Sắp đến ngày vía thần tài em trích đăng sự tích vía thần tài ở Trung Quốc để thấy sự khác biệt với Việt Nam
Ngày vía Thần Tài xuất phát từ đâu?
Theo truyền thuyết dân gian, Thần Tài là vị thần tiên sống trên trời chuyên cai quản tiền bạc, tài lộc. Trong một lần uống rượu say xuống hạ giới chơi đã đến nhà người phàm trần xin ăn. Thần tài xin ăn ở nhà nào thì nhà đó trở nên giàu có. Đến ngày mùng 10 tháng Giêng (Âm lịch), Thần trở về trời.
Để tưởng nhớ Thần Tài, người dân chọn ngày này để thờ cúng Thần Tài và cầu may mắn, phát đạt. Trong ngày vía Thần Tài, theo phong tục, người dân Việt Nam đi mua vàng để cầu tiền tài.
Tập tục này được tin là có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Thần Tài là ai?
Vị thần Caishen (Thần Tài) theo tín ngưỡng của người Trung Quốc là Triệu Công Minh.
Truyền thuyết kể rằng thời nhà Minh, khi Triệu Công Minh sử dụng phép thuật để khiến triều đại nhà Thương sụp đổ (thế kỉ 12 trước Công nguyên), Khương Tử Nha - một công thần nhà Chu - đã làm hình nộm rơm và bùa chú khiến ông lâm bệnh và qua đời.
Tuy nhiên, khi đến chùa Yuan Shi, Khương Tử Nha đã bị khiển trách vì đã gây ra cái chết cho người tài - đức, vì vậy Triệu Công Minh từ đó được phong thánh và trở thành Thần Tài, theo Britannica. Người dân sau đó, dùng ngày sinh của Triệu Công Minh, ngày 5 tháng Giêng, để thờ cúng và đón tài lộc.
Một truyền thuyết khác nói rằng ông là một người dân ở núi Võ Đang, Trung Quốc. Ngày ngày, ông xách giỏ đi khắp nơi xin quần áo cũ để mặc và xin cơm canh thừa để ăn.
Dù nghèo nhưng ông vẫn nuôi một con chó đen già và một con vịt lông vằn không đẻ trứng.
Gần đó có một ông phú hộ là Tiền Viên Ngoại, xa xỉ và bất nhân, cơm ăn không hết thì đem đổ xuống cống, áo mặc cũ rồi thì bỏ vào đống rác. Ông lão họ Triệu thấy vậy mới lượm gom hết các quần áo cũ đem phân phát cho những người nghèo, lấy cơm canh thừa ấy về nuôi chó và vịt.
Bỗng một hôm, con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, còn con chó già thì khạc ra 10 thỏi bạc. Từ đó thành lệ, mỗi ngày vịt và chó đều đẻ và khạc ra vàng bạc cho ông.
Triệu Công Minh trở nên rất giàu có, trong lúc Tiền Viên Ngoại thì càng lúc càng nghèo. Một thời gian sau, Tiền Viên Ngoại phải đi ăn xin, khi gặp lại Triệu Công Minh, lão Viên cảm thấy rất xấu hổ nhưng ông Triệu thông cảm, giúp cho lão Viên một số tiền kha khá, đủ làm vốn liếng làm ăn.
Tuy nhiên, vì đã quen sống sung sướng không phải lao động, chẳng làm ăn đươc gì, chẳng mấy chốc Tiền Viên Ngoại đã hết sạch cả vốn liếng. Lão Viên lại sinh ác tâm, thấy ông Triệu giàu như vậy bèn tính giết ông để chiếm đoạt tài sản.
Lão Viên thừa lúc vắng vẻ, lén đốt nhà của Triệu Công Minh cháy thành tro, nhưng ông Triệu không chết, con vịt biến thành chim phụng bay vút lên trời, con chó già biến thành con cọp đen xông ra cắn chết lão Viên, tất cả vàng bạc của ông Triệu đều hóa thành đá, và Triệu Công Minh biến thành thần tài.
Từ đó, dân chúng lập miếu thờ Triệu Công Minh gọi là miếu thần tài.
Cách đón ngày Thần Tài của người Trung Quốc có gì đặc biệt?
Không giống người dân Việt Nam, Trung Quốc có cách đón ngày Thần Tài hoàn toàn khác biệt. Theo truyền thống, người dân Trung Quốc sẽ thắp hương tại chùa và đốt pháo vào đêm ngày mùng 4 Tết để đón thần tài.
Mặc dù vậy, vì việc đốt và bắn pháo hoa gây ô nhiễm không khí nên hoạt động này đã bị cầm kể từ năm 2016.