... Từ hôm đó trở đi ngày nào trên đường về các cô cũng dừng lại hỏi tôi về cuộc sống ở miền bắc. Qua chuyện trò tôi biết tên các cô là Dung, Hương và Lan Anh. Trong đó cô Dung là xinh xắn và hay chuyện nhất.
Một buổi chiều các cô về sớm hơn mọi ngày, mới hơn 4h. Thấy các cô đến gần tôi hỏi :
- Sao hôm này về sớm vậy ?
- Hôm nay bọn em được nghỉ một giờ văn nên về sớm. Anh có rảnh không ?
Dung nhanh nhẩu trả lời.
- Tôi rảnh đến 8h tối.
- Sao tối anh lại làm việc à ?
- Vâng, mỗi tối tôi phải làm 4h nữa.
- Vậy anh cho bọn em hỏi về chuyện học hành ngoài bắc được không ? Vì nói thật bọn em thấy ngoài bắc học làm sao đó, không như trong này bọn học hồi xưa.
- Nghĩa là sao ? Chương trình ngoài bắc không bằng trong này, hay có giáo trình ngoài bắc sai ?
- Không phải, về toán, lý, hóa thì không có vấn đề gì. Sử thì có khác một chút. Chỉ có về văn học thì khác nhiều quá. Bọn em học không thấy vô.
- Có lẽ do nền văn học hồi xưa các cô học nó khác hẳn nền văn học cách mạng hiện nay nên các cô cảm thấy khó tiếp thu thôi. Tôi nghĩ dần dần sẽ quen.
Ngẫm nghĩ một lúc Dung nói :
- Dạ, có lẽ vậy. Em thấy văn học ngoài bắc máu lửa quá. Nó không tình cảm như trong nam.
- Tôi không biết trong nam hồi xưa dạy văn theo kiểu gì. Còn văn học ngoài bắc tôi học thấy có gì máu lửa đâu.
- Trời đất bài nào cũng thấy đánh nhau à ? Nào là :" Hịch tướng sĩ", " Bài cáo bình Ngô"... Toàn những bài ngang ngang mà bắt học thuộc lòng khó thấy mồ. Thơ cũng vậy, không có những bài thơ trữ tình mà toàn của ông Tố Hữu không à ?
- Chế độ thay đổi thì văn học cũng thay đổi theo. "Hịch tướng sĩ" và " Bài cáo bình Ngô" là của hai danh nhân lịch sử mà chế độ cũ cũng suy tôn mà. Hai tác phẩm đó là hai áng thiên cổ hùng văn mà không học thì học cái gì ? Còn thơ thì của Tố Hữu có mấy tập : Việt Bắc, Gió Lộng ...tôi thấy cũng rất hay. Không lẽ giờ lại dạy các cô thơ Hàn Mặc Tử ? Học văn học thơ mà các cô không học thuộc lòng thì khi làm văn các cô làm sao được. Bản thân tôi đã học qua mấy năm nhưng những bài văn thơ đó tôi vẫn nhớ không sai một câu.
Dung nói như reo lên :
- Thật hả anh ? Anh đọc cho bọn em nghe bài " Hịch tướng sĩ " thử coi ?
Mấy cô bé này định thử mình đây, được, tiện dịp này tôi khai trí cho các cô biết Việt cộng không phải chỉ i tờ đâu. Tôi hắng giọng và đọc một lèo bài " Hịch tướng sĩ" cả ba cô trố mắt nhìn anh Việt cộng.
Dung nhìn hai cô bạn nói :
- Đó hai đứa này hết kêu anh xạo chưa ?
Hai cô gái cúi đầu bẽn lẽn thú nhận:
- Hồi đầu nghe anh nói bọn em nghĩ anh xạo thật. Các anh bộ đội ngoài bắc cũng học giỏi thật há.
Tiện đà tôi giảng giải cho các cô thêm một mớ về văn học ngoài bắc.
Dung vẫn còn thắc mắc về thơ ngoài bắc không hay. Không có các bài thơ về tình yêu như văn học trong nam cũ. Cái này thì tôi chịu.
