Đầu năm, em xin kể tiếp câu chuyện về làng của em. Mong cụ
Đại Ba cụ
datlui và các cụ mợ thông cảm. Thực ra câu chuyện nó cũng không có gì ạ.
Làng em và làng bên cạnh có một cuộc chiến ngầm, giữa các cụ bô lão. Hai làng phân biệt ranh giới rõ nét bằng con đường liên xã, là con đường em đã từng đề cập. Không hiểu sao, đình, chùa, miếu (rất cổ) của làng em lại nằm bên kia con đường, giáp với làng bạn. Hồi em còn bé, có cây gạo hai thân đẹp cực kì, cho hoa to, đỏ thắm, thân xù xì đen sạm màu thời gian, tay cành vươn ra vừa khỏe mạnh, vừa mềm mại, lãng mạn. Ngày nào em cũng ra gốc gạo đó chơi, vì nó sát trường học của em. Những vạt cỏ xanh mướt, những vũng nước, mương máng, ao hồ trong văn vắt, cây gạo soi bóng xuống đó. Em toàn ngắm hoa gạo hay tay cành bay bay của cây trên mặt nước sáng như gương như vậy.
Nhưng không hiểu sao hai giới các cụ của cả hai làng đều tranh nhau cây gạo ấy là của làng mình. Nghe nói cây gạo ấy rất thiêng. Giới trung dung thì bảo, cây gạo hai thân, mỗi thân là của một làng. Còn đại đa số là giành nhau quyết liệt, cây đó là của riêng làng mình. Các cụ làng em nói có lí, cây gạo mọc sát đình làng em, thì phải của làng em mới phải. Hồi đấy, em trẻ nên có ý nghĩ hơi "*********" tí là, cây gạo ấy có mọc bên trong khuôn viên đình đâu, chỉ sát cạnh bờ tường thôi. Rồi, lẽ ra đình đó thuộc bên làng kia thì gọn về mặt địa lí hơn..., hihi. Nhưng em không dám nói ra, nói ra sợ các cụ chửi chết, các cụ thì đang cưng mình, chuyện lớn bé hay nhỏ to tâm sự với mình.
Thế rồi đến việc xã làm cái chắn cống, kiểm soát nước ra vào giữa ao chùa qua ao chính của làng (qua con mương giáp dãy đất dữ mà em đã kể). Hồi đấy em thấy các cụ cao niên lo lắng lắm. Điển hình là cụ đẹp lão như tiên ông mà em đã kể. Cụ than vắn thở dài, nói việc đó đã cắt long mạch của làng, đứt mạch đất vua của làng. Bao nhiêu tinh túy sẽ đổ về làng bên hết.
Hồi ấy em không tin lắm đâu. Rồi cụ nói, con thấy không, làng ta giữ được phần đầu rồng, nên có truyền thống hiếu học, 6 cụ đỗ đại khoa hay gì đó mà được ghi tên trong Quốc Tử Giám. Làng ta là cái nôi của người Việt cổ. Các làng khác (ý nhấn mạnh làng bên) đâu có truyền thống gì. Giờ thì gay rồi.
Rồi các gia đình lục tục chuyển đến dải đất dữ đó ở. Rồi cái buồn nhất là cây gạo tự dưng khỏe mạnh lắm lại lăn ra chết.
Em thấy kể từ cuối những năm 199x đến nay, làng em không còn giữ được nếp như xưa. Thanh niên sa đà cờ bạc rượu chè. Mọi người không chăm chỉ làm ăn lắm. Thanh niên cứ ra khỏi làng, đi làm ăn xa thì lại rất ok. Còn làng bên cạnh, cho đến giờ luôn rất chí thú làm ăn. Bên họ giàu bền vững luôn, con người cũng điềm đạm, hiền hòa. Tất nhiên ở đâu cũng có người nọ người kia.
Và cái chính là, làng bên cũng sản sinh ra một "ông vua" (nếu có thể gọi vậy), tài đức lắm. Em vô cùng tự hào vì đất nước mình, quê hương mình có một ông vua như vậy. Và làng bên vẫn giữ được nếp nhà, nếp làng, mẹ chồng em là người làng này. Em và chồng cũng có thú vui "tao nhã" là thời gian rảnh, đạp xe sang làng bên ngắm các ngôi nhà cổ, các nhà thờ mới xây được chăm sóc chu đáo, ngắm các cây đề khỏe khoắn vươn tán tròn vững chãi lên trời cao, và thưởng trà, ngắm cây cảnh với một số bác bên ấy. Các cụ ông cao niên làng em lần lượt ra đi hết rồi, trong lòng em tiếc thương biết bao. Giờ còn thế hệ của bố chồng em, cụ gần 80 rồi. Ngồi uống trà nghe cụ kể chuyện ngày xưa rất thích. Nhưng một số chuyện em nắm còn nhiều hơn cụ, do hồi chưa làm dâu bố em, em đã được các cụ cao niên kể về làng, về từng 12 dòng họ xây dựng nên làng này, thịnh suy, vui buồn hihi
Chuyện của em chỉ có vậy thôi ạ.
Còn dải đất dữ, qua vài đường nét cụ
datlui chỉ cho em, em sởn gai ốc, nhưng không dám tải lên đây. Nhưng em hi vọng đức năng thắng số. Cứ ăn ở tử tế, nói lời hay, làm việc tốt, giúp đời giúp người không quản ngại thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hết ạ.