Em biên tiếp về mạch chuyện ngôi làng có mảnh đất nhà ông S để hầu cccm.
Chuyện này dựa trên những cuộc nói chuyện của em và cụ trưởng dòng họ Mạc - vốn là dòng dõi của vương triều nhà Mạc ở Dương Kinh, em gọi tắt là cụ Trưởng.
Có những khúc được ghi chép, có những khúc là truyền miệng theo bao đời cả làng ai cũng biết, có những khúc lại do trong nội tộc dòng họ kể lại - người làng ko được cặn kẽ…..
Sau khi được bà M chắp mối, thì em cũng về để được tiếp chuyện với cụ Trưởng.
Cụ Trưởng: làng này vốn trước là 2 làng riêng biệt mà hợp thành, mỗi làng đều có 1 vị phú hộ, một cụ tên là cụ Phú (viết tắt) hạ sinh được 5 người
trưởng Đính, cả Trình, cả Sinh, cô Lý, cả Lĩnh.
Đính và Trình đều đã an bề gia thất, Đính sinh đủ nếp đủ tẻ, gái trước, sau là trai - đặt tên Vĩnh
Trình sinh được 1 con trai - tên Thịnh.
ngày Vĩnh còn nhỏ thì có cô người ở làm bảo mẫu tên Nấng, sau Vĩnh lớn lên thì cô Nấng làm bảo mẫu cho Thịnh
Em: (oắt đờ đệk, gì vậy ?) - sao cơ cụ ? tên là Nứng á ? nghe lạ vậy. mà sao toàn gọi là cả thế cụ ?! ko phân biệt nhất bét gì ah ?
cụ Trưởng; không, Nấng. tên là Nấng vì mẹ cô ấy tên là Nuôi, nên đặt vậy cho vần, Nuôi Nấng ấy. bà Nuôi bán Nấng cho nhà cụ Phú để ở đợ
còn cái lệ ở đằng nhà đó là vậy, con của trưởng tộc dù là thứ nhưng các chi hay ngành dưới vẫn gọi là cả hết.
cụ Phú vốn là 1 người rất tốt, sản nghiệp bề thế, rất thương người ăn kẻ ở và tạo phúc giúp đỡ những người dân trong làng, nhưng sau 1 trận trúng phong hàn thì cụ Phú đâm ra ngoặt nghẹo, lú lẫn u u minh minh, nằm liệt 1 chỗ, nhìn ai cũng cười, gặp ai cũng gật. trưởng Đính là trưởng lên đứng ra tiếp quản toàn bộ gia nghiệp
Thế còn đằng nhà tao, là đằng nhà cụ Mạc (viết tắt)
cụ Mạc thì có 3 con, cậu cả Quyết, cậu hai Tựu, cô ba Thục Oanh
ngày Vĩnh còn nhỏ, cô Nấng dẫn Vĩnh đi chơi để dỗ Vĩnh ăn, xuống cái thuyền neo buộc tại cạnh sông, dập dềnh trên đó, dây neo bị tuột, thuyền trôi xuôi theo dòng rồi bị lật, cả Nấng và Vĩnh rơi xuống sông. phải lúc cả Quyết đi thăm đồng, thấy Nấng đang ôm Vĩnh cố bám vào thuyền mà hô hoán thì thấy vậy liền cứu và giấu nhẹm chuyện này. từ đó Nấng mang ơn cả Quyết và nhà cụ Mạc.
làng này trước khi hợp nhất thì vốn là 2 làng tách biệt, nhưng cùng chung 1 dòng sông bao quanh. dinh cơ của cụ Phú và cụ Mạc nằm trên 2 vạt đất riêng rẽ của 2 làng nhưng đất liền đất và cùng chung 1 khúc sông.
trên vạt đất của cụ Phú, có một ngôi miếu thờ Nam hải thần vương - 1 bộ tướng của Trần Hưng Đạo, khi xưa trong 1 lần đi thám thính địa hình để lập trận đón đầu luộc quân Nguyên Mông phòng khi chúng tháo chạy ở Bạch Đằng Giang, thì có xuôi xuống vùng này rồi dừng chân ở đây và trồng 1 cây đa làm dấu ấn. dân làng ở đây lấy địa điểm ngài dừng chân rồi dựng miếu bên cạnh cây đa để thờ cúng ngài.
cha của cụ Mạc, vốn dòng dõi vương triều nhà Mạc, sau khi nhà Mạc ở Thăng Long và Dương Kinh sụp đổ, phải rút lên Cao Bằng, cha cụ Mạc về đây là để lánh nạn.
tới đời của cụ Mạc, nhận thấy nơi đây là nơi đất lành nên cụ đã quyết việc định cư nơi này.
Rồi cụ quyết định sẽ lập 1 nhà thờ tổ họ Mạc tại nơi này, nhà thờ tổ này sẽ ko đơn thuần chỉ là nơi thờ cúng, mà còn mang ý nghĩa về việc như 1 đền thờ cho 1 dòng họ mới, khai đất lập làng. Dù gì cũng là dòng họ vương triều, tuy hoàn cảnh hiện tại đang phải cải họ, nhưng nhất quyết cái vị thế và tự tôn thì ko thể khác.
Vậy nên nhà thờ tổ này rất quan trọng, sẽ còn mang ý nghĩa khơi nguồn và chấn hưng cho cả dòng họ Mạc ở nơi đây. Cụ Mạc quyết định phái người lên thành nhà Mạc ở Cao Bằng, để xin linh vật về thờ tự, và cũng là để thỉnh 1 thầy phong thủy trên đó về quán xuyến việc đại sự.
