Ở VN sách giáo khoa lịch sử thường định hướng Liên Xô là quốc gia đóng góp công đầu trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít còn Mỹ chỉ là kẻ ăn theo, chờ đến khi Liên Xô sắp đánh bại nước Đức phát xít thì mới nhảy vào để chia phần thắng lợi. Vậy sự thật như thế nào? Nước Mỹ có phải chỉ là kẻ ăn hôi và không có Mỹ thì Liên Xô cũng thừa sức tiêu diệt chủ nghĩa phát xít?
VÌ SAO ĐẾN NĂM 1941 MỸ MỚITHAM CHIẾN TRỰC TIẾP?
Muốn hiểu rõ vì sao nước Mỹ lại không sớm tham gia Thế chiến II thì chúng ta phải hiểu cơ chế chính trị của Mỹ. Nước Mỹ trước Thế chiến II là một quốc gia dân chủ, vị trí tổng thống được quyết định bằng lá phiếu của cử tri trong các cuộc bầu cử 4 năm một lần. Do đó, bất cứ chính trị gia nào muốn giữ được chiếc ghế tổng thống cũng không thể phớt lờ ý muốn của nhân dân. Điều này khác hẳn với Liên Xô, nơi mà chế độ độc đảng của nó cùng với nhà lãnh đạo Stalin có uy quyền tuyệt đối và có thể tuyên chiến với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mà không cần đếm xỉa tới bầu cử hoặc ý muốn của người dân. Người dân Mỹ trước chiến tranh đa số theo quan điểm biệt lập, không muốn dính dáng đến những vấn đề tranh chấp giữa các cường quốc châu Âu và mong muốn của họ khiến Quốc hội Hoa Kỳ đã liên tiếp thông qua Đạo luật Trung lập các năm 1935 , 1936 và 1937 nhằm đảm bảo rằng đất nước sẽ không bị vướng vào các cuộc xung đột nước ngoài thêm một lần nào nữa. Mặc dù Tổng thống Roosevelt muốn cung cấp hỗ trợ cho người Anh, cả luật pháp Mỹ và công chúng lo ngại rằng Hoa Kỳ sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột đã chặn đứng kế hoạch của ông.
Tuy nhiên, vào năm 1939 - khi Đức, Ý và Nhật theo đuổi các chính sách quân sự hiếu chiến, Tổng thống Roosevelt muốn ngăn chặn sự xâm lược của phe Trục nên đã đề nghị sửa đổi lại các quy định nhằm cho phép các quốc gia đang ở tuyến đầu chống phát xít như Anh và Pháp có thể mua hàng hóa quân sự, vũ khí và đạn dược từ Mỹ. Việc thông qua sửa đổi đối với Đạo luật Trung lập ngay trong tháng 9 năm 1939 khi Đức tấn công Ba Lan đã đánh dấu nước Mỹ đã thoát khỏi chủ nghĩa cô lập, bước đầu tiên tiến tới chủ nghĩa can thiệp. Chính phủ Mỹ bắt đầu huy động nguồn lực cho một cuộc chiến tranh tổng lực và tăng gấp năm lần ngân sách quốc phòng (từ 2 tỷ USD lên 10 tỷ USD). Nhiều khoản viện trợ quân sự đã được chuyển đến Anh trong năm 1940 và Liên Xô năm 1941 để giúp các quốc gia này chiến đấu chống Đức nhưng nước Mỹ vẫn từ chối tham chiến trực tiếp. Tháng 12 năm 1941, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng và mọi trở ngại trên con đường tham chiến của Mỹ đã được dọn sạch. Hoa Kỳ chính thức tuyên chiến với các nước phát xít và cùng với Anh, Liên Xô là ba quốc gia trụ cột của lực lượng đồng minh chống phát xít.
Như vậy, tuy tham chiến trực tiếp khá trễ (12 - 1941) trên thực tế Mỹ đã từ bỏ chính sách trung lập bằng cách tăng cường bán vũ khí cho Anh và Pháp ngay từ những ngày đầu nổ ra Thế chiến II (9 - 1939).
ĐÓNG GÓP CỦA MỸ CHO CÁC QUỐC GIA ĐỒNG MINH THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH LEND - LEASE
Hoa Kỳ không phải là quốc gia có số người tử vong do Thế chiến II nhiều nhất nhưng không ai có thể coi thường các đóng góp vật chất của họ cho các nước Đồng Minh.
Các chuyến hàng đầu tiên, bao gồm phần lớn các mặt hàng thực phẩm và công nghiệp đã đến Anh vào thời điểm cuộc chiến phong tỏa của tàu ngầm Đức sắp sửa khiến quần đảo Anh chết đói. Các xe tăng và máy bay đầu tiên của Mỹ đã tới Ai Cập kịp thời để quân Anh sử dụng trong cuộc phản công vào Libya bắt đầu vào ngày 2 tháng 11 năm 1941.
