Chuyện cụ chia sẻ, về hiện tượng mà cụ đã trải qua: Nằm ở chân tượng đài, ngủ và có cảm giác bị bó chặt tay chân từ góc độ cá nhân, em có một số luận giải như này, cụ và các cụ mợ cùng xem như nào:
1/ Chủ quan từ phía cụ
Nhìn từ góc độ khoa học hay nói đơn giản, là từ logich thực tế: Thời điểm cụ bị hiện tượng này, theo lời cụ kể là cụ đang bị sa sút nghiêm trọng về cả kinh tế và tinh thần
Em cũng đã trải qua 1 thời gian gần giống như cụ, cảm giác sụp đổ, mất niềm tin, mất định hướng (em thì còn thêm cả mất Người thân). Về tinh thần, đây là lúc trí não chúng ta tăm tối nhất, gần như không còn suy nghĩ được gì chính xác, người ngoài sẽ nhìn nhận là có những biểu hiện của sự quẫn trí, và bản chất đúng là như thế, chỉ khác nhau là có người nặng, có người nhẹ
Như vậy về sinh học thì não bộ sẽ chịu cường độ suy nghĩ, hoạt động rất căng thẳng, cảm xúc mạnh. Rất tiếc, các hoạt động, cảm xúc này thì thời điểm đó tuyệt đại đa số là tiêu cực.
(Đến nay, Cụ đã ung dung vào chia sẻ cùng OFers, là cụ đã vượt qua, chúc mừng cụ)
Về thể chất, vào thời điểm đó, ăn uống, dinh dưỡng của cụ (thời điểm đó em cũng vậy) không thể đảm bảo được. Có được gì ăn nấy, bữa ăn bữa nhịn, có lúc nhìn bát cơm không nuốt nổi, nhưng thậm chí có những lúc đói đến bữa mà không có gì để ăn, đói đúng nghĩa đen của nó
Thể chất như vậy (dinh dưỡng đột ngột suy giảm), tinh thần, trí não thì như kia (căng thẳng, áp lực một cách vô vọng) thì khi nhắm mắt lại ngủ, chắc chắn giấc ngủ sẽ kéo theo mụ mị, theo sự mệt mỏi của cơ thể, sẽ có những cảm giác của cơ thể khi đang thức
Cảm giác bị bó chặt tay chân, cũng chính là cảm giác lúc cụ thức, cụ đối mặt tại hoàn cảnh thời điểm đó: bất lực, vô vọng, muốn thoát nhanh ra khỏi cái khổ cảnh đó mà mông lung, chưa có định hướng
Trạng thái cụ rơi vào, cụ nhận định không phải bóng đè, cũng không phải mơ ngủ. Bản chất, theo em nhận định, đó là 1 dạng não làm việc trong khi ngủ nhưng bị "lỗi"
Nếu như ngủ ngon, cơ thể thư giãn, não an yên, thì ra giấc mơ đẹp
Ngủ say, não, cơ thể mệt mỏi, tinh thần lo lắng thì ra các giấc mơ không lành
Ngủ chớm say, nhưng môi trường thiếu dưỡng khí, có các từ trường, sóng âm ... hay có vật đè nặng lên tim, cổ, gây hạn chế hô hấp, tuần hoàn thì sẽ dễ rơi vào trạng thái bóng đè: cơ thể ngủ nhưng não thức và nhận thức qua các giác quan ảo
Ngủ nhưng cơ thể đói, thiếu dưỡng chất, thì không thể ngủ say, không thể ngủ sâu, mà sẽ dễ rơi vào trạng thái mơ màng nửa ngủ nửa thức, cộng với các ám ảnh, áp lực tâm lý, thì sản phẩm pha trộn khả năng cao sẽ ra sản phẩm là trạng thái cụ đã trải qua
(Cái món ngủ mà cơ thể thiếu dưỡng chất, giấc ngủ không sâu thì các cụ mợ nào bắt đầu detox hay ăn kiêng là sẽ thấy rõ nhất. Cơ thể đang quen tỗng 3 bát cơm bữa tối, giờ chỉ toàn rau củ quả heo thì, đêm ngủ nó không thể sâu nổi, chập chờn cạn giấc, phải dăm bữa nửa tháng mới quen dần)
2/ Khách quan từ môi trường
Chân Kỳ đài/ Tượng đài thường là nơi cao ráo trong nghĩa trang liệt sỹ - như cụ đã nói
Về đêm, chuyện gió, sương là không tránh khỏi, đặc biệt là nhiệt độ hạ xuống so với ban ngày, kể cả là mùa hè
Do đó, phản xạ hai tay ôm chặt lấy cơ thể cũng là 1 điều logic cho 1 cơ chế tự bảo vệ bản thân 1 cách bản năng
Hơn nữa, 1 cách vô thức, đang từ môi trường sống trong nhà (nơi an toàn tuyệt đối) trong rất nhiều năm, cơ thể phải ngủ ở môi trường mở (không an toàn) nên cơ chế ngủ sẽ auto set ở chế độ ngủ chập chờn.
