...Quán triệt nhiệm vụ của **** ủy - Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị Xuân-hè 1968. .. . toàn mặt trận quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực Mỹ-ngụy (chủ yếu là Mỹ) ở Đường 9 - bắc Quảng Trị; thu hút giam chân địch càng nhiều càng tốt.. tạo điều kiện thuận lợi cho Trị-Thiên-Huế tổng tiến công và nổi dậy giải phóng nông thôn đồng bằng" . Căn cứ vào nhiệm vụ của sư đoàn giao cho trung đoàn: tiến công căn cứ quận lỵ Cam Lộ - một mắt xích quan trọng của hệ thống phòng thủ nằm trên ngã ba đường 9 và đường 76, nơi tập trung 2 đại đội lính chủ lực và bọn đầu sỏ ác ôn của ba huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hoá để thực hiện âm mưu "bình định" của địch. Ban chỉ huy Trung đoàn 48 sau khi cân nhắc khả năng lực lượng từng đơn vị đã quyết định giao nhiệm vụ như sau:
- Tiểu đoàn 1 (Đống Đa) được tăng cường ba trung đội hoả lực (2 khẩu cối 82 ly, 2 khẩu ĐKZ 75 ly, 2 khẩu 12,7 ly), 1 trung đội trinh sát, 2 trung đội vận tải của trung đoàn có sự phối hợp của 2 trung đội bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị đảm nhiệm tiến công giải phóng chi khu quân sự quận lỵ Cam Lộ, tiêu diệt địch giải phóng dân, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện cho đơn vị bạn bao vây Khe Sanh - Hướng Hoá.
- Tiểu đoàn 2, giai đoạn đầu làm nhiệm vụ vận chuyển vật chất, bảo vệ hành lang tiếp cận cho Tiểu đoàn 1. Giai đoạn 2, nếu tiểu đoàn 1 tác chiến gặp khó khăn: Tiểu đoàn 2 sẵn sàng chi viện.
Khi giao nhiệm vụ cho các tiểu đoàn, Ban chỉ huy trung đoàn nhấn mạnh "Phải đánh theo mệnh lệnh, theo yêu cầu nổ súng đúng thời gian quy định". Vì đây không chỉ là trận đánh vào một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng tuyến "bất khả xâm phạm" như Mỹ-ngụy rêu rao mà còn là trận đánh đầu tiên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân dân Quảng Trị.
Biết trước là đơn vị sẽ gặp khó khăn vì thời gian chuẩn bị chỉ có 2 ngày nhưng tiểu đoàn trưởng Bùi Dung vẫn hạ quyết tâm: Bằng bất cứ giá nào cũng chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao.
Để chạy đua với thời gian, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 1 được sự giúp đỡ của Ban tham mưu và Ban chính trị trung đoàn vừa khẩn trương nắm địch lần cuối và hợp đồng với địa phương Gio Linh Cam Lộ, vừa tổ chức giáo dục nhiệm vụ và làm mọi công việc chuẩn bị chiến đấu. Bằng ý chí và sự nỗ lực cao, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho chiến đấu.
Đúng 1 giờ ngày 2 tháng 2 (tức mồng 1 Tết Mậu Thân) sau tiếng nổ "long trời chuyển đất" của khối bộc phá nặng 300kg phá hủy cầu Đông Hà (trên đường số I) của tổ đặc công Hải quân (Đoàn 126), Tiểu đoàn 1 được lệnh tiến công chi khu Cam Lộ. Ở hướng tây bắc, Đại đội 2 do đại đội trưởng Nguyễn Văn Chẩn chỉ huy dẫn đầu đội hình đánh thẳng vào cụm chốt "quan trọng nhất" án ngữ phía bắc chi khu. Bọn địch ở đây chưa kịp hoàn hồn do bị pháo ta bắn đã nghe tiếng hô xung phong vang dậy của bộ binh ta, vội vàng chuồn xuống các ngách hầm cố thủ, bỏ mặc bọn bị thương kêu la ở trên. Ở hướng đông, Đại đội 1 do tiểu đoàn phó Đặng Hồng Tiến đi trực tiếp chỉ huy, sau khi hoả lực bắn chi viện chuyển làn, đã cho tổ hoả lực ĐKZ 75 nổ súng tiêu diệt hai lô cốt chốt giữ bảo vệ Cầu Đuồi, rồi đồng loạt đánh thẳng vào trung tâm chi khu Cam Lộ. Ở phía nam, hai trung đội bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị lợi dụng thời cơ địch hoảng loạn, đột nhập diệt gọn trung đội dân vệ canh giữ khu tập trung nam đường 9, đưa 600 đồng bào ra vị trí an toàn.