1 thầy phong thủy được thỉnh về, người này gốc gác là người dân tộc - gọi tắt là thầy Tộc cho dễ.
Tộc về nhà cụ Mạc, xem xét kỹ lưỡng địa thế và vị trí, làm lễ ở tất cả đền miếu quanh làng để xin phép và linh ứng âm dương, thế rồi quyết định nơi xây cất nhà thờ tổ, sẽ thẳng mạch với miếu thờ của Nam hải thần vương. Sau đó, nhà thờ tổ họ Mạc được dựng lên, rất bề thế và uy nghiêm.
sau khi nhà thờ tổ được dựng lên, quả nhiên gia nghiệp của nhà cụ Mạc càng ngày càng vượng. với những gì mang theo, cụ tậu trâu bò hàng đàn, rồi làm nghề buôn trâu buôn bò, và đây là nghề chính cho sinh nghiệp của cụ. sau dần cụ mua đất tậu ruộng rồi trở thành 1 phú hộ đích thực. sản nghiệp cũng chẳng thua kém nhà cụ Phú.
Nhưng cũng chính việc nổi lên thành 1 thế lực của nhà cụ Mạc ở vùng đất đó, đã khiến cho bên nhà cụ Phú, mà cụ thể là anh em trưởng Đính và cả Trình sinh ra sự hậm hực và kèn cựa.
nhà cụ Mạc giờ trở thành cái gai trong mắt họ, ảnh hưởng đến vị thế của họ tại vùng đất này.
trong đám con của cụ Phú, thì trưởng Đính rất gia trưởng độc đoán, tự coi mình như vua ở cả cái làng ấy. cả Trình thì như cậu ấm sứt vòi, chỉ thích chơi bời, hưởng thụ, hội hè đình đám.
cả Sinh thuộc dạng võ biền, ưa chuyện đánh đấm tỉ thí, học được võ nghệ rồi lúc nào cũng mặt đỏ như vang đi thách đấu khắp nơi.
cô Lý hiền lành nhu mì, theo đúng nếp tiểu thư con nhà giàu có.
Lĩnh khác biệt hoàn toàn với 3 anh, chỉ chú trọng chuyện học hành, thi cử.
mỗi người mỗi tính nhưng được cái 5 anh em rất yêu thương nhau, trên kính dưới nhường.
có lần Sinh đi đấu võ ở tận đẩu đâu, bị táng cho lê lết tím người rồi gặp được 1 người gốc Trung Quốc, người này vừa làm nghề bốc thuốc vừa làm nghề thầy pháp, tạm gọi là thầy Tàu. Tàu chữa trị cho Sinh. rồi Sinh và Tàu kết giao huynh đệ với nhau.
Sinh dẫn Tàu về nhà chơi, cả nhà thiết đãi thịnh tình. trưởng Đính đàm đạo với Tàu, khi hay biết Tàu am hiểu phong thủy, pháp thuật thì ngỏ lời rồi kết tình thủ túc.
thực tế thì sau 1 thời gian ở chơi, thì Tàu và cả Lĩnh cảm mến và thân thiết với nhau nhất.
có lẽ tại vì cả 2 bụng đều đầy 1 bồ kinh thư và hết mực chú trọng con chữ/cây bút, khác biệt với đám còn lại.
trưởng Đính và Tàu đi xem xét địa thế để làm 1 cái ao bát giác trấn trạch, cắt ngang mạch nối giữa miếu thờ Nam hải đại vương và nhà thờ tổ của nhà cụ Mạc.
vạt đất nhà cụ Phú có khu mộ tổ nằm lọt trong 1 vườn toàn cây xoan lâu năm, khu mộ này hướng trực diện với cái ao bát giác, khi nối khu mộ và cái ao, thì như 1 mũi tên đâm xuyên thẳng vuông góc làm gãy mạch nối giữa miếu thờ thần Nam hải và khu thờ tổ của nhà cụ Mạc.
Ao này thông nước với ngoài đồng nhà cụ Phú. thành ra nước trong ao là nước sống, lên xuống theo nước ngoài đồng, chứ ko là nước chết.
xong việc cái ao để tụ thủy trấn trạch thì Tàu tập trung vào việc chữa trị cho cụ Phú.
qua nửa năm sau thì bệnh tình của cụ Phú biến chuyển theo chiều hướng tốt. cụ ko nằm liệt 1 chỗ nữa, có thể ngồi dậy được. tuy vẫn ko thể nói và đi lại, nhưng ít ra cũng đã gật gù ú ớ với chút ít body language với mọi người, tuy rất khó nhọc.
sau đó, Tàu nói với trưởng Đính là sẽ phải đi tìm thêm thuốc cho cụ Phú. Hẹn trong vòng lâu nhất 3 tháng sau sẽ quay lại, dặn Đính ở nhà ko được tự ý làm gì cả. nhất thiết phải chờ Tàu quay về.
Ở nhà, mọi việc diễn ra bình thường. nhưng Đính lại nảy sinh 1 ý định hết sức rồ dại - cũng xuất phát từ việc nhìn thấy nhà thờ tổ của nhà cụ Mạc sừng sững bề thế.
Đính họp hành tất cả mọi người trong gia đình và họ mạc lại, để quyết việc xây nhà thờ tổ.
