Có đơn vị Speznas của GRU (tình báo quân đội thuộc BTTM), em không biết tiếng Nga viết thế nào, các phân đội này tác chiến rất hiệu quả ở Afghanistan, hôm rồi đọc bài báo về thiếu tướng Cao Pha mới biết, lúc ông làm cục phó cục quân báo kiêm nhiệm phó tư lệnh BC Đặc Công.
QĐND - Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân đội ta đã có nhiều vị tướng lỗi lạc được trong nước và quốc tế ngưỡng mộ, như: Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Hữu An… Nhưng cũng còn không ít vị tướng mà cuộc đời hoạt động cùng chiến công của họ rất sôi nổi, đặc sắc, chưa nhiều người biết. Thiếu tướng Cao Pha (1920-2006) là một trong số đó…
“Định mệnh”
Tên “cúng cơm” của Thiếu tướng Cao Pha là Nguyễn Thế Lương. Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, anh sinh viên Trường Cao đẳng Canh nông Hà Nội Nguyễn Thế Lương chưa kịp lấy bằng tốt nghiệp, đã cùng nhiều bạn đồng khoa mà sau này đều trở thành tướng lĩnh hay cán bộ cao cấp của ****, nhà nước, như: Nguyễn Thế Lâm, Hoàng Đình Phu, Ngô Điền, Tôn Thất Hoàng, Phan Hạo… đã hăng hái lên đường nhập ngũ.
Dường như là một “định mệnh”, ngay từ đầu Nguyễn Thế Lương đã gắn với quân báo. Trước đó, trong tổ chức Thanh niên Tiền tuyến, anh từng được chỉ định làm “Trưởng ban ám sát”, mặc dù lúc đó chẳng ám sát ai, chỉ theo dõi bọn ********* hay vận chuyển máy in, tài liệu. Rồi tối 20-8-1945 anh cùng Đặng Văn Việt (bạn cùng trường, sau trở thành một trung đoàn trưởng nổi tiếng, được mệnh danh “Hùm xám đường số 4”, giờ đã ngoài 90 tuổi vẫn khỏe mạnh, ở tại khu tập thể 8/3 Hai Bà Trưng, Hà Nội) trèo lên cột cờ Thành nội, Huế, hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng cách mạng. Anh còn tham gia bắt bọn biệt kích Pháp nhảy dù xuống rừng Hiền Sỹ phía tây Huế; hay hộ tống Bảo Đại ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Đầu năm 1948 anh đang là tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn Sơn La, lập nhiều chiến công thì được gọi về Bộ Tổng tham mưu, làm trưởng phòng quân báo. Cái bí danh “Cao Pha” có từ đó. Nhiều năm là quân báo, Thiếu tướng Cao Pha có hai kỷ niệm nhớ đời với Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào những thời khắc quyết định của chiến dịch lớn. Tháng 8-1950, chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới, ý định ban đầu là đánh thẳng vào thị xã Cao Bằng. Hai người đi thị sát trận địa, thấy cụm phòng ngự của địch khá dày và chặt chẽ, nếu ta có thắng cũng không tránh khỏi tổn thất. Trong khi cứ điểm Đông Khê yếu hơn. Đây được chọn là điểm đột kích, sau đó hạ tiếp Thất Khê. Kết quả là quân ta đã giành thắng lợi mau chóng, tổn thất ít nhất. Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Trưởng phòng quân báo mặt trận Cao Pha lại được cùng Đại tướng Tổng tư lệnh nghiên cứu chiến trường và Đại tướng cũng có một quyết định mang tính bước ngoặt như vậy, thay vì “đánh nhanh, thắng nhanh” là “đánh chắc, tiến chắc”.
Một thời gian khá dài làm công tác quân báo, ông đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu cả về lý luận và thực tiễn của ngành tình báo quân sự Việt
Nam. Đầu năm 1967, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng gọi Thượng tá Cao Pha, Cục phó Cục 2 lên thông báo một quyết định mới: Ông kiêm nhiệm Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công, một binh chủng vừa được thành lập. Quân báo và đặc công dù chức năng có khác nhau, song có nhiều điểm tương đồng trong huấn luyện và chiến đấu. Người chiến sĩ quân báo hay đặc công khi đột nhập căn cứ địch, đều phải bí mật, bất ngờ, dũng cảm, mưu trí và có quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ rất cao. Kể từ đó, nhà quân báo kỳ cựu này còn tham gia chỉ đạo binh chủng Đặc biệt tinh nhuệ, đã lập nhiều chiến công vang dội trong suốt những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Những lần gặp Bác Hồ
Lần đầu tiên Cao Pha được gặp Bác là vào tháng 9-1945, khi đưa Bảo Đại từ Huế ra Hà Nội. Ở Phủ chủ tịch, đang nói chuyện với một bạn học trường Quốc học năm xưa thì Cao Pha thấy một cụ già cao, gầy, mặc quần soóc, đi dép cao su bước vào, theo sau một người còn trẻ mặc com lê trắng, cà vạt đen, đội mũ phớt. Anh bạn ghé tai ông bảo: Cụ Hồ và ông Võ Nguyên Giáp đó. Thấy Nguyễn Thế Lương mặc quân phục, đội mũ ca lô, ông cụ hỏi ngay: “Chú ở chiến khu nào về?”. Sau phút bối rối, ông nói: “Thưa cụ, cháu ở Huế, đưa cố vấn Vĩnh Thụy ra Hà Nội”.
