7. Nhưng nếu có các góc khuất ,xấu trong lòng nc Mỹ thì cụ cứ cho ae xem cả để có cách nhìn đa chiều và khách quan về đất nc này.mà họ có phân biệt chủng tộc với nguời da vàng không cụ?
Vâng, sau vài năm ở Mỹ thì em cũng chia sẻ cảm nhận của cá nhân em, xuất phát từ kinh nghiệm bản thân
Những điểm tốt:
1. Mỹ là vùng đất của cơ hội: một trong những giá trị mà Mỹ tôn sùng nhất là khái niệm "tự do mưu cầu hạnh phúc" --> quốc hội tạo ra hệ thống luật pháp theo đó chính phủ rất ít can thiệp vào cuộc sống của người dân và các công ty, em lấy vài ví dụ:
- Thuế thấp hơn so với các nước tư bản phát triển khác, đặc biệt thấp hơn nhiều so với các nước bắc Âu : người dân giữ lại nhiều thu nhập hơn để tự chi trả cho các nhu cầu của cuộc sống theo ý mình kiểu anh nào tiết kiệm thì về già có nhiều tiền hưu, anh nào không tiết kiệm thì về già sẽ ít tiền
- Hết sức khuyến khích mở doanh nghiệp, làm giàu cho bản thân và xã hội
- Nền kinh tế vì thế cũng năng động hơn các nước phát triển khác. Thỉnh thoảng có khủng hoảng nhưng hồi phục cũng rất nhanh. Thị trường việc làm hầu hết là tốt, cứ tìm là có việc. Kinh tế châu Âu giờ già cỗi lại còn chịu gánh nặng rất nhiều quy định của chính phủ nên về khoản này là thua xa kinh tế Mỹ. Kinh tế Úc thì phụ thuộc tương đối lớn vào tài nguyên.
- Cứ chăm chỉ chịu khó là sẽ có cuộc sống vừa đủ. Điều này đặc biệt hợp với dân châu Á với truyền thống chịu khó và tiết kiệm. Dân châu Á cũng là nhóm dân hòa nhập rất tốt vào đời sống Mỹ, luôn có mức học vấn và thu nhập cao giữa các nhóm dân số, chỉ đứng sau nam giới da trắng.
2. Mỹ là đất nước nhập cư nên là dân nhập cư hòa nhập khá tốt. Có phân biệt chủng tộc nhưng không quá, mà đặc biệt là dân châu Á thì hầu như không có vấn đề gì.
Nhưng cái gì cũng có 2 mặt, những điểm tốt ở trên sẽ có
vấn đề của nó:
1. Kinh tế phát triển thì đi kèm là áp lực công việc. Bọn Mỹ bị gọi là nghiện làm việc "workaholic", văn hóa làm việc điên cuồng rất dễ dẫn đến burnout
- Mỹ có số ngày nghỉ phép ít nhất trong khối các nước phát triển mà tỷ lệ người lao động sử dụng ngày nghỉ phép cũng rất ít. Vấn đề là khi mình làm trong môi trường như vậy, bản thân cũng phải điều chỉnh theo thì nếu không thì sẽ bị đào thải.
- Mỹ là nước phát triển duy nhất không có nghỉ thai sản, có nghĩa là nếu nghỉ đẻ sẽ không được lương, mà luật liên bang cũng chỉ được nghỉ 3 tháng. Còn đâu từng bang sẽ ra luật riêng của mình, nhưng nói chung là rất chán.
2. Tự do quá thì có rất nhiều thứ chuối củ:
- Ví dụ, giờ ở Mỹ lại có mốt không tiêm vác-xin, lấy lý do là tự do tôn giáo bla bla... Nguy hiểm của việc không tiêm vác-xin là lây lan cho cộng đồng, 2 năm gần đây rất nhiều đợt bùng phát sởi rồi.
- Ở trường học cũng tự do nên nói thật là học hành lất phơ lất phất, chỉ 1 số ít thông minh thì giỏi hẳn, còn lại đa phần cầu bất cầu bơ, hu hu. Giáo dụng phổ thông của Mỹ thật ra là rất tệ đấy ạ. Bọn này mà không có hệ thống trường đại học với sinh viên quốc tế thì không biết lấy đâu nhân lực mà làm.
3. Khối tư nhân có nhiều tự do, tích lũy quyền lực chính trị thông qua lobbying và donations. Quan điểm không cho chính phủ can thiệp không phải lúc nào cũng tốt
- Rất nhiều ngành công ty lớn nuốt công ty nhỏ dẫn đến độc quyền địa phương. Ví dụ internet, ở Mỹ có mấy công ty lớn, nhìn toàn thị trường thì khá cạnh tranh, nhưng vấn đề là ở mỗi khu vực thì thường chỉ có 1-2 nhà cung cấp. Và tất nhiên hậu quả là đắt lòi mắt mà đường truyền thì lởm. Mỹ là một trong những nước có giá internet trên một đơn vị băng thông đắt nhất trên thế giới.