Có người ngăn Đính nhớ lại lời dặn của Tàu, Đính nghe vậy thì chột dạ, rồi quyết việc chỉ chặt hạ toàn bộ những cây xoan lâu năm để lấy gỗ. còn đâu chờ Tàu về rồi mới khởi công xây dựng.
Khốn nỗi, Đính chẳng kịp chờ Tàu về.
Vườn xoan ấy có 3 cây xoan cổ thụ rất to, mọi cây khác thì đám người ở chỉ cần dùng dao rồi hì hụi chặt, lâu rồi cũng xong. Nhưng 3 cây này thì khác, dùng dao thì dao mẻ hết lưỡi, chặt gỗ xoan mà cứ như chặt gỗ lim vậy. dùng cưa thì cưa cũng gẫy lưỡi. Đính cho người đi tìm thợ chuyên đốn gỗ rừng về. cái đám ấy có thể loại cưa và rìu đặc biệt. đám thợ cưa rồi chặt, khi cây gần đổ thì họ có nghề nên biết chạy về hướng nào để tránh.
Trưởng Đính chạy theo họ thì không, lơ ngơ láo ngáo chạy theo ngả khác, lúc cây đổ cũng là lúc nghe thấy tiếng thét thất thanh của Đính. Mọi người hốt hoảng chạy lại thì thấy nguyên cả cây xoan to vật vã đã đè ngang ngực Đính, dập luôn toàn bộ phần ngực.
Đính mắt trắng dã, trợn ngược, mồm há hốc nằm chết lịm ở đó. Chết chỉ kịp hét chứ ko kịp ngáp.
Mọi người hô hoán hò nhau lại nâng cây để lôi xác Đính ra. Khốn nỗi hò như hò kéo pháo mà nâng ko nổi. trong đám thợ rừng kia có người chột dạ, mới nhắc người nhà Đính chạy ra chỗ mộ tổ gần đó mà thắp hương khấn vái kêu cầu. cả Trình cả Sinh làm theo, rồi sau cũng nâng được cây lên và lôi xác Đính ra. Nhà cụ Phú hò nhau tất bật đi lo chuyện hậu sự cho Đính. Tàu ko có ở nhà, nên họ đành gọi 1 thầy cúng làng để cùng cả Trình quán xuyến việc hậu sự.
hay tin dữ, cụ Mạc cùng thầy Tộc và Quyết sang hỏi thăm.
Thầy Tộc bấm tay xem giờ chết của Đính thì mới nói với cả Trình là bị phạm trùng rồi, và trùng rất nặng, rồi cụ Mạc có nhã ý với Trình rằng để thầy Tộc tham gia giúp việc hậu sự, cũng là để giải cái hạn này.
Đương nhiên là Trình và Sinh ko nghe rồi từ chối thẳng thừng.
Việc hậu sự của Đính diễn ra trong vòng 3 ngày.
Ngày đầu tiên - cũng là ngày Đính chết, mọi việc được chuẩn bị nhanh chóng, xác của Đính được đặt nằm trên giường ở gian trong, bó chân, buộc tay, úp mặt….như bao đám tang bình thường khác.
Đêm đó, có Trình nằm ở gian ngoài nghỉ ngơi để mai còn lo việc. đang đêm thiu thiu, Trình đột nhiên tỉnh giấc vì nghe thấy như có tiếng người đang trườn trên mái nhà.
Trình toan vùng dậy lao ra sân nhưng chân tay bất động như bị trói chặt.
Mắt trợn ngược lên nhìn mái nhà và thấy một lỗ hổng như có ai đã lật tấm ngói lên. Há hốc mồm kinh sợ, Trình nhìn thấy 1 đôi mắt đỏ au từ lỗ ngói ấy đang nhìn thẳng xuống mình kèm theo đó là tiếng thều thào khò khè vọng xuống.
đang cơn sợ hãi tột độ thì Trình tỉnh giấc và thấy cả Sinh cùng mọi người đang vây quanh mình. Thất thần, Trình ngồi dậy và thuật lại mọi việc nãy giờ mình trải qua. Mọi người ngơ ngác đi kiểm tra 1 vòng nhưng chẳng thấy gì như lời Trình nói cả. rõ là Trình mê sảng nên mọi người lại ai về chỗ người nấy, nghỉ còn có sức mai lo việc.
Ngày thứ 2 - ngày khâm liệm và phúng viếng
Mọi việc diễn ra bình thường như bao đám tang khác.
Cho đến đêm, tới giờ động quan của trưởng Đính, Trình + Sinh + Lĩnh + Vĩnh 4 người 4 góc áo quan, động quan xong, vừa hạ quan xuống chưa kịp quay đi thì trong quan tài nghe rõ tiếng lục cục đập vào nắp quan. Tiếng động càng lúc càng gấp gáp, cả đám hốt hoảng hô hoán mọi người tụ tập vào xem sự tình. Người thì cho rằng trưởng Đính sống lại, kẻ thì lại nói có khi là….quỷ nhập tràng, rốt cục thì cũng thống nhất là sẽ bậy nắp quan xem sự thể ra sao.
Nắp quan được bậy lên, cả đám rón rén ngó vào rồi thực sự rùng mình, toàn bộ dây buộc chân buộc tay của trưởng Đính bị đứt hết, 2 tay của trưởng Đính đang bấu miết chặt vào 2 thành áo quan, nhưng sợ nhất là mắt của Đính mở trừng trừng, ko phải màu trắng dã nữa mà là màu xám đen, khóe mắt vẫn còn vương lại vệt máu khô.