Lần thứ hai, Trưởng phòng quân báo Cao Pha gặp Bác trong chiến dịch Biên giới 1950. Sau khi hỏi về tình hình địch, Bác muốn đi quan sát trận địa và hôm ấy nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An đã chụp được bức ảnh lịch sử “Bác Hồ quan sát chiến dịch Đông Khê”, trở thành biểu tượng truyền thống của ngành Tình báo quân sự. Cũng trên điểm cao này, Bác còn tức cảnh làm bài thơ “Lên trận địa”: …Quân ta thế mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy. Sau khi cứ điểm Đông Khê bị tiêu diệt, ta bắt được nhiều tù binh, Bác lại gọi Cao Pha, bảo đưa đi gặp tù binh. Cao Pha lo chuyện giữ bí mật, sợ tù binh nhận ra Bác, thì Người đã có cách hóa trang rất nhanh: Đem thuốc đỏ và bông băng bịt râu lại, y như một chiến sĩ bị thương. Gặp tù binh đại úy đồn trưởng và hai trung úy, Bác nói ngay bằng tiếng Pháp, bảo mình là Việt kiều ở Pháp đã tham gia kháng chiến chống phát xít Đức, nay về nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và Bác khuyên tù binh phải làm tốt quy định của trại, sẽ được hưởng lượng khoan hồng, nếu có ý kiến gì thì gửi lên theo địa chỉ: Nguyễn Thắng, cố vấn chính trị mặt trận…
Bác Hồ và các vị lãnh đạo nhà nước và quân đội đến thăm bộ đội đặc công, Phó tư lệnh Cao Pha thứ ba từ trái sang. Ảnh Tư liệu. Lần cuối cùng Thiếu tướng Cao Pha được gặp Bác Hồ là vào ngày 19-3-1967, Bác đến xem bộ đội đặc công diễn tập. Cùng đi hôm đó còn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Diễn tập vào ban đêm, tại thao trường ở xã Phùng Khoang, ngoại thành Hà Nội. Đèn pha chiếu sáng, Phó tư lệnh binh chủng Cao Pha thưa với Người là anh em đặc công đang dò mìn, chui rào, tiềm nhập về phía Bác và các vị lãnh đạo ngồi. Bác chăm chú nhìn nhưng không phát hiện được, mươi phút sau các chiến sĩ đặc công đã đến sát chỗ Bác, vụt đứng cả dậy. Bác tỏ ra vui thích, vỗ tay khen.
Một kỷ niệm nhỏ mà Thiếu tướng Cao Pha còn nhớ. Lần ấy gặp, sau khi làm việc xong đến lúc giải lao Bác hỏi: Thế thì Cao Pha phiên âm ra tiếng Pháp nghĩa là gì? Ông quá bất ngờ mà không trả lời ngay được, Bác nheo mắt hóm hỉnh rồi hỏi sang chuyện khác. Về sau ông nghĩ lại, tiếng Pháp “Cafard” nghĩa là “buồn rầu”. Từng hoạt động ở miền Tây Bắc, có đèo cao nhất là Cao Phạ (tiếng Thái: Cổng trời), mà ông lấy làm bí danh cho mình. Hẳn Bác vì quý mến người lính mà hỏi vui vậy.
Về hưu, Thiếu tướng Cao Pha còn nhiều năm hăng hái hoạt động trong tổ chức CCB và ông cùng đồng đội đã nhiều lần về lại trận địa năm xưa, nhằm xác định chính xác nơi Bác Hồ đứng thị sát trong chiến dịch Biên giới 1950. Nơi ấy giờ đã trở thành một di tích lịch sử của tỉnh Cao Bằng. Ông sống vui vẻ, minh mẫn đến cuối đời và nhẹ nhàng ra đi vào buổi trưa 27-4 năm Bính Tuất (2006), hưởng thọ 86 tuổi.
Các cụ có biết những ai trong ảnh không? Cháu không nhận ra được ạ, nhưng đố các cụ tư lệnh BC Đặc Công ngày đó là người nào trong ảnh?