Trước sức tiến công quyết liệt của các chiến sĩ Tiểu đoàn Đống Đa, hơn 100 tên địch (phần lớn là nhân viên ngụy quân, ngụy quyền và một số cố vấn Mỹ) bị loại khỏi vòng chiến đấu. Nhưng lính địch trong căn cứ vẫn còn khá đông, nhất là đại đội chốt giữ phía bắc chi khu. Vì sau khi hoàn hồn, thấy lực lượng Tiểu đoàn 1 mỏng, chúng đã tổ chức cố thủ đánh trả và gọi pháo từ Đông Hà, Ái Tử, Tân Lâm bắn trực tiếp vào cứ điểm nhằm sát thương quân ta. Trong phút chốc hàng trăm quả đạn pháo các loại bắn trùm lên hầu khắp chi khu. Một quả pháo địch rơi trúng hầm chỉ huy Tiểu đoàn 1, làm tiểu đoàn trưởng Bùi Dung hy sinh, chính trị viên Nguyễn Ngọc Giao bị thương nặng. Giữa khó khăn ác liệt cán bộ cấp phó tiểu đoàn và cán bộ đại đội vẫn chỉ huy đơn vị bám trụ đánh trả các đợt phản kích của địch. Mặc dù bị thương vong tiếp (số cán bộ đại đội bị thương vong gần hết),nhưng bộ đội vẫn không rời trận địa.
Để tháo gỡ khó khăn, Ban chỉ huy Trung đoàn 48 quyết định đưa Tiểu đoàn 2 vào chi viện cho Tiểu đoàn 1. Dọc đường vận động, Tiểu đoàn 2 bị máy bay và pháo binh địch đánh chặn quyết liệt. Bốn giờ sáng, địch cho máy bay B52 rải bom nhiều đợt xuống xung quanh căn cứ gây thêm tổn thất cho bộ đội ta. Rạng sáng, thấy không còn khả năng diệt địch cố thủ trong hầm ngầm, Ban chỉ huy trung đoàn hạ lệnh cho các đơn vị lui quân. Trận đánh chi khu Cam Lộ của Trung đoàn 48 nói chung, Tiểu đoàn 1 nói riêng chưa thành công là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do kế hoạch chuẩn bị chưa chu đáo. Đội ngũ cán bộ các cấp từ đại đội đến trung đoàn chưa hiểu hết âm mưu, thủ đoạn của đối tượng tác chiến mới, nhất là đặc điểm, tính chất của cứ điểm phòng ngự nằm trong hệ thống phòng ngự hiện đại của quân Mỹ. Nên mặc dù bộ đội ta với ý chí chiến đấu tốt, chấp hành kỷ luật nghiêm, khi gặp khó khăn ác liệt, người trước ngã, người sau tiếp tục tiến lên, nhưng vẫn chưa giành được thắng lợi trọn vện.
Qua trận Cam Lộ, đội ngũ cán bộ các cấp từ trung đội đến trung đoàn đã rút được những bài học đầu tiên về đánh địch trong công sự vững chắc, trong hệ thống phòng ngự dự phòng của địch. Rõ ràng muốn đánh thắng địch, trước hết phải nắm chắc địa hình địa vật, thế bố trí đội hình của địch, trong đó đặc biệt chú trọng cách tổ chức, biện pháp tác chiến như phá chướng ngại vật (hàng rào thép gai), có hệ thống phòng không chu đáo, có tổ chức kiềm pháo chặt chẽ. Sau đó, phải biết sử dụng lực lượng hợp lý, kết hợp giữa bên trong với bên ngoài, giữa lực lượng bao vây chia cắt với đột phá dứt điểm, chốt giữ và những bước thực hiện tiếp theo, đánh địch ngoài công sự. Lực lượng chi viện phải được bố trí thích hợp, không quá xa trận địa tác chiến và phải chuẩn bị kỹ đường cơ động, hạn chế đến mức thấp nhất phi pháo địch đánh phá ngăn chặn....