Điểm đóng quân đầu tiên lên thăm - làm việc là đảo chìm Đá Lớn A.
-----------------------------------------------------------------------------
Mời các bác đọc bài nhà cháu viết về riêng đảo:
http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2013/05/a-lon-yeu-thuong_5222.html
ĐÁ LỚN YÊU THƯƠNG
Bình minh trên biển, phía trước là Đá Lớn và toàn tàu đã báo thức, háo hức đợi chờ
Mai Thanh Hải - “Tháng 3 bà già đi biển” – Cứ ngỡ là như vậy nên khi bước chân xuống tàu từ Quân cảng Cát Lái (TP.HCM), cứ… khinh khỉnh với con tàu mới đóng, đưa vào sử dụng, đầy đủ tiện nghi như trong khách sạn 3 sao, bởi “nó” chả là gì so với những tàu vận tải cũ kỹ mà mình đã ra với Trường Sa những đợt trước.
Thế nhưng, lịch xịch chạy khỏi sông Sài Gòn, ra đến cửa Vũng Tàu, dần thấy xa mờ nhà cửa lúp xúp dưới chân núi Bãi Trước, mới thấy là càng đi tàu mới, đầy đủ tiện nghi trong điều kiện thời tiết xấu, sẽ khổ cực và mệt mỏi thế nào.
Đá Lớn, nhìn từ ngoài tàu vào
Biển động, nâng lên cấp sóng 3. Nếu đi những HQ-936, HQ-996, Trường Sa 20… tuy rằng cũ kỹ nhưng độ dằn cao, thì chả là cái gì cả. Nhưng tàu mới đóng cao ngất nghểu, ra biển gặp sóng ngang, dập dềnh nghiêng ngả như bao diêm, làm đa số những người mới đi biển lần đầu, say vật vã, nằm bẹp trong phòng nôn thóc tháo hoặc ngủ li bì, tổ phục vụ của tàu chán nản nhìn những mâm cơm không người ăn, buồn xo.
Sóng ngang, tàu chạy chậm, liền tù tì 2 ngày đêm lang thang, mới ra đến điểm đầu tiên của hải trình, là đảo Đá Lớn. Đêm thứ 2 li bì, chỉ chợt tỉnh khi neo tàu roan roạt thả xuống biển và ánh sáng trắng, hửng ngoài ô cửa như mời gọi, hỏi đòi: “Này! Dậy đi, chúng tớ thức sớm đợi rồi đấy!”…
Chạy lên boong, phía Đông đã hừng lên những tia vàng lấp lánh, như cuộn chiếu, rửa mặt cho mặt trời đỏng đảnh, rũ nước nhô lên từ lòng biển và phía mạn phải tàu, chới với 3 căn nhà lâu bền của bộ đội, đứng đó canh giữ biển quê hương, xung quanh là tàu trực – tàu cá đầm ấm sum vầy.
Đợi xuồng CQ ra đón
Đảo Đá Lớn nằm ở 100 4’ 30” độ vĩ Bắc , 1130 51’ độ kinh Đông.
Cách đảo 20 hải lý về phía Đông Bắc là đảo Nam Yết.
Bãi Đá Lớn nằm chạy dài theo hướng Bắc-Nam, chiều dài nhất của bãi khoảng 15km và chiều rộng trung bình 2km, diện tích ước chừng khoảng 28,5 km2, thềm san hô của đảo kép kín, ở bên trong bãi có 1 hồ; lòng hồ có chiều dài khoảng 10km, chiều rộng khoảng 1km.
Khi thủy triều lên cao toàn bãi ngập nước, khi thủy triều xuống còn 0,5m trên bãi có nhiều đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước.
Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam ghi rõ: Chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh Hải quân về thực hiện nhiệm vụ CQ-88, Lữ đoàn 146 Hải quân đã khẩn trương thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn và phức tạp.
Ngày 28 tháng Giêng năm 1988, tàu HQ - 614 nhận quân và vật liệu đi Đá Lớn làm nhiệm vụ đóng giữ đảo.
Tàu HQ - 614 đến Đá Lớn ngày 14-2-1988, sang ngày 15-2-1988 được lệnh ủi bãi cạn phía Tây Nam đảo.
Đến ngày 13-3-1988 hoàn thành xây dựng nhà cấp 3 cho đảo. Cán bộ chiến sỹ nhanh chóng ổn định sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.
Đá Lớn là cụm đảo chìm 3 điểm, khác với các đảo nổi ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác từ nước mưa và vận chuyển từ đất liền ra.
