Không hiểu nguồn nào cụ dẫn viết như vậy.
Chữ quỷ (鬼) xuất hiện từ rất sớm, có trên các giáp cốt văn, chữ ma (魔) có lẽ xuất hiện muộn hơn, với ghi chép sớm nhất còn tồn tại tới nay là trong Thuyết văn giải tự của Hứa Thận in năm 121 thời Hán An Đế. Hứa Thận giải nghĩa từ ma như sau: 魔: 鬼也. 从鬼麻聲 (Ma: Quỷ dã. Tòng quỷ ma thanh). Ma (魔) là chữ hình thanh, thuộc bộ quỷ (鬼) âm đọc là ma (麻: tên chung trong tên gọi tiếng Trung của các loại cây lấy sợi như gai dầu/đại ma/hỏa ma (Cannabis spp.), đay/hoàng ma (Corchorus spp.), lanh/á ma (Linum spp.) hay vừng/chima/hồ ma (Sesamum spp.)). Theo quan điểm của người Trung Quốc thì linh hồn/vong hồn của người chết biến thành quỷ (Lễ ký.Tế nghĩa viết: “Chúng sinh tất tử, tử tất quy thổ, thử vị chi quỷ.”). Quỷ (鬼) là chữ tượng hình, với phần trên là chữ điền (田) với dấu phẩy trên đầu, ý chỉ sừng. Nó là tượng trưng cho đầu quỷ. Phần dưới là chữ nhân (儿) và khư (厶). Tổng thể chữ quỷ hàm ý người với đầu to, khuôn mặt xấu xí, thân nhỏ và có đuôi. Trong tiếng Việt thì việc dùng chữ ma và chữ quỷ có điểm hơi khác. Cụ thể các từ điển như Từ điển Việt Bồ La (TĐVBL), Nam Việt Dương Hiệp tự vị (NVDHTV), Đại Nam quấc âm tự vị (ĐNQATV) hay Việt Nam từ điển (VNTĐ) đều có diễn giải về các từ ma và quỷ, nhưng nói chung thì giữa chúng có sự chồng lấn khi đều coi chúng là linh/vong hồn người chết và không có khái niệm ma lành mà chỉ có ma ác hay ma dữ mà thôi. Cụ thể thì:
a) TĐVBL diễn giải ma/quỷ như sau (trong ngoặc là phiên dịch từ diễn giải Latinh sang tiếng Việt của tôi):
+ Ma: almas dos defunctos: animæ defunctorum (= Linh hồn người chết). Ma: corpo morto: cadauer (= Xác chết). Ma quỉ, ma cỏ: diabo: diabolus (= Ma quỷ).
+ Quỉ: diabo: diabolus (= Ma quỷ). Ma quỉ, ma cỏ, idem (= Như trên).
b) NVDHTV diễn giải ma/quỷ như sau (trong ngoặc là phiên dịch từ diễn giải Latinh sang tiếng Việt của tôi):
+ Ma (魔). Phantasma nocturnum (= Bóng ma ban đêm). Ma qủi. Diabolus (= Ma quỷ). Ma cỏ. Id (= Như trên). Đám ma. Funus, funeris (= Đám ma, tang lễ).
+ Qủi (鬼). Diabolus (= Ma quỷ). Tác giả ghi chú thêm như sau: De hujus vocabuli significatione ita varie loquuntur ut totum explicare hujus loci non sit = Họ nói về ý nghĩa của thuật ngữ này theo nhiều cách khác nhau đến mức không thể giải thích toàn bộ ở đây.
c) ĐNQATV diễn giải ma/quỷ như sau:
+ Ma 魔. Hồn bóng, tục hiểu con người chết ra ma, hóa ra hồn hoa phưởng phất; tà khí; thây kẻ chết. Ma quỉ. Vật linh thiêng hay làm hại, thần dữ. Ma cỏ. Id.
+ Quỉ 鬼. Loài khuất mặt hay dùng chước làm hại người ta; yêu mị; có kẻ tin người ta chết rồi thành quỉ. Quỉ ma/ma quỉ. Id. Quỉ yêu/yêu quỉ. Id. Quỉ mị. Id. Quỉ thần/thần quỉ. Các vị linh thiêng; thần tốt, quỉ xấu. Quỉ vương. Chủ quỉ.
d) VNTĐ diễn giải ma/quỷ như sau:
+ Ma (魔). 1. Hồn người chết. 2. Quái.
+ Quỉ 鬼. Hồn người chết. Nghĩa rộng: Loài yêu quái hay quấy nhiễu người ta: Ma trêu quỉ ám. Nghĩa bóng: Giả dối: Quỉ thuật.