Nhưng rất rõ ràng là Đính đã chết, mọi người đều khẳng định điều đó. Nắp áo quan được đóng lại cẩn thận.
Đêm đó, cả Trình ko dám nằm 1 mình nữa mà rủ thêm cả Sinh ngủ cùng.
Phần vì cả ngày lo chuyện phúng viếng mệt, phần vì an tâm có cả Sinh nằm cùng, Trình cũng mau chóng chìm vào giấc ngủ.
Trình lại tỉnh giấc, quay sang Trình thấy rõ Sinh đang nằm cạnh mình, và Trình cũng nghe rõ âm thanh của 1 đám người đang lục cục vừa lê trườn vừa rì rầm to nhỏ trên mái nhà. Trình toan quay sang gọi Sinh dậy nhưng bất lực, cả thân thể cứng đơ như đang bị cả đám ai đó giữ chặt tay chân. Trình cắn chặt răng lẩy bẩy im lặng, tiếng lạch cạch mở ngói vang lên, lỗ hổng dọi thẳng vào chỗ Trình nằm. cặp mắt đỏ au lại xuất hiện và nhòm xuống, nhưng lần này là kèm theo bao tiếng phì phò đang phả xuống, lẫn trong đó là văng vẳng tiến gọi tên của Trình, lần này Trình nghe rõ.
Cả Sinh thức giấc thấy anh mình đang quằn quại thì vỗ mặt Trình liên tục, rồi hô hoán mọi người xúm lại. cả Trình tỉnh dậy, mặt cắt ko còn giọt máu, run lẩy bẩy kể lại toàn bộ cho mọi người nghe và cứ ông ổng kêu lên “anh Đính về…anh ….Đính…về”
Chiều theo ý của Trình, mọi người lại đi 1 vòng kiểm tra, leo cả lên mái nhà mà kiểm tra. Và cũng chẳng thấy gì.
Ngày thứ 3 - ngày an tán cho trưởng Đính
Hôm đó cả Trình như người mất hồn, Trình như 1 cái xác vật vờ lúc tỉnh lúc mê, gặp ai cũng kể tường tận những gì mà 2 ngày hôm qua Trình trải qua.
Khi mọi việc cúng bái 3 ngày cho trưởng Đính xong xuôi, đêm đó, mọi người bàn nhau cắt cử để ngủ cùng với Trình. Cả Sinh lại ngủ cùng với anh mình.
Lạ thay, đêm đó Trình ko còn la hét nữa, mà ngủ rất im lìm.
Nhưng đến gần sang, lại thấy tiếng lục đục quẫy đạp giường chiếu. cả Sinh thức giấc thì thấy Trình đang co quắp chân tay, mắt trợn ngược, miệng ngáp ngáp và thở ra những tiếng như nửa nấc, nửa khóc, có xen lẫn tiếng khè…..ee….è kéo dài.
Cả Sinh lay Trình dậy, hô hoán người nhà lại xem sao.
1 hồi sau người của Trình bắt đầu mềm ra và ko co quắp nữa, Trình nằm đó buông thong tứ chi, nấc lên vài tiếng rồi máu từ mắt, mũi, miệng ứa ra, rồi tắt thở.
3 ngày, 2 mạng người, mọi người trong tâm trạng bàng hoàng lại lục đục kéo nhau đi lo hậu sự cho cả Trình.
và đó cũng chỉ là sự bắt đầu cho cả dây trùng...
em lại lạch xạch tiếp hầu cccm nhân ngày vô cùng đẹp: t6 ngày 13 dương lịch của tháng 7 âm lịch
....
sáng hôm 49 ngày của trưởng Đính
mọi người ở nhà lo công việc cúng lễ, cô Lý và Nấng dẫn Vĩnh và Thịnh ra chùa và miếu thành hoàng làm lễ.
xong xuôi gần tới trưa, 4 người băng qua đồng mà ra về. đang trên đường, trời mùa hè xanh ngắt ko gợn mây, ấy thế mà bỗng nhiên sấm ở đâu rền vang - là sấm cạn. 4 người rảo bước nhanh về nhà, Vĩnh dẫn Thịnh đi trước, Nấng và cô Lý tiếp bước theo sau.
1 tiếng sấm rất to nổ ra, bỗng đâu từ đàn trâu đang ở gần đó, có con trâu đực lừng lững đen trù trũi, mắt đỏ ngầu tách đàn cứ nhằm hướng 4 người mà rầm rầm lao đến đuổi húc.
cô Lý và Nấng cuống quýt lao xuống ruộng, trâu điên nhằm hướng 2 anh em Vĩnh Thịnh mà đuổi.
đám người làm công ở đó đang làm đồng thấy vậy hò nhau đuổi đánh trâu để giải thoát cho 2 anh em. mà trâu điên như bị nhập cứ cắm đầu dũi và húc 2 anh em, mặc cho vây quanh là bao nhiêu gậy gộc đòn gánh nện lên mình. hệt như trâu điên đang quần thảo chọi nhau vậy.
được 1 hồi thì sau khi con trâu chạy đi, mọi người nhìn thấy 2 anh em nằm chất chồng lên nhau mà ko khỏi cám cảnh.
Vĩnh bị sừng trâu đâm cho toác 1 lỗ rộng bên mạn sườn. còn Thịnh bầm dập, gãy xương cổ, đầu ngoặt hẳn sang 1 bên. Cả 2 chết mà mắt trợn tròn lòng trắng và mồm há hốc.
cô Lý và Nấng thất thanh gào thét, mọi người hò nhau khiêng xác 2 anh em về nhà.
