đi chơi với gia đình vui vẻ, em gửi thêm bài này nữa cho chị em mình có thêm thông tin
***************************
Lái xe an toàn
***************************
Hướng dẫn lái xe an toàn cho phụ nữ P1
Xin chào mọi người, nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ mọi người và chồng em ở bài viết trước, hôm nay em muốn chia sẻ thêm với chị em một số kinh nghiệm để lái xe an toàn. Ở trong phần này em cũng muốn chia sẻ cụ thể với dòng xe mà nhà em đang lái là tầm trung nha và cũng áp dụng với những công việc của em thường ngày như: đi làm, đón con và đi chợ thôi.
Để mọi người dễ theo dõi em xin mạn phép chia bài thành 3 phần:
- Chuẩn bị lên đường
- Trên đường
- Dừng xe, đỗ xe
Rồi, vậy hôm nay em sẽ gửi đến mọi người phần 1 trước
PHẦN 1: CHUẨN BỊ LÊN ĐƯỜNG
Em nghĩ không chỉ riêng việc lái xe đâu mà việc gì cũng cần cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc chuẩn bị trước khi lái xe có thể coi là vấn đề mấu chốt để giúp lái xe tốt hơn, an toàn hơn. Rút ra bài học từ cá nhân mình, em thấy điều này càng chuẩn. Nếu phát hiện ra vấn đề gì trước khi lên xe em có thời gian để giải quyết hoặc đơn giản hơn là xin quyền giải thoát … nhờ ông xã
)
Điều đầu tiên trong quá trình chuẩn bị chính là kiểm tra tình trạng của xe, gồm có:
-
Kiểm tra lốp: Cái này là dễ dàng nhất, chị em nào cũng có thể kiểm tra chỉ bằng một vòng đi quanh xe. Ấy vậy mà cái này các chị em đều phải nhớ kiểm tra trước mỗi chuyến đi nha vì chắc chẳng chị em nào muốn rơi vào tình trạng đến trễ cả tiếng đồng hồ vì cái lốp xe cả. Chưa kể tới được nơi thì mồ hôi mướt mát, tâm trạng cũng chả khá hơn. Thôi thì cẩn tắc vô áy náy.
Kiểm tra lốp sẽ tập trung ở 2 yếu tố: độ căng của lốp và độ mòn của lốp. Để cho chị em dễ nhớ em xin chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình đó là chỉ cần nhớ: bơm xe mỗi 7-10 ngày và thay lốp xe trong khoảng từ 1 năm rưỡi đến 2 năm là được
-
Kiểm tra hệ thống gương chiếu hậu: Kế đến chính là hệ thống kính chiếu hậu của xe, một vật dụng rất quan trọng. Xe nhà em thì không được trang bị hệ thống camera gì cả nên gương chiếu hậu là vô cùng cần thiết khi đi đường hay dừng đỗ
-
Kiểm tra nhiên liệu: Chỉ với thao tác ngồi vào xe và bật đồng hồ điện là các chị em có thể dễ dàng kiểm tra được xem nhiên liệu của xe còn bao nhiêu (mà nhà em cụ thể là xăng nhá).
Căn cứ vào con xe nhà em, mỗi khi đèn báo hết xăng thì xe vẫn có thể chạy được ít nhất 30 km nữa nhưng em cũng chưa bao giờ dám lơ là đổ xăng vì xe này … em không dắt nổi
) Thêm nữa, em cũng được các anh KTV bên hang tư vấn, nếu xe thường xuyên đi trong tình trạng thiếu nhiên liệu (hoặc thậm chí là hết nhiên liệu) thì bơm xăng sẽ rất nhanh hỏng.
-
Kiểm tra hệ thống khác trong xe: Nhiên liệu đã nạp đủ vậy là chị em có thể tương đối yên tâm nổ máy rồi và bắt đầu tiến ra khỏi gara. Nhưng các chị em đừng vội nhấn ga và đi mất vì vẫn còn bước cuối cùng là kiểm tra nốt những hệ thống còn lại trong xe xem có hoạt động ổn định không?
Các hệ thống ở đây em muốn đề cập đến là các hệ thống phanh, màn hình – đồng hồ hiển thị, hệ thống cửa kính hay đơn giản hơn là hệ thống vệ sinh kính lái cũng cực kỳ cần thiết khi trời mưa. Các chị em chỉ cần khởi động lại một lượt để chắc chắn cho chuyến đi sắp tới.
Rồi, vậy là xe đã sẵn sàng, vậy còn người trên xe thì phải chuẩn bị ra sao, theo cá nhân em chị em cần lưu ý các vấn đề sau đây:
-
Người lái: các chị em cần có một sức khỏe và tinh thần tốt khi chuẩn bị lái xe. Sức khỏe tốt ở đây cũng chả cần các chị em phải tập yoga hay aerobic đều đặn hàng ngày đâu nhưng tránh lái xe trong khi bị ốm, sốt hay bị thương ở tay, chân (các vùng cần thiết khi lái xe). Một sai lầm khác mà các chị em hay mắc phải khi lái xe đó chính là lái xe trong tình trạng tinh thần không tốt (bực dọc, lơ đãng,…) Bản thân em cũng đã không dưới một lần phải đem chiếc xe của mình đi sơn sửa lại do những va quệt từ nguyên nhân tâm trạng không thoải mái khi lái xe
Trong những lúc này, em thưởng chọn cách là nhờ ông xã đi đến đón. Suy cho cùng, đàn ông đúng là chỗ dựa lý tưởng cho phụ nữ khi cần các chị em nhỉ. Hị hị :”>
-
Người trên xe: và cuối cùng, một điều quan trọng không kém khi lái xe là để ý những người trên xe cũng đã sẵn sàng cho chuyến đi. Ở đây, em muốn chia sẻ câu chuyện bọn nhóc nhà em: nhà có 2 con trai nên cũng rất nghịch ngợm. Để thuận tiện cho việc lái xe, em thường để chúng ngồi ở ghế sau chứ không phải ghế bên cạnh ghế lái. Sau khi nhắc nhở vụ cài dây an toàn thì chính tay em phải là người đóng cửa thì mới yên tâm lái xe được. Cũng may, sau mấy năm, bọn trẻ cũng đã hình thành thói quen nên giờ tự giác lắm, chả nói thằng lớn cũng nhắc thằng bé, em cũng yên tâm
Trên đây là những kinh nghiệm của bản thân em và gia đình để chuẩn bị trước mỗi lần “xuất hành” cùng chiếc xe hơi. Nếu em còn thiếu sót phần nào thì các bác cũng bỏ quá cho em nhé để em còn tự tin viết nốt các phần sau.