Cái sai của cụ
goodbyept cũng là cái sai của rất nhiều người, kể cả người làm trong ngành tài chính và trong sách giáo khoa kinh tế. Cái sai này có nguồn gốc từ kiến thức về hệ thống tiền tệ dựa trên tiêu chuẩn vàng (gold standard) mấy chục năm trước, nhưng đến bây giờ thì đã hoàn toàn lạc hậu và sai biệt so với thực tế của hoạt động ngân hàng và khái niệm về tiền thời nay.
Cái sai của cụ dựa trên 2 ngộ nhận cơ bản: (1) ngân hàng chỉ có vai trò trung gian, và chỉ có thể cho vay nếu như có người gửi tiền vào; (2) tiền không thể được "tạo ra" từ không gì cả, và ngân hàng trung ương quản lý lượng tiền trong nền kinh tế.
2 ngộ nhận này, nghe qua thì rất có lý bởi vì chúng phù hợp với trực giác và logic của phần lớn đám đông, nhưng trên thực tế, hoạt động của ngân hàng trong thị trường tài chính hiện đại gần như đi ngược lại với cách hiểu này.
Thứ nhất, các anh đầu mượt trong ngân hàng không ai ngồi chờ cụ X trúng 1 triệu tiền xổ số bỏ vào rồi mới cầm tiền đó đi cho em vay. Ngược lại, chính ngân hàng quyết định trước sẽ cho vay bao nhiêu dựa trên triển vọng lợi nhuận của hoạt động này, và quyết định cho vay này sẽ tạo nên số lượng "tiền gửi" trong ngân hàng.
Cụ thể, khi em ra ngân hàng vay 10 triệu, thì cái mà cụ gọi là kế toán kép - double entry trong sổ sách của họ sẽ như thế này: tài sản của ngân hàng tăng lên 10 triệu (từ khoản cho em vay), nhưng nợ của ngân hàng cũng tăng đồng thời lên 10 triệu (vì đó là tiền của em cho vào tài khoản của em ở ngân hàng). Đây chính là cái mà bọn giãy chết gọi là "create money from thin air", tức là in ra tiền từ không khí.
Để em đưa tranh ảnh ra cho các cụ dễ hình dung - hình ở dưới cho thấy sự thay đổi về cán cân tài chính của ngân hàng và người đi vay sau khi hoạt động vay nợ diễn ra. Các cụ có thể thấy, việc cho vay không bị hạn chế bởi lượng tiền mặt ngân hàng phải có trong két sắt (currency) hoặc lượng phải gửi ở ngân hàng trung ương (reserve). Có thể sau khi cho vay nhiều quá, rủi ro đến một mức nào đó, thì bản thân ngân hàng muốn hoặc bị bắt buộc phải tăng 2 lượng này lên, nhưng đó không phải là điều kiện đầu tiên để quyết định việc cho vay hay không.
Mô hình ngân hàng - tiền mà em vừa mô tả ở trên đây, nghe qua thì có vẻ khó chấp nhận với các cụ vẫn tin vào định luật bảo toàn tiền - không tự nhiên sinh ra và không tự nhiên mất đi, nhưng đây là thực tế những gì đang diễn ra, các cụ có tin hay không thì các cụ cũng đang hàng ngày ăn hút bằng nó rồi.
Để hiểu tại sao hệ thống này nghe ảo thế mà nó vẫn tồn tại, chúng ta quay lại ví dụ em ngồi toa lét mơ xe hơi ở kỳ trước, nhưng để cho đơn giản, bây giờ giả sử cả nền kinh tế chỉ có Oceanbank là 1 ngân hàng thương mại duy nhất.
Mọi việc vẫn diễn ra như vậy, cụ X bỏ 1 triệu tiền trúng xổ số vào, em ra vay 1 triệu, rồi em đưa 1 triệu đó cho cụ Y.
Bây giờ cụ Y cầm 1 triệu của em thì cụ Y có 2 lựa chọn: (1) bỏ tiền vào ngân hàng; (2) ăn hút.
Trường hợp (1) thì hiển nhiên là tiền lại quay trở lại Oceanbank; còn trường hợp (2), cụ Y ăn hút bao nhiêu thì cái tiền ăn hút của cụ ý chạy lòng vòng trong xã hội rồi cuối cùng phần lớn cũng lại quay về ngân hàng thôi, vì chả mấy ai để tiền trong nhà.
Thế nên, kết quả cuối cùng của cả 2 trường hợp sẽ là không khác biệt, 1 triệu đó của cụ Y cuối cùng cũng chạy về ngân hàng, nghĩa là ngân hàng sẽ có thêm 1 triệu tiền gửi (từ túi cụ Y hay từ túi em Z làm massage nào đó), và lúc này ngân hàng sẽ có 2 triệu tiền gửi (1 triệu cụ X + 1 triệu cụ Y).
Vì ngân hàng có 2 triệu tiền gửi rồi, nên em đến vay thêm 1 triệu nữa cũng chẳng có vấn đề gì, và việc này cứ lặp đi lặp lại như vậy.
Bây giờ quay lại cái giả thiết tạm ban đầu là nền kinh tế chỉ có 1 ngân hàng - đối với người quản lý ở tầm vĩ mô, thì 100 ngân hàng trong nền kinh tế không khác gì 1 ngân hàng lớn, tức là tiền gửi vào Oceanbank hay ACB hay XYZ thì cũng thế. Thế nào trong 100 thằng chả có vài thằng làm láo và sập, đó là quy luật tất nhiên, nhưng cái họ quan tâm là dòng tiền chạy như thế nào và sự ổn định của toàn hệ thống.
Đến đây, nếu cụ nào tinh ý thì sẽ lập tức nảy sinh thắc mắc: thế tiền trong nền kinh tế hóa ra toàn là ngân hàng múa máy trên sổ sách thôi sao?
Câu hỏi này là có lý, và nó chạm đến một vấn đề cao hơn của tài chính và mang tính triết học một tí: tiền là gì?
Đây là một đề tài cực hay, em xin hầu các cụ một dịp khác, giờ em đi ăn cơm.