SỰ HỘ NIỆM CỦA CHƯ PHẬT
(Bài giảng trường hạ chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình, TP HCM ngày 2-7-2002)
HT THÍCH TRÍ QUẢNG
- Kể từ tháng 01 - 2016, được suy tôn Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN
- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
- Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam
- Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM
- Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TW GHPGVN
- Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM
- Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ
Các anh em ở trường hạ Phổ Quang theo học tại Phật học viện hoặc Cao đẳng Phật học tương đối đông nên xin phép tôi tổ chức an cư tại chỗ năm nay. Tôi quyết định tổ chức an cư thu hẹp, vì các anh em học còn đi học nên sinh hoạt không giống các trường hạ khác. Buổi sáng bận đi học, chiều tối nên tranh thủ tu hành là việc chính. Theo kinh nghiệm riêng tôi, nhiều thầy đồng học thông minh, học giỏi, nhưng chỉ nghĩ đến học, thiếu tu, nên không làm việc đạo được, hoặc mất định hướng, phải hoàn tục, rồi thọ khổ. Trái lại, người không học giỏi, nhưng siêng năng tu, tìm được lẽ sống trong đạo, ít nhiều cũng làm được Phật sự và xa hơn chứng được giải thoát, bước vào con đường Hiền thánh. Vì vậy, tôi nhắc nhở quý thầy tu là chính và học là phụ. Tôi làm được việc cũng nhờ tu nhiều. Khi còn là học Tăng, tôi siêng năng đọc tụng kinh Đại thừa và y pháp Đại thừa sám hối, nên tôi căn nhẹ dần và nghiệp giảm bớt, nhờ đó những đòi hỏi thế gian không có. Tôi tiến tu trên đường đạo một khoảng thời gian dài và lấy kinh nghiệm đã trải qua mà nhắc nhở anh em nên nỗ lực tu.
Và về phần tu hành, theo kinh nghiệm của tôi là nương vào những bộ kinh Đại thừa như Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, lấy đó làm nền tảng nghiên cứu và tu học. Nhờ học những bộ kinh này đã giúp tôi hiểu Phật pháp sâu sắc hơn. Lúc còn ngồi ghế nhà trường, tôi học không thua ai, tôi tin là nhờ mình đã nghiên cứu kinh điển Đại thừa, nên giúp tôi đốt giai đoạn ở trường đại học Nhật Bản. Trong lớp Cao học, có 15 nghiên cứu sinh, trong đó 13 người là Nhật, một thầy người Trung Hoa và tôi. Nhưng cuối cùng chỉ có tôi và một người Nhật được trình luận án, có 13 người kia bị lưu niên. Bản thân tôi cũng ngạc nhiên với thành quả này, vì thực tế tôi là người Việt không thể giỏi tiếng Nhật bằng người Nhật. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nhờ Phật hộ niệm mà tôi đạt được kết quả ngoài suy nghĩ bình thường.
Thật vậy, theo tinh thần Đại thừa, trên bước đường tu, được chư Phật hộ niệm là việc vô cùng quan trọng. Người tu không được Phật hộ niệm, dù học giỏi cũng không làm được việc. Và quan trọng hơn nữa là được Phật hộ niệm thì việc khó, tưởng không làm nổi, nhưng vẫn thành công dễ dàng.
Chúng ta đọc kinh điển Đại thừa, tìm xem nhân hạnh của chư Phật, Bồ tát tu như thế nào và chúng ta cũng có tâm niệm, việc làm giống với các Ngài thì mới nhận được sự hộ niệm gia trì của các Ngài, mới làm được những việc mà bình thường không làm được.
Trong kinh điển Đại thừa thường nói về hạnh Bồ tát, riêng hai bộ kinh nói về sự hộ niệm của Phật là kinh Pháp Hoa và kinh Di Đà. Tên của kinh Pháp hoa là Phật sở hộ niệm. Kinh Pháp Hoa được coi là mẹ sinh ra tất cả Phật. Phật từ kinh Pháp Hoa sinh ra và Phật hộ trì kinh Pháp Hoa. Tôi dành nhiều thì giờ nghiên cứu và viết luận án về kinh Pháp Hoa, nhất là việc ứng dụng nhiều hơn vào cuộc sống tu hành của mình. Sau đó, tôi thành lập đạo tràng Pháp Hoa và đã biên soạn Bổn môn Pháp Hoa, rút ngắn bộ kinh Pháp Hoa dài 28 phẩm, chỉ sử dụng những phần tinh ba yếu nghĩa của bộ kinh để thọ trì đọc tụng mỗi ngày cho đến sống với yếu chỉ Pháp Hoa trong từng niệm tâm.
Và đến mùa hạ năm nay, hội đủ thuận duyên, tôi rút ngắn bộ kinh thứ hai là kinh Di Đà và tôi phát nguyện truyền bá trong các trường hạ để quý thầy có nhân duyên cùng tu. Kinh Di Đà cũng được gọi là Phật sở hộ niệm kinh. Đức Phật Thích Ca cho biết chẳng những Ngài tuyên dương công đức của kinh Di Đà và Phật Di Đà mà 6 phương khác và hằng hà sa số Phật cũng hộ niệm kinh này.