ĐIều này, cùng với các yếu tố về thể chất, tinh thần như em đã phân tích ở mục (1), sẽ dẫn đến sự hạn chế kiểm soát chủ động của cụ, làm cho cụ có cảm giác bị bó chặt bởi chính tay cụ, nhất thời chưa có thể được sự điều khiển (trong một số sách em đọc ngày xưa họ dùng cụm từ là bất khả khiển dụng)
3/ Yếu tố tâm linh
Em xin mở rộng thêm với các ý kiến của các cụ mợ về việc ngủ/ qua đêm ở nhà tang lễ hay nhà xác bệnh viện
Khi 1 người thân mất cách đây hơn chục năm, do thầy xem giờ là phải liệm lúc 3h sáng, nên em đã có 1 đêm cùng mấy anh em họ hàng nửa thức, nửa ngủ gật gà ở thềm nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, chính là nhà tang lễ cạnh BV 108 mà cụ anh
Bigmoto đã nói đến (cũng chính là NTL cử hành Quốc tang hôm vừa rồi)
Cách đây 3 năm, ông cậu em mất lúc 22h hơn ở HD, theo di nguyện của cậu, con cháu đưa cậu lên Hóa thân Hoàn Vũ gửi để hôm sau hóa thân. Em ở HN nên có nhiệm vụ ra đó liên hệ, chốt thủ tục và chờ xe đưa cậu lên. Đó là lần thứ 2 em lại gà gật ngồi ở NTL qua đêm.
Cả 2 lần đó, dù là ngồi gà gật, có lúc mệt kềnh ra ghế ngủ, nhưng chẳng có hiện tượng gì xảy ra cả
Do đó, có thể khẳng định là không phải cứ nghĩa trang, NTL là vong ma đầy rẫy và ai cứ ngủ là bị tương tác luôn và ngay
Quay lại câu chuyện ngủ ở Tượng đài Nghĩa trang liệt sỹ của cụ. Hồi còn làm đoàn thể, em theo công việc cũng đã đến dâng hương, thăm nhiều NTLS lớn nhỏ trong cả nước. Nhỏ nhất là NTLS của xã, lớn nhất là NTLS Trường Sơn; đến ban ngày cũng có, đến buổi xâm xẩm tối cũng có, thắp nên dâng hương đêm 26/7, 27/7 thì lại càng nhiều. Em cũng một vài lần chứng kiến hiện tượng vong LS nhập vào 1 ai đó (cụ thể như em đã kể, có 1 anh hát chèo nhập vào 1 cô bé đoàn viên thanh niên) và em cũng phân biệt được một số trường hợp Cô/Thầy cùng gia đình thân nhân đến mộ LS rồi nhập nọ nhập kia
Tuy nhiên, theo cảm nhận cá nhân của em, thì Vong linh ở NTLS đều rất lành, họ không trêu ác, đùa ác, và qua câu chuyện với người dân ở đó (xung quanh NTLS xã, huyện) thì cũng không có kiểu ai đó vô tình/ cố ý xâm phạm vào khu vực NTLS kiểu bẻ cây bẻ cành mà về bị "hành" như motip dân gian quen thuộc, có lẽ rất logic thôi, anh linh các liệt sỹ đã không tiếc cả tuổi trẻ, máu xương của họ cho nhân dân đất nước, thì họ cũng chẳng hẹp hòi so đo những cái vụn vặt đó làm gì. Với Liệt sỹ, dường như sân hận đã không còn, họ đã siêu thoát hoặc có vì lý do gì mà vị nào còn hiện diện ở NTLS (có thể do được phân công chẳng hạn) thì cũng đã xong nợ non sông, chẳng còn vương vấn chút oán niệm nào)
Do đó, việc cụ ngủ ở tượng đài mà bị như vậy, cùng lắm là do nơi đó là nơi tôn nghiêm của cả NTLS, giống như Sở chỉ huy của Tiểu đoàn hay Phòng chỉ huy của Đại đội, anh em nhà binh không thể để 1 cậu dân sự lên ngự ở đó mà ngáy ngon lành thôi
Vài lời chia sẻ kiến giải đầu tháng 7, kính các cụ mợ nhã giám