Và sau một khoảng thời gian chờ đợi tới gần 30p, cuối cùng chúng tôi cũng lọt qua cánh cổng soát vé để được vào chiêm ngưỡng cảnh đẹp bên trong.
Pushkin là một trong những thị trấn tuyệt đẹp nằm cách thủ đô phương Bắc 24 km về phía nam. Cho đến tận năm 1918 thị trấn vẫn được gọi là Tsarshoye Selo (Làng của Sa Hoàng), sau đó nó được đổi tên thành Detskoye Sele (làng trẻ em), và từ năm 1937 nó mang tên của đại thi hào Nga Alexander Pushkin. Trong khoảng 2 thế kỉ, Tsarskoye là nơi cư trú chính thức vào mùa hè của các hoàng đế, ngôi làng phủ lên mình phong cách kiến trúc khác lạ, vừa mang ý nghĩa là cung điện, vừa có vai trò như các công viên công cộng. Khuôn viên liên tục được làm mới bởi sự mọc lên của các dinh thự được thiết kế bởi các kĩ sư tốt nhất thời bấy giơ.
Tsarskoye Selo được đặc biệt yêu thích bởi Elizaveta Petrovna và là điểm lui tới thường xuyên của bà trong thời gian cung điện Catherine được xây dựng lại. Nhờ các kiến trúc sư tốt nhất của thời điểm đó Zemtsov, Trezini, Rastrelli và những người khác, tòa nhà khiêm tốn đã được biến thành một cung điện lộng lẫy, nguy nga.
Catherine Đại Đế cũng luôn ưa thích và ưu tiên Tsarskoye Selo hơn bất kì nơi nào khác. Năm 1810 học viện nổi tiếng Lyceum được thành lập tại đây – chính là nơi cậu bé Alexander Pushkin theo học.
Trong thế chiến thứ hai, đây cũng là địa danh nổi tiếng liên quan đến sự biến mất bí ẩn của toàn bộ tác phẩm trưng bày trong phòng hổ phách. Các tác phẩm thật vô giá này đã bị lấy đi bởi người Đức và biến mất khỏi lãnh thổ nước Nga mà không một ai có thể biết chúng được cất giấu hoặc rao bán ơ đâu. Vào năm 1979, chính quyền đã quyết định khôi phục lại căn phòng hổ phách với những tác phẩm được dựng lại dựa theo nguyên mẫu trước đây. Mất một phần tư thế kỉ sau, căn phòng mới được trưng bày đầy đủ các tác phẩm như ngày hôm nay.
Những khung cảnh tuyệt đẹp bắt đầu hiện ra.