Phật Thích Ca sinh ở Ta bà bùn nhơ tội lỗi, nhưng Ngài đã thành tựu Vô thượng Đẳng giác, ví như hoa sen mọc trong bùn. Ngài đã vì Bồ tát lớn mà nói chân lý và chúng sinh không tiếp thu được pháp tối thượng, nên Phật phải khai phương tiện dìu dắt chúng sinh ra khỏi Nhà lửa tam giới. Chư Phật tán thán Phật Thích Ca như viên ma ni có công dụng lắng đọng bùn nhơ, Ngài có khả năng làm tan biến bùn nhơ phiền não của chúng sinh. Kinh Pháp Hoa tiêu biểu cho Phật Thích Ca ở trần thế. Diệu Pháp ví như ngọc ma ni, Liên Hoa là hoa sen. Người Tây Tạng rút ngắn Diệu Pháp Liên Hoa thành thần chú Aùn ma ni bát di hồng.
Kinh Di Đà cũng được gọi là Phật sở hộ niệm kinh đồng với tên kinh Pháp Hoa. Gọi là kinh Di Đà, vì muốn chỉ cho Phật Di Đà là giáo chủ Tây phương nên lấy tên Phật đặt cho kinh.
Năm nay tôi dịch kinh Di Đà vì thứ nhất là mục tiêu của người tu hành đều muốn đạt quả vị Phật, đến Niết bàn, không ai muốn khác. Nhưng tôi thấy người thực chứng Niết bàn ở ngay trần gian này rất hiếm. Có thể nói bước đường tu của chúng ta tự lực phấn đấu đi lên rất khó.
Và hướng thứ hai là Phật đưa ra nhiều phương tiện cho những người không có khả năng tự lực, không thể tự thâm nhập Thiền định. Như vậy, họ phải nhờ tha lực, nói khác là phải nhờ chư Phật hộ niệm. Phật không hộ niệm, ta không làm được. Các anh em thấy nhiều thầy giỏi, nhưng không làm được, có thể nói là vì không được Phật hộ niệm. Không giỏi, nhưng Phật hộ niệm làm ta có hiểu biết vượt hơn bình thường, vì hiểu biết đúng mới giải quyết được việc khó.
Hoà thượng Trí Tịnh cũng nói rằng dùng hiểu biết của mình nhiều lắm cũng chỉ đúng 60% cũng là giỏi rồi. Nhưng thực tế đúng 99 lần, chỉ cần sai 1 lần là 1%, kể như hoàn không. Vì vậy, đối với Hoà thượng, hiểu biết của chúng ta cũng còn đáng e ngại lắm, vì còn vấp phải 40% sai lầm, làm gì mà cuộc đời chúng ta không phạm lầm lỗi. Hoà thượng nhiếp tâm niệm Phật Di Đà để Phật hộ niệm, thấy theo Phật mới bảo đảm đúng. Phật hộ niệm thì ta biết chính xác hoàn toàn.
Tôi nhớ lại trong đời mình đã có hai bước ngoặt quan trọng vào năm 1963 và 1975 và từ hai dấu ấn này, tôi nhận ra được thế nào là Phật hộ niệm. Năm 1963, trong phong trào tranh đấu của Phật giáo, tôi hoàn toàn vô tâm, chỉ nghĩ dốc toàn tâm toàn lực bảo vệ Phật pháp. Lúc ấy, đối với tôi, sống chết không quan trọng, nhưng tôi có cảm giác lạ là tất cả quyết định của tôi đều đúng 100% vì không đúng thì cuộc sống của tôi đã không còn. Tôi hoạt động hay bị bỏ tù đều đúng, nên hoàn toàn thoát nạn một cách đơn giản. Theo tôi, Phật quyết định cuộc đời ta, không phải ta quyết định. Tôi không tự thắp đuốc đi được, nhưng nhờ đuốc của Phật mà tôi đi không rớt xuống hố, vượt qua mọi chướng ngại hiểm nguy giống như một cách tình cờ may mắn vậy. Tôi tin tưởng ở lý Đại thừa một cách sâu sắc là vì lý do đó.