Thông qua chương trình Lend - Lease, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Liên Xô 427.284 xe vận tải; 13.303 xe thiết giáp (bao gồm 7.000 xe tăng), 11.400 máy bay các loại. 17.499.861 tấn hàng hóa, trang thiết bị đã được đưa tới Liên Xô, trong đó bao gồm 2.670.371 tấn xăng dầu, 4.478.116 tấn thực phẩm, đạn dược, đạn pháo, mìn, chất nổ các loại... chiếm tới 53% tổng lượng tiêu thụ của Liên Xô. 92,7% thiết bị đường sắt của Liên Xô có xuất xứ từ Mỹ. Lương thực Mỹ viện trợ đủ cho một đội quân Liên Xô mười hai triệu người trong suốt cuộc chiến.
Vai trò của viện trợ Lend - Lease sang Liên Xô đã bị hạ thấp bởi các nhà sử học Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh cho rằng chỉ chiếm 4% lượng hàng hóa của Liên Xô sản xuất . Tuy nhiên, với sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản, các nhà sử học Nga đã tiếp cận nhiều hơn với tài liệu lưu trữ lịch sử và tự do hơn để đi đến kết luận của riêng họ. Thực tế thì năng lực sản xuất của Liên Xô đã bị phóng đại nặng nề, và việc đánh giá lại cho thấy Lend - Lease chiếm tới 30% tổng sản lượng của Liên Xô.
Joseph Stalin đã công khai thừa nhận tầm quan trọng của những nỗ lực của Mỹ trong bữa ăn tối tại Hội nghị Tehran năm 1943: "Không có máy móc của Mỹ, Liên Hợp Quốc không bao giờ có thể chiến thắng trong cuộc chiến".
ĐÓNG GÓP THAM CHIẾN TRỰC TIẾP CỦA HOA KỲ
Trong chiến tranh, khoảng 16 triệu người Mỹ phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ với 405.399 người thiệt mạng và 671.278 người bị thương.
Chiến tranh đã tiêu tốn của Hoa Kỳ khoảng 341 tỷ USD vào năm 1945, tương đương 74% GDP và khi quy ra thời giá năm 2015 là hơn 4.500 tỷ USD.
Lực lượng Mỹ đã tham gia các chiến dịch chống lại tàu ngầm Đức trên Đại Tây Dương, trực tiếp đẩy lùi quân phát xít trên sa mạc Bắc Phi, ở Ý, Pháp, Hà Lan và tiến vào nước Đức năm 1945. Quân đội Mỹ cũng sát cánh cùng với những người lính Trung Quốc, hải quân Mỹ hủy diệt sức mạnh của hải quân Hoàng gia Nhật Bản, giải phóng hầu hết các vùng lãnh thổ châu Á, Thái Bình Dương. Những quả bom của không quân Mỹ đã hủy diệt hầu như toàn bộ các thành phố công nghiệp quan trọng của Đức và Nhật, góp phần đáng kể buộc hai quốc gia này phải đầu hàng, nhất là Nhật Bản.
Nước Mỹ có thể không đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đánh bại nước Đức phát xít ở châu Âu nhưng chắc chắn công đầu trong việc đánh bại Nhật Bản ở châu Á là thuộc về họ. Những nỗ lực của Mỹ đã ngăn chặn không để cho Nhật Bản bị Liên Xô chia cắt như với nước Đức, nếu không e rằng một phần lãnh thổ của Nhật ngày nay đã nghèo đói như Triều Tiên. Nước Mỹ không phải đóng góp 100% công sức trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít nhưng chắc chắn rằng họ cũng không phải ngồi chơi và chờ hưởng thành quả của người khác.
Kết luận là chiến thắng của lực lượng Đồng minh chống phát xít chỉ có dựa vào hai bí quyết: "TIỀN CỦA MỸ VÀ MÁU CỦA NGA"
Fb Quynh Huyen Quynh
Xe tăng Sherman được Mỹ cung cấp cho quân đội Anh
Binh lính Canada sử dụng xe lội nước của Mỹ tại chiến trường Hà Lan đầu 1945
Binh lính Anh với tiểu liên Thompson do Mỹ sản xuất và chuyển giao theo chương trình Lend-Lease
Xe tải Studebaker được Mỹ chuyển cho Liên Xô theo chương trình Lend-Lease và vận chuyển binh lính Liên Xô tại Budapesst măm 1945
Sherman M4 Mỹ chuyển giao cho Hồng quân
Máy bay P-39 Cobra của Mỹ trong lực lượng không quân LX
Studebaker làm bệ phóng cho Катюша Liên Xô
Tài trợ súng cho Bát Lộ quân kháng Nhật
Quân đội Mỹ tiến vào Paris