Hồi em khó khăn cũng phần nào được nương nhờ sự bình an và nghe giảng pháp ở cửa chùa mà tự vực được mình dậy. Thấy các cụ tranh luận về Phật pháp nên em cũng muốn góp đôi lời vì em là người trong đạo nên biết đâu có những góc nhìn khác để các cụ tham khảo.
Em đọc pháp của Phật không thấy Phật dạy người ta lễ bái cầu kỳ, cúng dường gì đâu. Mọi người hay tự làm quá theo tín tâm vì ngưỡng mộ hay mong cầu của riêng mình thôi. Theo em hiểu, điều Phật muốn hướng tới là :
- Đầu tiên, Phật chỉ dẫn cho chúng sinh con đường giải thoát khỏi khổ cực, phiền não trong cuộc sống bằng con đường nương nhờ năng lực tự thân, lấy tâm trị tâm, cách tìm hiểu bản thân, hiểu cách vận hành của con đường sinh tử của con người, cách vận hành của xã hội con người, của thế giới thiên nhiên vũ trụ sinh tồn, học làm chủ tâm mình để có thể vững vàng an lạc và phát triển trước những biến chuyển của đời sống vô thường.
- Tiến tới sâu xa hơn, Phật chỉ cho chúng sinh con đường tu học để giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, không còn phải chịu khổ ải phiền não của kiếp người nữa.
Phần giải thoát khỏi sinh tử thì nghe xa xôi quá nên người ngoài đạo chắc sẽ cảm thấy lạ lẫm. Nhưng nội dung như phần mục đầu tiên, có thể nói là rất gần với cuộc sống. Hồi mới tìm hiểu kiến thức Phật Pháp, em cảm thấy Phật như là một người thầy dạy chúng ta cách sống cho phải lẽ, như một bác sĩ chữa bệnh về tâm linh và tinh thần cho con người, như một tấm gương, một chỗ dựa niềm tin để nương tựa khi bối rối, lạc lòng, mất phương hướng trước những biến cố khổ đau của đời sống.
Kinh Phật đọc ban đầu khó hiểu, nhưng hiểu rồi sẽ biết những kiến thức này thật sâu sắc và hữu ích. Có một điều em ngẫm ra, là chỉ khi người ta gặp những biến cố, khó khăn vấp váp nào đó của đời sống, người ta mới có đủ trải nghiệm về tinh thần cũng như kiến thức để thấy cần thiết phải học hỏi Phật pháp và tự chứng thực được những lời Phật dạy. Người khác không phải kinh qua những gian truân về mặt tinh thần, không có mong muốn vượt khó, thoát khổ, không dày lòng trắc ẩn sẽ khó cảm nhận được những tinh hoa của đạo Phật. Vì thế, đạo Phật vẫn luôn có những điểm để người theo thì hiểu, người không theo thì thấy khó hiểu, khó chịu.
Cũng như em thời khi chưa gặp vấp váp thì ghét chùa chiền vì gặp vài sư thầy, gặp vài chùa phản cảm. Sau em dính lúc khó khăn may có duyên gặp được chùa lành, thầy tốt nên tự hóa giải chấp kiến và nương nhờ tu học được nhiều điều lành để vực lại được cuộc sống. Suy cho cùng, em thấy Phật dạy không sai, chỉ có người giảng dạy hoặc thực hành pháp Phật chưa đúng gây đôi khi gây hiểu sai hoặc gây phản cảm cho xã hội.
Em rất tâm đắc với lời 1 thầy giảng :"Các thầy cũng chỉ người đang trên đường tu học như các con thôi. Khác ở điểm, các thầy ở vị thế là người đi trước hướng dẫn.". Từ đó, em tự hiểu là phải biết chọn nơi để đến, chọn thầy để theo học, chỗ nào không lành, không tốt thì ta lánh. Thực trạng lắm thầy nhiều ma như bây giờ em nghĩ một phần là do bên Giáo hội Phật giáo chưa có biện pháp quản lý nghiêm để các chùa tư nhân mọc lên làm cúng bái nhiều và vài sư thầy tu hành không nghiêm túc. Đạo Phật bản chất là một tôn giáo rất thiện lành, lấy bát chánh đạo làm nòng cốt, không cổ súy cho mê mờ, mê tín và giáo điều.
Lê dâng sao giải hạn (thực ra là lễ cầu an) và Lễ hằng thuận (lễ cưới trong chùa) - theo lời một sư thầy giải thích khi em có thắc mắc - là được hình thành dựa trên mong muốn của các Phật tử nhằm để đưa đạo Phật vào gần với cuộc sống của các Phật tử hơn. Hai buổi lễ này có thể hiểu đơn giản như cách thức ứng dụng đạo Phật vào cuộc sống. Sau này tùy chùa mà bỗng nhiên nó nảy sinh những mặt tiêu cực không phù hợp, xa rời đạo Phật gây hiểu lầm, phản cảm như chú trọng vào lễ nghi cầu kỳ mê tín hay lấy tiền quá nhiều,... Như vậy, các buổi lễ không hề xấu hay sai trái. Bản thân ý nghĩa của các buổi lễ đều từ những mong muốn thiện lành của Phật tử và những người dân có cảm tình với đạo Phật mà thôi.