Ngoài ra, năm 1973, tôi về Việt Nam. Đối với tôi, việc quyết tâm về nước không trở lại Nhật bằng cách trả lại thẻ thường trú, đó là vì Phật bổ xứ khiến tôi làm như vậy, chứ thực sự tôi cũng không biết tại sao mình lại quyết định như thế. Giai đoạn đầu 1975, việc tu hành thực sự rất khó. Và trong hoàn cảnh khó khăn nhiều bức bách ấy, tôi nhận ra được ý nghĩa Phật nói trong kinh Pháp Hoa rằng Tịnh độ ta chẳng hư mà chúng thấy cháy rã, nghĩa là trong thế giới đầy khổ đau mà Phật thấy an lành. Và quan trọng là tôi đã mượn sự an lành của Phật làm an lành cho mình, nên thấy đúng và quyết định đúng bằng cách không đi ra khỏi thành phố Hồ Chí Minh. Vì tu sĩ ra ngoài thành phố lúc ấy dễ bị bắt như chơi. Tôi ép mình trong Tổ đình Ấn Quang, thọ trì Pháp Hoa và biên soạn nghi thức Bổn môn Pháp Hoa để tu hành. Có thể khẳng định rằng vào thời điểm ấy, những quyết định của tôi đều đúng và từng bước tôi vượt qua những khó khăn, tiến tu trên đường đạo và đóng góp được cho Giáo hội.
Các thầy cứ nghiệm lại sẽ thấy rõ dù giỏi mấy cũng chỉ là hiểu biết thế gian, chỉ làm được tối đa 60%, còn 40% sai lầm thì chúng ta phải gánh hậu quả chắc chắn là không vui. Nhưng theo Phật, hoàn toàn không khởi tâm tính toán, mà kết cuộc không sai lầm và cũng không có gì để hối hận. Và tôi tin mình làm được đều do Phật hộ niệm, bổ xứ. Không có sức hộ niệm của Phật, việc dễ cũng thành khó. Điểu hình như chùa Phổ Quang từ năm 1975 đến 1995, có biết bao vị xin lãnh chùa, nhưng không được và ai về đây cũng buồn phiền, khổ đau. Riêng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ lãnh chùa này. Năm 1999, tự nhiên Uỷ ban Nhân dân thành phố lại giao chùa cho tôi. Thiết nghĩ Phật bổ xứ chúng ta làm Phật sự nào thì bảo đảm thành công, dù không giỏi. Còn giỏi mấy cũng rơi vô tranh chấp hơn thua, cuối cùng ai cũng sai, dù ít hay nhiều. Kinh nghiệm cho thấy những người đi trước đều nhìn nhận rằng có phạm sai lầm, vì sai lầm mới thất bại. Các anh em phải suy nghĩ để xây dựng cho mình đời sống tâm linh, đạo đức và quan trọng là được Phật hộ niệm. Phật không hộ niệm, chúng ta dụng tâm, dụng ý, quả báo đến không lường.
Tôi dịch kinh Di Đà vào khoảng 11 hay 12 giờ đêm, trong vòng một, hai tiếng đồng hồ, sau khi tôi làm lễ cấm túc an cư có ý định dịch và giảng dạy kinh này. Tôi dịch kinh khác với các pháp sư. Phần lớn các pháp sư dịch kinh căn cứ vào chữ trong văn kinh mà dịch. Còn tôi tụng nhiều lần, nhưng đến lúc dịch thì xếp kinh lại, để đó và bằng độ cảm trong lòng thế nào thì viết ra, sau đó mới đối chiếu với bản kinh gốc. Đối với tôi, việc dịch kinh chính yếu bằng niềm tin và độ cảm của mình trên bước đường tu. Không có niềm tin, không thể tiến tu, không có độ cảm, không có ứng nghiệm để tu.
Trước khi tụng kinh, chúng ta có bài Tán hương. Tôi soạn bài Tán hương như sau : Lò hương vừa bén gỗ chiên đàn. Khói thơm ngào ngạt khắp trần gian. Ba ngàn thế giới đều thanh tịnh. Mười phương chư Phật hiện thân vàng.
Đối với người tu, hai câu sau rất quan trọng. Nếu tán hương bằng cách chỉ tụng suông, chắc chắn không có hiệu quả; quan trọng là ba ngàn thế giới đều thanh tịnh vì lưu xuất từ tâm tịnh. Thật vậy, tâm người tụng kinh đã thanh tịnh, thì ba ngàn thế giới trùng trùng duyên khởi cũng hoàn toàn bị tiêu diệt trong tâm hành giả; vì cái này diệt thì cái kia diệt, cho đến biến mất ba ngàn thế giới, nên tâm thanh tịnh hoàn toàn. Sự thật ba ngàn thế giới có thanh tịnh hay không không quan trọng nhưng đòi hỏi chính yếu là chúng ta phải tập trung cao. Còn miệng tụng nhưng không tụng bằng tâm khát ngưỡng cao, không thanh tịnh thì không có hiệu nghiệm. Vì vậy có thầy tụng kinh, người nghe phát tâm, nhưng cũng có thấy tụng, thấy bình thường, chẳng ai quan tâm.
Khi tâm chúng ta thanh tịnh cao thì tất cả từ chơn như duyên khởi và mười phương Phật hiện. Nói cách khác, một bên sanh diệt là ba ngàn thế giới sinh tử luân hồi biến mất thì mười phương Phật hiện ra. Tu hành không đi theo lộ trình này, kết quả ít hay không có, vì ta tu trên sinh diệt, vọng động, nên kết quả cũng tương xứng như vậy. Tu trên tham cầu phải trả giá đắt.