Những năm gần đây do được trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động bảo đảm được 100% nhu cầu nước sinh hoạt.
Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Lớn phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ.
Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm, song nhờ các biện pháp sử dụng nước ngọt tiết kiệm khoa học và phù hợp trong sinh hoạt cán bộ chiến sỹ đảo Đá Lớn đã thực hiện tốt công tác trồng rau xanh.
Tổng sản lượng tăng gia năm 2010 của đảo đạt gần 50 triệu đồng. Trong đó, rau xanh trên 8 ngàn kg, cá các loại trên 1 tấn và thịt các loại gần 400 kg.
Cũng như một số đảo chìm khác, cán bộ, chiến sỹ trên đảo còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và học tập công tác, nhưng với tinh thần “Đảo là nhà, cán bộ chiến sỹ đều là anh em”, những năm qua cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Chẳng hoa nào sống nổi ở đây đâu, nên phải làm hoa giả
Trải qua hơn 20 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ của đảo Đá Lớn đã lập được nhiều chiến công góp phần tô thắm truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền”của Đoàn Trường Sa anh hùng. Năm 2000, 2007 đảo được Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”.
Hiện nay, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Lớn từng bước được cải thiện. Các điểm đảo được trang bị máy thu hình, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới.
Trên các điểm đảo có tủ sách, báo với gần 1.000 đầu sách và trên 20 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật... qua đó nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Quý nhất là rau
Đá Lớn không lạ với mình. Ít nhất thì cũng qua với đảo năm 2008, ở cả buổi chiều với bộ đội, xong mới rút ra HQ-996. Cũng ở đảo, liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng đã hy sinh khi ở tuổi 18 và năm rồi, mình cùng các đồng nghiệp đã góp sức đưa được cháu Hùng về chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ quận Ngô Quyền, Hải Phòng, sau gần 10 năm cháu nằm lại đảo và quận Ngô quyền không muốn nhận hài cốt.
Vì vậy, thân thuộc với Đá Lớn lắm lắm.
Ở với đảo, lại 1 buổi sáng, quây quần cùng bộ đội, háo hức đợi Đoàn Công tác đầu tiên trong “mà đi thăm đảo” 2013, chứng kiến cảnh những sĩ quan trẻ, lấp lánh Thiếu úy, Trung úy vàng rực trên quần phục trắng lóa điệu đà, nhưng cứ lóng ngóng bởi: “Có Đoàn ra thăm, mới có dịp mặc quân phục chỉnh tề!”; những gương mặt đen cháy, trơ ra gian khổ sau bao ngày bão gió, bỗng đỏ bừng, luống cuống núp sau lung đồng đội, đùn đẩy nhau: “Ra đi! Ra đi kìa!” khi mấy em văn công xung kích của Đoàn Ca Múa nhạc Thăng Long (Hà Nội), Đoàn Quảng Trị dạn dĩ khoác tay chụp ảnh chung…
Gừng trồng trên cát
Và ở Đá Lớn, trên tầng 2 điểm A, ngoài hiên nhà có 2 bồn hoa nặng trịch bê tông nhưng bên trong chỉ duy nhất trồng 1 cây gừng cao chừng 4 đốt tay, thân bé tý, lá mỏng mảnh cháy sém. Mỏng mảnh quá, khi phải chấp nhận sống ở trong cát, thay vì đậm đà hương đất, nên bộ đội phải cưng nựng, cắm bên cạnh cây xương rồng quen thuộc, cho thân gừng quện chặt, không xiêu vẹo trước bão táp – mưa sa.
Chợt nhớ đến câu “gừng cay muối mặn xin đừng quen nhau”, khi câu hát “Người ơi người ở đừng về”, thánh thót vút lên lúc buổi trưa, của ca sĩ nào đó khi rời đảo và giọt nước mắt ánh lên màu trắng muối của Đại úy Phượng Đảo trưởng, khi đứng nghiêm trên bờ đảo, giơ tay chào ngang vành mũ những người khách qua thăm, đến khi xuống đã xa, vẫn thấy bóng cao gầy nghiêm trang cùng Đảo.
NHớ đất liền qua hình bóng vợ con
Và Phượng cũng như bao người lính ra với biển từ vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ, thân thuộc với lúa vàng – gừng cay, có thể mỏng mảnh trước gió khi lần đầu ra với biển, nhưng được chở che cùng xương rồng – mẹ Biển, sẽ quện chặt lòng, ngẩng cao đầu mãi mãi bảo vệ Đá Lớn thương yêu…