ấy đi làm cán bộ xã ở đây ạ, chúng em có hai cháu rồi. Chết thật! em cũng quên không hỏi chuyện gia đình anh...

Không khí lại như được mở ra khi chúng tôi ngồi nói chuyện theo kiểu hai người bạn cũ gặp hỏi han nhau. Phượng muốn tôi chờ khi chồng về mời cơm cùng gia đình. Tôi lịch sự từ chối, với lý do chuyến xe của cơ quan cũng sắp qua đón.

Tiễn tôi ra cửa, đang chuẩn bị chào thì cảm giác có một cái nắm tay rất nhè nhẹ. Thôi anh về, chúc em hạnh phúc ! Khi nào đưa vợ chồng con cái lên thành phố nhớ ghé nhà anh chơi nhé !.. Chào Phượng !

Ngoài kia, phiên chợ vẫn đang tấp nập kẻ mua người bán, vài chiếc xe đạp chở những cành đào đang chúm chím nụ hồng phơn phớt, điểm thêm không khí sắp Tết. Trên bầu trời trong veo những chú chim bay lượn hót líu lo, báo Xuân về. Tất cả như giục mọi người hối hả hơn để về nhà, chuẩn bị cho những công việc cuối năm.

Tôi chợt thấy lẫn trong đoàn người đi chợ thấp thoáng vài bóng áo lính xanh xanh quen thuộc. Những người lính trẻ giống như tôi cách đây gần hai mươi năm. Không biết trong số họ có ai đang nhờ những cánh thư để chuyển tới một em gái miền quê xa xăm nào đó chút tình cảm của mình không nhỉ? giống chút ít như câu chuyện của tôi. Chuyện tình thư của lính !



Hết !
 
Chỉnh sửa cuối:

pain

Xe ba gác
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
20,419
Động cơ
127,998 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Truyện ngắn quá hay nhưng em bắt lỗi chút là cách đặc tả tâm lý Phượng thẹn thùng chưa được đắt.

Lẽ ra nên dùng màu quả lựu chín chứ dùng táo chín thì nó vàng khè à:P.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Truyện ngắn quá hay nhưng em bắt lỗi chút là cách đặc tả tâm lý Phượng thẹn thùng chưa được đắt.

Lẽ ra nên dùng màu quả lựu chín chứ dùng táo chín thì nó vàng khè à:P.
He he, trước tiên em cám ơn cụ và các cụ đã mời rượu em!

Thứ hai, em dùng màu đây là màu...táo tây cho nó máu, chứ đâu phải táo ta mà mụ Pain sợ nó ra màu vàng! :D
 

pain

Xe ba gác
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
20,419
Động cơ
127,998 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
He he, trước tiên em cám ơn cụ và các cụ đã mời rượu em!

Thứ hai, em dùng màu đây là màu...táo tây cho nó máu, chứ đâu phải táo ta mà mụ Pain sợ nó ra màu vàng! :D
Em biết ngay lão sẽ cãi táo tây:)). Em đã định chém là màu táo tây nhưng....người đọc thường sẽ ngẫm ngay ra màu táo ta, nhất là lứa 7x đổ về trước, phỏng lão:-))
 

vietpq75hanes

Xe container
Biển số
OF-25818
Ngày cấp bằng
15/12/08
Số km
6,089
Động cơ
552,276 Mã lực
Truyện ngắn quá hay nhưng em bắt lỗi chút là cách đặc tả tâm lý Phượng thẹn thùng chưa được đắt.

Lẽ ra nên dùng màu quả lựu chín chứ dùng táo chín thì nó vàng khè à:P.
Chỗ đo đỏ, ý cụ là seo??? 8-}
 

vietpq75hanes

Xe container
Biển số
OF-25818
Ngày cấp bằng
15/12/08
Số km
6,089
Động cơ
552,276 Mã lực
Ý giề, lão ra mua cân táo ta rồi để chín xem là màu giề=))
Ừ thì nó vàng khè! Nhưng iêm ứ thích vàng khè, nó làm iêm liên tưởng đến nhiều thứ lắm. :))
 

pain

Xe ba gác
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
20,419
Động cơ
127,998 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Chỉnh sửa cuối:

SonrackTài khoản đã xác minh

OF vì cộng đồng
Biển số
OF-6764
Ngày cấp bằng
5/7/07
Số km
12,180
Động cơ
659,394 Mã lực
Nơi ở
Nơi có rượu và...
Oạc oạc!

Vụ này theo em nên làm ngay kẻo lão Dách bú hết.

Em dự định chiều thứ Sáu tuần sau tức ngày 22/1. Các cụ cho ý kiến phát:D
Chiến thôi chứ còn chờ gì nữa? :P
 

hat.tieu

Xe lăn
Biển số
OF-124436
Ngày cấp bằng
16/12/11
Số km
14,796
Động cơ
-90,760 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Website
tiengduc.org
Các lão này chơi ác, toàn OFF vào thứ sáu. :D Em đăng kí một chân nhé.
 

vietpq75hanes

Xe container
Biển số
OF-25818
Ngày cấp bằng
15/12/08
Số km
6,089
Động cơ
552,276 Mã lực

hat.tieu

Xe lăn
Biển số
OF-124436
Ngày cấp bằng
16/12/11
Số km
14,796
Động cơ
-90,760 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Website
tiengduc.org
Cụ pain có rủ được lão Vịt xanh đi không? Để em xem lão í ngoài đời có đanh đá như trên diễn đàn không. Hehe :))
 

pain

Xe ba gác
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
20,419
Động cơ
127,998 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Cụ pain có rủ được lão Vịt xanh đi không? Để em xem lão í ngoài đời có đanh đá như trên diễn đàn không. Hehe :))
Chị Vịt đương bựn vá tờ rinh bên Syria đặng cho đủ số trinh nữ phục vụ mấy chú cảm tử. Để em thử con tách xem sao:D
 

Bigisbest

Xe container
Biển số
OF-335282
Ngày cấp bằng
18/9/14
Số km
5,149
Động cơ
330,294 Mã lực
Có anh, nhưng 22 là ngày anh tổng kết, chắc chắn ko dự được roài, nếu khác thì tốt :D.
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top