Tin dữ dồn dập đến nhà cụ Phú, con trưởng + con thứ + cháu trưởng + cháu thứ, cả thảy 4 mạng người, trong vòng 49 ngày.
Cả nhà cụ Phú mong Tàu về như nắng hạn mong mưa.
May sao Tàu xong việc về sớm hơn dự tính. Về đến nơi nghe được tường tận câu chuyện, ai bị chết ra sao, ai được chon cất như thế nào, rồi cả việc nhà cụ Mạc sang hỏi thăm mà phán bị trùng tang, Tàu bấm tay 1 hồi, Tàu nói với cả nhà là thầy Tộc bên cụ Mạc nói đúng rồi, trùng tang rồi, và còn trùng rất nặng nữa, cần phải hóa giải ngay. Cả Sinh lúc đó mới chột dạ ngồi im bó gối 1 chỗ.
Mọi người dẫn tàu ra nơi chôn cất của 4 người kia, rồi cả vườn xoan nữa. tối đó về tất cả họp lại để Tàu phân công việc, chuẩn bị những vật dụng cần thiết. đại để thì,
_ toàn bộ gỗ xoan được chặt, sẽ được dùng để,
+ đóng mới 7 bộ áo quan
+ mỗi bộ áo quan sẽ đi kèm gồm 12 thẻ bài nhỏ và 2 thẻ bài to cùng 1 tấm bài vị
_ chỉ ngũ sắc
_ cọc tre, loại tre đực
_ giấy hoàng chỉ dùng làm bùa chú, và các vị thuốc cần thiết
_ 4 hình nhân thế mạng
...
Việc cần làm ngay hôm đó, là giết gà, giết chó... rồi Tàu lấy máu để vẽ lên tất cả những cánh cửa, cánh cổng của dinh cơ nhà cụ Phú.
Đêm hôm đó Tàu chong đèn sáng thâu đêm, sáng ra Tàu đưa cho con cháu nhà cụ Phú mỗi người 1 túi bùa đeo bên mình, và dặn đi đâu, làm gì cũng phải mang theo, ko được quên.
Em nghe như nuốt từng chữ, và lẩm nhẩm trong đầu rồi nhanh nhảu hỏi cụ Trưởng
Em: thế mấy tấm thẻ bài kia dùng làm gì thế hả cụ ? rồi sao có 7 bộ áo quan, tương đương là 7 tấm bài vị mà lại chỉ có 4 hình nhân thế mạng ?
Cụ Trưởng: 12 tấm thẻ bài nhỏ dùng để khắc lên đó tên của thập nhị thời thần
2 tấm thẻ bài lớn hơn thì khắc chữ lên đó để thành như 1 cặp câu đối vậy
4 bộ áo quan cùng 4 hình nhân là để dành cho những người đã chết: trưởng Đính, cả Trình, cậu Vĩnh, cậu Thịnh
3 bộ áo quan còn lại là để dành cho 3 người sống là cả Sinh, cô Lý, cả Lĩnh
7 tấm bài vị thì đương nhiên ghi tên của 7 người rồi.
Em: oh hay, thế còn cụ Phú và cả con gái trưởng của trưởng Đính nữa, thế là thiếu mất 2 bộ ah ?
Cụ Trưởng: ko rõ ra sao, nhưng sau khi cậu Vĩnh chết, thì vợ của trưởng Đính cùng cô con gái bỏ đi về bên ngoại và cắt đứt toàn bộ liên hệ với nhà cụ Phú. Chắc vậy nên ko làm. Mà vấn đề oái oăm là ở 3 cái bộ áo quan dành cho người sống đây này
Em: sao hả cụ ? ah, hay là mộ gió rồi rắc tỏi xuống đó ?
Cụ Trưởng: không ! là mộ thật, nhưng sẽ ko chôn người chết hay hình nhân thế mạng, mà là chôn người sống
Em: oắt đờ đệk, kí rì cơ ? thật á
Cụ Trưởng: thì thật. 3 người sống này sẽ thế thân cho 3 người còn lại, 3 người này phải hợp tuổi, có quan hệ huyết thống trong dòng họ, chứ người dưng thì ko thể được.
Nhưng ko phải cứ thế kiếm người rồi chôn sống họ đâu.
Theo hướng dẫn của Tàu, thì cả Sinh và cả Lĩnh sẽ đi lùng sục khắp các chi các nhánh của dòng họ, càng gần càng tốt và phải có huyết thống nội tộc, rồi tìm 2 trai dành cho Sinh và Đính, còn 1 nữ thì dành cho cô Lý.
Tìm người nào mà họ bị bệnh tật hiểm nghèo, vô phương cứu chữa, hoặc những người nào chỉ còn nằm chờ chết, thì cho nhà người ta tiền vàng, rồi mua người đó về, cho uống thuốc để ngủ, rồi ngậm sâm, sau đó mới cho nhập quan.
Em: vãi chưởng thật. đời nào nhà người ta chịu vậy ?
