340 hộ, 2300 dân nhưng chỉ có 10 nhà vệ sinh. Một xã ở huyện hiếu học xứ Nghệ là như thế. Học nhiều, nhưng hành ít.
================================================
https://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/lang-khong-co-nha-ve-sinh-2273128.html
Làng không có nhà vệ sinh
Ban ngày, người dân tìm lên đồi thông sau làng, tối đến, cả làng ra biển… giải quyết đầu ra. Từ bao đời nay, người dân vùng biển Sơn Hải, xã Quỳnh Tiến huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An vẫn có thói quen không sử dụng nhà vệ sinh như thế.
> Làng '5 không'
Là vùng đất nghèo nằm sát biển, dựa lưng vào núi, người dân Sơn Hải hàng trăm năm nay gắn với nghề biển. Không chỉ chuyện ăn uống, sinh hoạt, học hành của con cái đều gắn liền với những chuyến ra khơi mà ngay cả chuyện “đầu ra” của người dân ở đây cũng được giải quyết nhờ… biển.
Ban ngày, trẻ con người già đưa nhau ra khu rừng thông sau làng để giải quyết nỗi buồn. Tối đến khi thủy triều lên, cả làng rủ nhau ra biển. Tiếng ý ới gọi nhau đi vệ sinh vang cả một góc xóm.
Một góc làng không có nhà vệ sinh. Ảnh:
Trường Long.
Ngồi co cụm ở đầu làng bán mớ ốc biển vừa bắt được, chị Nguyễn Thị Lan đỏ mặt cười khi được hỏi đến chuyện nhà vệ sinh: “Người dân vùng này như rứa từ mấy đời rồi. Lâu ni, bầy tui không sử dụng nhà vệ sinh để làm gì cả bởi đất chật, người đông, cả làng đều cùng nhau ra biển, lên núi là xong hết”.
Về làm dâu ở làng biển Sơn Hải được hơn 20 năm, những ngày đầu, chị Nguyễn Thị Minh không quen với việc đại tiện, tiểu tiện trên rừng nên phải …nhịn đến tối mịt để ra biển. Mỗi khi có nhu cầu giải quyết, chị đều ngượng đỏ mặt, không dám nói với chồng. “Chúng tôi thì sống mãi rồi cũng quen nhưng khổ nhất là con cái đi làm ăn xa, lấy chồng, lấy vợ từ nơi khác về, không thấy cái nhà vệ sinh, chúng nó không ăn, không ngủ được”, chị Minh vừa nói vừa cười.
Chiều chiều, lũ trẻ trong làng lại dắt nhau ra biển giải quyết nỗi buồn. Ảnh:
Trường Long.
Cũng về chuyện "tế nhị" này, bác Trần Đức Biển, xóm trưởng xóm Sơn Hải cho biết: Từ bao đời nay, cả làng biển này không có thói quen sử dụng nhà vệ sinh. Thậm chí một số ngôi nhà cao tầng khang trang, sạch đẹp nằm cạnh bãi biển cũng duy trì thói quen này. Trước đây, khi dân còn ít, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa xảy ra bởi dù người dân có đại tiện, tiểu tiện ra bờ biển nhưng sau mỗi đợt thủy triều lên xuống, bãi cát ở biển này lại trắng phau, sạch sẽ như thường. Mặc dù vậy, mấy năm gần đây, làng có tốc độ dân số tăng nhanh chóng. Đất rất chật nhưng cả xã có đến 340 hộ, hơn 2.300 nhân khẩu sinh sống nên vấn đề ô nhiễm môi trường vì người dân phóng uế đã đến mức báo động.
Hầu hết các con lạch trong làng đều đã ô nhiễm vì người dân "thải" bừa bãi, sau mỗi trận mưa, nước từ trên đồi chảy xuống kéo theo những “sản phẩm” khiến cho cả làng đều bị ô nhiễm.
Làng biển Sơn Hải đang bị ô nhiễm trầm trọng. Ảnh:
Trường Long.
Theo thống kê của ông Biển, hiện cả làng mới có khoảng 10 hộ làm nhà vệ sinh, chủ yếu là người từ nơi khác đến hoặc những thanh niên trẻ mới xây nhà. “Trong 10 năm nay, cả làng có khoảng 40 đến 40 người chết vì ung thư còn dịch bệnh tiêu chảy thì hầu như năm nào cũng xảy ra”, ông xóm trưởng thở dài bảo. Gia đình ông Biển là một trong số ít hộ ở đây xây nhà vệ sinh hai ngăn.
Lãnh đạo xóm đã nhiều lần đứng ra thống kê, vận động người dân xây nhà vệ sinh, nhưng vì đất chật, và vì là tập tục sinh hoạt hàng trăm năm nay nên không có hiệu quả.
Trường Long