Chai Old Pulteney 30 years old của cụ BarleyRiver là chai mẫu mới, ra đời năm 2012 sau khi Old Pulteney thiết kế lại kiểu chữ, tem nhãn, màu sắc, họa tiết trên thân chai và toàn bộ mẫu vỏ hộp của toàn bộ sản phẩm, bao gồm cả Standard Range và Travel Retail Range. Chai OP 30yo mẫu cũ được đóng chai năm 2009, có bán tại khá nhiều shop tại Hà Nội, Hải Phòng và cả TP. Hồ Chí Minh.
Theo Nhà Old Pulteney, đúng hơn là theo Innver House - Tập đoàn đang sở hữu Old Pulteney - thì họ thiết kế lại để nhằm giúp cho mẫu mã của OP trở nên "đương đại" hơn, hàng chữ "Old Pulteney" được rõ nét hơn, dễ đọc, dễ quan sát và nổi bật hơn khi bày trên kệ rượu, dù đứng chung với nhiều nhãn khác. Tuy nhiên, theo ý kiến của riêng người viết, thì dường như sự thay đổi này không được như mong muốn của họ. Đúng là dòng chữ "Old Pulteney" với kiểu chữ "béo" hơn và nằm ngang có dễ đọc hơn, nhưng thực sự nhìn không "khôn", không gây ấn tượng và không hài hòa với kiểu dáng chai truyền thống, cũng như những chi tiết rất đắt về tàu thuyền, biển cả, hải âu, sóng nước... rất đặc trưng, và đã từ lâu, góp phần làm nên tên tuổi của dòng "Genuine Maritime Malt" này. Với mẫu cũ, kiểu chữ truyền thống, cổ điển, dáng cầu vòng rất hợp, rất hài hòa với khung cảnh của nhãn và làm nổi bật cảnh biển phía dưới "chiếc cầu vòng" đó. Thêm nữa, vỏ hộp của các chai mẫu mới cũng khá đơn điệu, thiếu sức gợi và làm mất đi vẻ đặc trưng của dòng rượu Whisky đơn đã gắn liền với lịch sử của Thị trấn Hải cảng Vùng cực Bắc Scotland - Wick. Đặc biệt là hình ảnh và màu sắc của version 21yo được chuyển từ vàng nâu đậm (điểm xuyết những dòng chữ lấp lánh ánh kim) sang màu xanh lá đã gây ra sự thất vọng không chỉ đối với riêng người viết, mà còn với khá nhiều người yêu mến Old Pulteney khác.
Và với chai Old Pulteney 30yo này cũng vậy. Cho dù cả hai chiếc hộp đều được làm cầu kỳ, sang trọng với hộp gỗ dày dặn, chắc nịch, được thiết kế chi tiết, tỷ mỉ, nhưng mẫu cũ vẫn được chau chuốt hơn với những đường vân gỗ nổi thật đẹp, gợi nét xưa, và mặt trước có đường viền tinh xảo tạo điển nhấn giúp cho bề mặt không bị trơn tru và phẳng phiu quá mức.
Nhưng ngoài hình thức ra, thì hai mẫu này còn khác nhau mấy điểm khá quan trọng:
(1) Về nồng độ cồn, mẫu cũ có nồng độ khá ấn tượng và lạ - 44% ABV. Còn mẫu cũ, cho dù cũng có "độ cồn lạ", nhưng đã giảm hẳn nồng độ xuống chỉ còn 40.5% ABV. Điều này, ảnh hưởng đáng kể đến hương vị rượu và đặc biệt là cảm nhận hậu vị (finish) mà người viết sẽ chia sẻ tại Mục (2).
(2) Hương vị rượu và đánh giá: Với mẫu 2009, người viết đã hai lần thưởng thức tại Việt Nam. Với mẫu 2012, khi ngồi một mình tại một Quán Bar thuộc hàng nổi tiếng nhất Edinburgh - the Whisky Experience (Amber Restaurant) vào một chiều hè mưa lắc rắc đến hơn 2 giờ, sau khi đã nếm trải ba dram đầu tiên (1 dram tại đây = 25ml) và đứng/ngồi chuyện trò với mấy anh nhân viên Bar và một số du khách đến từ Pháp, Anh và Mỹ, người viết bỗng nổi hứng muốn Tasting OP 30yo mẫu mới, nhưng ngay sau đó, thậm chí còn nổi hứng hơn khi gọi luôn 1 ly OP 30yo 2009 nữa để Tasting cùng. 22 GBP cho mỗi dram, quả là một sự "nổi hứng" hơi có phần "xót xa"
, nhưng dù sao vẫn quá xứng đáng trong một khung cảnh như vậy.
Cả hai dram xinh xắn, tươi tắn với màu vàng rơm pha chút màu vang chardonnay này vẫn rất tuyệt, quả là "danh bất hư truyền". Tuy nhiên, rõ ràng có một sự "lùi lại" của version 2012 so với 2009, mà theo người viết, chắc chắn Old Pulteney sẽ phải "sửa sai" bằng cách quay trở lại như cách mà mình vốn đã có với version 2009, hay thậm chí là biết đâu có thể sẽ làm tốt hơn. Liệu có phải là do rượu bị mất đi tới 3.5% độ cồn? Hay là việc version 2012 không có trong mình nó một ít thành phần rượu first-fill Bourbon? Hay là cả hai? Hay là còn có những yếu tố nào khác nữa?