- Buồn nhất phải kể đến y tế. Mỹ không có bảo hiểm y tế công (universal healthcare) như rất nhiều nước phát triển khác, cũng xuất phát từ quan điểm không để chính phủ động vào. Nhưng vấn đề là dịch vụ y tế là một hàng hóa đặc biệt mà trong đó người mua (người bệnh) gần như không có quyền mặc cả. Hệ quả là y tế trở thành một ngành kinh doanh béo bở, chi phí qua bao nhiêu tầng lớp từ công ty bảo hiểm, đến bệnh viện, đến hãng dược đến bác sĩ --> và tất nhiên là giá thì đắt mà kết quả thì Mỹ đứng thứ 37 trong khối các nước OECD về mặt y tế Những chuyện như thế này thì nhiều quá em có kể hết ngày cũng không hết nên em lấy 1 vài ví dụ nhé.
- Bảo hiểm y tế cả nhà em là khoảng 9k/năm, đấy là mua qua chỗ làm bao giờ cũng rẻ hơn. Ai không có công ty cấp bảo hiểm cho mà phải mua ngoài sẽ còn đắt hơn rất nhiều. Trừ khi nghèo hẳn thì mua các gói hỗ trợ của chính phủ còn dạng vừa vừa là khổ nhất. Mà trả ngừng đấy tiền bảo hiểm rồi nhưng đi khám vẫn phải trả thêm bằng tiền túi.
- Mà bảo hiểm y tế là không kể răng và mắt. Răng và mắt lại ngành riêng, nên thực ra như kiểu gấp đôi ý.
- Đi đẻ thì từ 10-15k. Nằm viện sẽ phải tầm 3-5k/ngày
- Đi khám răng thì chỉ có khám răng định kỳ và lấy cao răng mà hết 170$, bảo hiểm rồi vẫn phải trả 70$. Răng sâu đi hàn hết 480$, sau bảo hiểm vẫn phải trả 80$
- Có câu chuyện cười ra nước mắt ở Mỹ là có ông này trúng xổ số, bảo việc đầu tiên phải đi làm là đi khám bệnh vì bao lâu rồi không có tiền đi khám. Đến lúc đi khám thì phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối, chỉ còn sống được mấy tháng nữa.
- Công bằng mà nói thì có 1 ưu điểm duy nhất của hệ thống y tế kinh tế kiểu này chính là kinh phí đầu tư cho phát triển công nghệ, rất nhiều loại thuốc mới, phương pháp chữa bệnh mới khởi nguồn từ các hãng dược ở đây. cơ mà đắt thế thì có phải ai cũng trả được đâu.
- Nên em thực lòng thấy y tế ở Việt Nam mình thế là quá ngon rồi, thực lòng cảm ơn các bác sỹ. Nhà em toàn tranh thủ hè về đi khám
4. Ngân sách chính phủ thì thu đã ít (vì thuế thấp hơn) mà suốt ngày đem đầu tư vào quân đội với vũ khí (20%), tỷ lệ ngân sách đầu tư cho giáo dục là 3% trong khi trường học thì như dở hơi. Đường sá cơ sở hạ tầng thì cũ kỹ, xuống cấp. Em nhớ lần đầu tiên đến đất Mỹ là năm 2015, bay đến sân bay ở Los Angeles. Hạ cánh xuống sao thấy cái sân bay nó xấu kinh khủng, cũ kỹ bẩn thỉu, lộn xộn, nhân viên thì mặt như đeo đá. Nói chung nhiều lúc chả hiểu hội này nghĩ gì.
Cuối cùng, về vấn đề phân biệt chủng tộc thì về mặt chính thức mà nói là rất ít, có nhiều luật để đảm bảo đối xử bình đẳng. Về mặt xã hội thì do lịch sử để lại phân biệt chủng tộc ở Mỹ tập trung chủ yếu trong mối quan hệ giữa người da đen và da trắng, người châu Á nhập cư sau và thành công hơn nên hòa nhập tốt. Chỉ là gần đây ở các nước phát triển, phong trào chủ nghĩa quốc gia (nationalism) trở lại mạnh mẽ, chủ yếu xuất phát từ việc những người dân bản địa ít học vấn (ở Mỹ gọi là red-neck ý) không kịp thích nghi với sự thay đổi trong nền kinh tế, quay ra đổ lỗi dân nhập cư đến cướp việc. Nên thấy xuất hiện các đụng độ. Cứ nhìn kết quả bầu cử ở Anh (Boris Johnson) và ở Mỹ (Donald Trump) là thấy.
Tóm lại là, ở đâu cũng có điểm này điểm kia thôi ạ, tùy vào bản thân mình muốn gì, cần gì, đang trong giai đoạn nào mà lựa chọn. Nhưng chắc chắn một điều là ở đâu cũng không phải là nhà, sẽ luôn có một cảm giác là mình không hoàn toàn thuộc về nơi này. Đây cũng là một phần của cái giá phải trả.