Cụ Trưởng: thế chú ko biết. cái thời đó thì bần nông nhan nhản ra, nhà nào cũng cả đống người, mất người này còn người khác, mạng bần nông thì quan trọng gì đâu. Phải cái nhà có người ốm đau chờ chết như vậy, ăn còn chẳng có, tiền đâu chữa thuốc. thế rồi tự nhiên có người rước đi cho, có chỗ chôn cất đẹp đẽ, nhà lại có tiền sinh sống, có khi được vậy lại còn đội ơn. Ngẫm mà xem có lý ko ?! chỉ là tao đoán dù là thời nào thì chuyện vô cớ bắt người đang sống đem chôn thì khác gì giết người, đều là việc thất đức nghịch đạo, sợ gặp quả báo nên mới phải chuyển sang thành như vậy. thành ra vẫn có người sống để chôn, mà tính ra lại là giải thoát sớm cho người ta cảnh khổ ải bệnh tật sống dở chết dở. cái khó là sao tìm được người hợp tuổi ấy.
Em: ứ hự ậm ừ (nhưng quả thật em đệk tin nổi, có khi đây là do thời gian đã quá lâu, rồi cứ truyền miệng nhau, thế rồi sinh ra dị bản tào lao) - Nhưng sao lại phải là người sống nhỉ ?
Cụ Trưởng: chắc ngoài việc trấn trùng ra, thì còn mục đích khác mà cần đến oán khí của người bị chôn sống. mà tao nghe kể vậy thì đoán vậy. để tao kể tiếp hẵng.
Sau khi chuẩn bị xong xuôi đâu đó, thì Tàu đi chọn chỗ cho 7 cái quan tài kia. Vị trí được chọn là thuộc luôn khu vườn xoan mộ tổ, vị trí của từng ngôi mộ cũng được chọn và đánh dấu lại cẩn thận, tuy nằm rải rác không theo hang lối nhưng nhất thiết phải đúng vị trí mà Tàu đã chọn, đào sẵn chờ ngày hạ huyệt.
Tới ngày tới giờ đã chọn thì cả nhà cụ Phú cũng Tàu ra ngoài khu mộ chôn 4 người đã chết. trời tối thui, cơ man nào đuốc sáng được thắp lên sáng rực cả 1 vùng nghĩa địa.
Lần lượt từng ngôi mộ được quật lên để Tàu trấn yểm lại cẩn thận cùng với những cọc tre, chỉ ngũ sắc, linh phù bùa chú, các vị thuốc…… sau đó lấp đất lại.
sau đó cả đám người tức tốc về nhà. việc phải được hoàn thành trước giờ Tỵ.
Với 7 chiếc quan tài đã chuẩn bị sẵn, 12 thẻ bài của thập nhị thời thần cùng cặp thẻ bài câu đối được gắn liền vào mặt trong của áo quan. 4 hình nhân thế mạng và 7 bài vị được quấn chặt bởi chỉ ngũ sắc được đặt vào trong áo quan, kèm theo đó cũng là các bùa chú linh phù cùng các lớp vị thuốc được trải bên trong.
4 chiếc áo quan có 4 hình nhân thế mạng bên trong được hạ huyệt và lập mộ.
3 chiếc còn lại, vẫn chưa tìm được người thế thân nên vẫn là….. “của để dành”
Mọi việc sắp xếp đâu vào đó, trong thời gian chờ đợi tìm được người thế thân, Tàu trở lại tập trung việc chạy chữa cho cụ Phú. Cả Sinh và cả Lĩnh cùng cai quản việc nhà.
Sau khi Vĩnh và Thịnh chết thì vợ của Trình dọn sang ở cùng với cô Lý, Nấng cũng sang làm hầu gái kề cận cho 2 cô.
Gần tới 100 ngày của trưởng Đính, ai ai cũng trong tâm lý nơm nớp lo sợ, theo cái dớp 49/100 ngày như vậy rồi ko biết ai sẽ là người kế tiếp. song, mọi việc trôi qua êm thấm, ko có gì đột biến xảy ra. Mọi người tạm thở phào.
Theo đó là tin mừng với nhà cụ Phú, mất bao công sức tìm kiếm, chờ đợi, họ cũng kiếm được 2 người 1 nam, 1 nữ trong dòng tộc, hợp tuổi với cô Lý và cả Lĩnh.
2 người này được mang về nhà cụ Phú trong tình trạng nay sống mai chết, rồi họ cho ngậm sâm và uống những thang thuốc “thảo dược”, những thang thuốc này được chính tay Tàu bốc, 2 người này được chăm chút đúng kiểu phụng dưỡng ông bà những ngày cuối đời, da dẻ trở lên hồng hào hơn, sắc thắm khí nhuận hơn, nhưng họ luôn trong tình trạng mê man, li bì.
Nhà cụ Phú chăm họ liên tục 7 ngày như vậy, rồi mang họ đi….. “nhập quan”
2 trong 3 chiếc áo quan để dành đã được sử dụng, chỉ còn 1 cái của….cả Sinh.
Thời gian tiếp sau, nhà cụ Phú phần nào đã được “ hồi sinh”, không khí trong nhà ko còn quá ngột ngạt và nặng nề bởi tang tóc. Tưởng rằng rồi đây mọi việc thế là ổn. song chẳng được bao lâu, thì hiện tượng lạ xảy ra, đám gà vịt cứ từng chút…từng…chút mất mát, đêm đến có những lúc chó sủa mèo kêu ầm ĩ, sau đó chúng tìm chỗ chốn rồi chỉ ư ử rên rỉ. gà vịt quác quạc nháo nhào như chạy loạn, lợn trong chuồng rống eng éc từng hồi thảm thiết như bị chọc tiết…..tuy nhiên tất cả chỉ đổ dồn đoán rằng là do rắn hay cáo vào phá quấy, họ cắt cử người thức đêm canh chừng.
