(Tài chính) - Mức độ nhìn thẳng sự thật đã cao hơn so với trước đây, tuy nhiên việc xử lý nợ công rất khó.
Nhìn thẳng tới mức nào?
Đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính vừa thừa nhận nợ công Việt Nam có thể sẽ đạt đỉnh vào năm nay với mức nợ có thể tiến sát ngưỡng 65% GDP.
Theo đánh giá PGS.TS Phạm Quý Thọ, Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, sự tuyên bố trên cho thấy cơ quan chức năng đã nhìn thẳng vào sự thật ở một cấp cao hơn.
Ông nhấn mạnh, nợ xấu và nợ công của Việt Nam là những vấn đề rất cấp bách hiện nay đối với nền kinh tế trong chính sách tái cơ cấu, tăng trưởng thu nhập quốc dân, qua đó nó ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội khác. Cho nên, muốn giải quyết vấn đề này cần nhìn thẳng vào sự thật.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đắp chiều vì hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách. Ảnh: Báo Đầu tư
"Sự thật là những con số phải được xác định chính xác, trong đó có số liệu nợ công.
Con số này có thể từ nhiều nguồn, nhiều tiêu chí đánh giá, phân loại khác nhau trên thế giới cũng như khu vực và Việt Nam, hoặc một nhóm nước có cách quản lý kinh tế tương đồng.
Việc công khai, nhìn thẳng sự thật ở đây phải dựa trên những yếu tố này. Chẳng hạn, cách phân loại nợ công, các nước tính nợ DNNN là nợ công quốc gia hay tách riêng...
Những vấn đề đó về mặt công khai, minh bạch, nhìn thẳng sự thật đã được nhìn ở một cấp cao hơn. Nếu trước kia chúng được nhìn nhận ở góc độ thảo luận, ý kiến chuyên gia nghiên cứu hay cấp Bộ nào đó, nay đã được nhìn trên toàn quốc và công khai trên diễn đàn Quốc hội.
Trả lời của Bộ trưởng Tài chính cũng như quan chức khác thuộc Bộ này cho thấy sự công khai, nhìn thẳng sự thật có tính chất hiệu lực hơn và tin tưởng hơn vì họ là những người chịu trách nhiệm về những số liệu đó.
Mức độ nhìn thẳng sự thật tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã cao hơn rất nhiều so với thời gian trước đây. Tuy nhiên, cần có thời gian để biến cái nhìn thẳng, thật ấy thành hiệu quả thực sự, có hướng gải quyết cho phù hợp với thực tế của Việt Nam", PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận xét.
Phân tích thêm về câu chuyện đạt đỉnh của nợ công, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, cần nhìn vào xu hướng tăng nợ công trong một số năm gần đây. Theo đó, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, tốc độ tăng nợ công gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP.
Nếu xu hướng này tiếp tục tăng và các điều kiện không có gì thay đổi thì nợ công sẽ đe dọa lên sự ổn định của nền kinh tế.
"Khi việc trả nợ của Nhà nước còn khó khăn, nguồn lực cho việc trả nợ chưa tìm ra, việc sử dụng các nguồn lực quốc gia còn thiếu hiệu quả, hệ số tín nhiệm quốc gia bị giảm..., nợ công tất yếu tiếp tục tăng.
Đó là những giả định, còn thực tế, khi được công khai, nhìn thẳng vào sự thật thì trên cơ sở cởi mở hơn trong việc lắng nghe ý kiến của ĐBQH, các nhà khoa học, chuyên gia, Nhà nước sẽ có những cách hợp lý hơn để kiểm soát nợ công", ông nói.
Truy trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu
Nhấn mạnh nợ công thời gian qua đã trở thành nguồn tham nhũng lãng phí, PGS Thọ chỉ rõ, nợ công được vay về chủ yếu để đầu tư, phát triển nhưng nhiều khi do kỷ luật ngân sách thiếu chặt chẽ nên Việt Nam còn "lấn bấn"trong sử dụng, nhiều khi lấn sang chi thường xuyên do bộ máy ngày càng phình to.
Bởi tham nhũng, lãng phí, cơ chế xin-cho... nên việc đầu tư kém hiệu quả hoặc không có hiệu quả.
"Rõ ràng ở đây tầm nhìn, kỹ thuật khi xây dựng các dự án chưa tốt. Đến khi có dự án rồi, việc thực hiện cũng chưa tốt.
Lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, tiêu cực trong cán bộ và những người thực hiện cũng khiến việc sử dụng vốn vay không hiệu quả.
Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng tình hình thế giới có nhiều thay đổi, Việt Nam vay nhiều của nước ngoài, chủ đầu tư nước ngoài của các dự án có nhiều thay đổi hoặc gặp khó khăn dẫn đến tiến độ bị kéo dài.
Ngoài ra, do điều hành nền kinh tế còn nhiều vấn đề, trong đó có việc kiểm soát nợ. Trước đây, việc này do hệ thống các cơ quan phối hợp vói nhau (NHNN, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương), nay tổ này đã giải tán", PGS.TS Phạm Quý Thọ chỉ rõ.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia thừa nhận để xử lý được những vấn đề của nợ công rất khó. Ông đề nghị, phải luật hóa rõ ràng để giải quyết nợ côn, ở mức cao hơn so với trước đây. Chẳng hạn, trước đây là nghị định, giờ xây dựng luật để nâng cao tính hiệu lực.
Thứ hai, phải có nguồn lực. Việt Nam đừng chỉ trông chờ đi vay ngắn để trả dài, đáo hạn như thời gian qua mà phải có nguồn lực thật, lấy từ những nguồn lực được sinh ra trong nước nhờ tăng trưởng, làm ăn hiệu quả. Đặc biệt là nguồn lực huy động từ người dân, doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Phải nâng cao sự tín nhiệm quốc gia trên trường quốc tế thì mới huy động được nguồn lực quốc tế, thu hút thêm vốn đầu tư, từ đó tạo nguồn thu cho đất nước để trả nợ.
Cuối cùng, lập lại trật tự trong thu chi ngân sách, hoàn thiện, nâng cao điều hành của Chính phủ, trong đó tiếp tục phát huy công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, đặc biệt phải lưu ý trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Phải luật hóa việc này để ai làm sai thì kỷ luật ngay theo luật.
http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/no-cong-dat-dinh-nam-2017-da-nhin-thang-vao-su-that-3336743/