- Thơ về tình yêu nam nữ thì ngoài bắc ít có và cũng không đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Thơ được đưa vào giảng dạy chủ yếu nói về tình yêu quê hương, đất nước con người...thơ hay thì cũng có. Có lẽ bọn em chưa tìm đọc thôi.
- Anh có bài nào đọc cho bọn em nghe thử xem.
- Bất ngờ hỏi thế này anh không nhớ được nhưng có những bài hồi xưa anh đọc cũng thấy hay như bài Núi Đôi, Nhớ con sông quê hương.
- Anh có thuộc bài nào không? Hôm nay rảnh anh đọc cho bọn em nghe một bài coi.
Có lẽ ba cô vẫn còn muốn xem anh Việt cộng thế nào ? Tôi đã đề phòng nên đã đưa ra hai bài thơ mà mình thuộc lòng.
- Được, muốn nghe thì ang đọc cho nghe một bài :
" Quê hương tôi có con sông..."
Dung vỗ tay nhìn hai cô bạn rồi nói:
- Bài thơ hay quá anh ơi. Anh chép cho em được không ?
Không biết tôi có đồng ý hay không có bé mở cặp lấy giấy bút đưa cho tôi. Tôi đành ngồi chép hết bài thơ vào cuốn vở cho cô. Hồi đó viết thư nhiều nên chữ tôi không đến nỗi xấu lắm. Cô bé xuýt xoa khen chữ đẹp.
Mải nói chuyện, nhìn đồng đã hơn 6h chiều. Tôi giục các cô ra về không muộn. Các cô chào tôi và ríu rít ra về.
Vài hôm sau, khi gặp nhau trên đường đi học về. Dung dừng lại đứng nói chuyện với tôi và bảo hai cô bạn về trước. Hai cô bạn nhìn tôi và Dung cười :
- Anh ơi nhỏ Dung nó thương anh rồi đó.
Dung đỏ mặt không nói gì. Chờ cho hai cô bạn đi khuất cô bé mới rút trong cặp ra cuốn vở nói :
- Anh làm giúp em bài tập làm văn này, khó quá em chưa làm được. Mai em phải nộp rồi.
- Tập làm văn thì em phải tự làm chứ, anh bỏ lâu học lâu rồi làm sao được.
- Anh cứ làm đi, viết sao cũng được. Cốt là mai em có để nộp.
- Đưa đề bài đây anh xem thử ?
Tôi cầm cuốn vở xem qua đề, đại loại là chứng minh hai câu thơ trong truyện Kiều :
" Một ngày lạ thói sai nha
Làm chi khốc hại chẳng qua vì tiền"
Đề văn tôi nhớ hồi xưa đã từng làm. Tôi bảo Dung đưa tôi cuốn sách " Trích giảng văn học" và nói :
- Được anh sẽ làm giúp em bài văn này. Chỉ một bài này thôi nhé.
- Dạ, cảm ơn anh.
Tối hôm đó tôi nằm bò ra để làm, đánh vật mất 3 tiếng mới làm xong bài văn. Đọc lại thấy cũng tạm được.
Trưa hôm sau tôi trả cho Dung và bảo chép lại cho sạch sẽ.
Hai hôm sau Dung mang về khoe tôi được 7 điểm cao nhất lớp. Dung cảm ơn tôi rối rít, ánh mắt nhìn anh bộ đội rất âu yếm. Hai cô bạn đi cùng nói:
- Anh bộ đội giỏi quá ha. Tối thứ 7 này anh đi xem ca nhạc với bọn em cho nhỏ Dung được dịp trả ơn.
Cả ba cô vui vẻ chào tôi. Dung còn ngoái lại nhìn với cái nhìn rất ướt át.
Tôi không có dịp đi xem ca nhạc với ba cô gái. Sáng hôm sau chúng tôi được lệnh trở về Thủ Đức, bàn giao việc bảo vệ cho tiểu đội khác ở 606 sang. Bọn tôi thu xếp ba lô súng đạn đi luôn trong buổi sáng. Không kịp gặp lại 3 cô nữ sinh SG.
Chắc các cô sẽ ngạc nhiên vì không thấy anh bộ đội mặc bộ quân phục lạ hoắc ngồi ngắm đường nữa./.
-