Kèm theo đó, cả Sinh vốn người ưa võ nghệ, đang khỏe mạnh, hoạt bát, thuộc diện tăng động thì bỗng tự nhiên trầm tính hơn hẳn, đòi tàu và cả Lĩnh dạy thơ phú kinh sử. thêm nữa thời gian này cả Sinh sinh hoạt rất thất thường, thường hay ra khu mộ vườn xoan, ngồi đó 1 mình. Đã bao phen Tàu và Lĩnh phát hoảng mà chạy đi tìm, gọi mãi mới thấy Sinh lóp ngóp chui lên từ cái huyệt đào sẵn còn lại. Sinh kêu “ở dưới đó mát lắm, ko nóng như trên này”
Biết có sự chẳng lành, Tàu làm thêm bùa rồi bắt Sinh đeo, Tàu và cả Lĩnh thay nhau bám sát Sinh. Lúc Tàu bận chữa chạy cho cụ Phú thì Lĩnh trông. Lúc Lĩnh đi quán xuyến công việc thì Tàu trông, cốt làm sao để cho qua giỗ đầu của trưởng Đính. Nhưng đêm đến thì chẳng ai có thể trông chừng Sinh được cả. cố tình lảng vảng gần Sinh là Sinh nổi đóa lên đuổi đánh, rồi tự nhốt mình trong phòng cho đến tận sáng hôm sau.
Đêm hôm đó, 1 đêm im lặng như tờ, ko khí tuy mùa thu mà oi nồng ngột ngạt. vợ cả Trình, Nấng và cô Lý đang nằm nửa tỉnh nửa mê thì trở mình dậy vì nghe thấy tiếng vọng u….huuu…uuuu từ đâu dội về, tiếng vọng xuất phát từ phía bãi tha ma ngoài đồng, nơi chôn 4 người nhà của họ. kèm theo đó là tiếng lạch cạch như ai đó đang đi rón rén dò dẫm lên lớp ngói của mái nhà để tìm kiếm điều gì.
Cô Lý và vợ Trình sợ run rẩy, ngồi thu lu bó gối góc giường, cô vừa nấc, vừa thì thầm bảo Nấng đi chạy gọi mọi người dậy. Nhưng Nấng nào có khá hơn, ngồi mép giường mà mồ hôi túa ra, run cầm cầp, chân như bị mang chì đeo thêm đá, bước đi chẳng nổi. 3 cô gắng gượng mãi mới bò lại được chỗ nhau mà ôm nhau run rẩy.
Bẵng đi 1 hồi im ắng, bỗng đâu tiếng cọttt…tt … kẹttt…tt… từ phía cánh cổng mở ra, 3 cô hé cửa sổ mà hướng mắt theo. 1 bóng đen thù lù đang khẽ lách qua cánh cổng gỗ, rón rén nhón chân đi vào.. Bước qua khỏi cánh cổng thì bóng đen đó đi mà như lướt.
Bóng đen đó đi đến từng cánh cửa của từng gian phòng, đứng im ngó nghiêng 1 hồi, rồi mau chóng vụt thẳng về phía đằng sau nhà.
Đằng sau nhà, khu chuồng trại, tiếng gà vịt quàng quạc kèm tiếng lợn rống tán loạn ầm ĩ trong đêm. Loáng ngay sau đó, 3 cô lại thấy bóng đen vừa nãy vụt chạy về hướng cổng. tiếng hô hoán ầm ĩ, rồi đèn các gian phòng cũng sáng, mọi người ùa ra. 3 cô lúc này mới bật tung cửa sổ mà vẫy mọi người chỉ hướng cổng để mọi người đuổi theo.
Mọi người tay gậy gộc tay đòn gánh ùa ra đuổi theo, 3 cô sợ ở nhà 1 mình rồi cũng vùng dậy chạy theo mọi người.
Búa xua đi tìm và lung sục, bỗng có tiếng gọi thất thanh đến lạc cả giọng ở phía khu mộ 4 người. mọi người chạy đến đó thì cảnh tượng diễn ra khiến người nhẹ thì lợm giọng, nặng thì ói mửa, cả Sinh ngồi bên đống mộ, 2 tay 2 con gà, 1 trống, 1 mái, ngấu nghiến hết bên nọ đến bên kia, trông nhôi nhể man rợ đến phát tởm.
Mọi người ko ai dám vào gần, cả Sinh thì cứ ngồi đó mà mắt trợn ngược nhìn mọi người, mồm vẫn nhồm nhoàm be bét máu tanh. Cả Lĩnh và Tàu trông thấy vậy cũng ko dám vào, Tàu nhìn thấy 2 túi bùa ko có ở bên mình của Sinh, như đoán điều gì đó, bèn khe khẽ bảo cả Lĩnh kêu người tìm dây chão, và bảo Nấng chạy về nhà lấy thêm dây ngũ sắc để bện quấn vào dây chão.
Sinh vốn khỏe như trâu, lại có võ, mà đặc biệt trong tình cảnh này thì chẳng ai dám solo vào trói Sinh cả, kể cả là Tàu. Vậy là cả đám hò nhau a lô xô xông lên úp sọt cả Sinh. Cả Sinh như bị ai nhập vốn đã khỏe nay còn khỏe hơn, vùng vẫy chống cự, ấy thế mà khi sợi dây chão bện thêm dây ngũ sắc quàng được vào người thì ré lên đau đớn, rồi từ từ lịm dần.
Mọi người trói cả Sinh lại rồi hò nhau dẫn độ về nhà.
Về đến nhà, Tàu tức tốc làm pháp trừ tà cho cả Sinh, cả Sinh ọc ra 1 đống thịt sống cả lông lá đen sì tanh hôi, và từ từ gục dần. cả Sinh được khiêng lên giường, Tàu đeo lại 2 túi bùa cho Sinh, rồi cắt cử người đêm nay ở lại trông chừng.
Sau cả đêm vật lộn với ông võ biền này thì mọi người cũng cạn sức, tất cả đi nghỉ. Có sao mai tính tiếp.
Sáng hôm sau cả Sinh tỉnh giấc, mọi người xúm lại hỏi thăm thì Sinh cứ khềnh khệch nhe răng ra mà cười, vừa cười vừa nói “quỷ đấy, quỷ mượn xác đấy. chứ người ai đi ăn thịt sống”. đám người cả kinh, chẳng dám nói câu nào thêm. Tàu quyết định ban chiều sẽ cúng trừ tà cho Sinh. Mỗi người 1 công 1 việc chia nhau đi làm. Sinh lủi vào phòng đóng cửa lại đi nằm.
Tới gần trưa, Nấng ko thấy Sinh xuống ăn cơm thì mới chạy sang gian phòng Sinh để gọi, Nấng đứng cửa gọi nhưng gọi mãi chẳng ai thưa. Nấng hộc tốc chạy đi gọi người, mọi người chạy tới và Tàu xô cửa xông vào phòng trong, đập vào mắt mọi người là cả Sinh đã thắt cổ tự tử từ bao giờ, dùng chính cái sợi dây chão đem qua mà vắt lên xà nhà để thắt cổ.
Mắt Sinh lồi hẳn ra, trắng rã, ngước lên trần nhà, mặt mày tím tái. Mọi người hò nhau hạ Sinh xuống, nhưng Sinh đã tắt thở từ lúc nào. Khi hạ Sinh xuống, máu mắt máu mũi Sinh ộc ra, giống hệt như với cả Trình.
Việc hậu sự của Sinh, lại được lục đục tiến hành.
Sinh được chôn cất ở khu mộ ngoài đồng cùng với 4 người kia.
Chiếc quan tài còn lại đã chuẩn bị sẵn, nay được bổ sung thêm 1 hình nhân thế thân, rồi đem chôn và lập mộ tại vị trí đã định trong khu mộ tổ vườn xoan.
Chưa đầy 1 năm, 5 mạng người toàn đích tử đích tôn của nhà cụ Phú toàn bị cái chết đột ngột.
Liên tiếp những giỗ 49/100 sau đó được diễn ra. Rồi tới tròn 1 năm giỗ đầu trưởng Đính, cả thời gian ấy ai ai nhà cụ Phú cũng nơm nớp lo sợ và bất ổn.
Nhưng ko còn cái chết nào xảy ra nữa.
Cả Lĩnh lúc này lĩnh vai trò là trưởng, quyết định giao lại khu đất và gia nghiệp này cho 1 vị trưởng chi dưới trong họ. rồi cả gia đình kéo nhau đi nơi khác.
Cô Nấng ko đi theo, cô về với bà Nuôi, rồi sau đó sang ở bên nhà cụ Mạc, rồi….làm phận thiếp ở bên đó.
Em: rồi sao nữa cụ ?
cụ Trưởng; thì hết rồi
Em: oh hay, đấy là đằng nhà cụ Phú, thế còn đằng nhà cụ thì sao ? chửa thấy kể gì mấy.
Tỉ như chuyện cái ao kia ntn ? ảnh hưởng ra sao đến nhà cụ ? rồi giờ cái ao ấy đâu ?
Mà rồi có chuyện gì tiếp theo với người kế nghiệp nhà cụ Phú ko ? cháu hỏi vậy là vì liên quan đến chuyện nhà ông S, thấy bảo đào được….
Cụ Trưởng: đào được vàng chứ gì ? cái đó thì đúng, và bắt nguồn lại là từ cái ngành kế nghiệp về sau kia kìa. Và đó phải gọi là Ác nghiệp mới đúng. Còn chuyện cái ao và bên nhà tao, cả chuyện cái chùa cổ ở đây, sư ko ở được mà chỉ có thầy pháp trụ được, bị quỷ ám ra sao….từ từ rồi tao kể cho chú nghe. Thế mới gọi là đất lắm thầy nhiều ma.
Em: quất luôn đi cụ cho liền mạch
Cụ Trưởng: thôi, đâu mà vội, tối nay ở đây ăn cơm với tao. Chú còn về đây, thì vẫn còn có tao kể cho nghe.
Mà nói thêm, mảnh đất ấy hợp với chú lắm, trừ khi vạn cùng bất đắc dĩ, để giải quyết hạn gông cùm hay sinh tử thì đành chịu, nếu ko, còn chú còn tao, cứ đợi mà xem.
Em: cười xòa….rồi tiếp lời - đất này cũng gớm cụ nhỉ ?
Cụ Trưởng: đất vượng đấy. mà tóm lại chẳng có đất nào tự nhiên mà dữ mà nghịch cả, suy cho cùng cũng là do con người sống trên đó cả thôi.
Kể như ngay cả đằng nhà cụ Phúc hay nhà tao đi nữa, cái lý Khi cực thịnh cũng là lúc khởi suy, theo đúng lẽ Mặt trời tới giữa rồi sẽ xế tà/ Mặt trăng sau tròn rồi cũng khuyết vành, thì chẳng có gì là mãi mãi trường tồn cả. thuận theo tự nhiên như vậy mà sống.
Em:....