ÁT TÔ MÁT CHỐNG RÒ.
ELCB là viết tắt của cụm từ Earth leakage circuit breaker, thường được gọi tên theo các thói quen khác nhau là “Rơ le bảo vệ chạm đất”, aptomat “chống giật”, “cầu dao chống rò điện”. ELCB là loại thiết bị làm việc trên nguyên tắc phát hiện sự chênh lệch dòng điện đi và về để có thể ngắt phía nguồn tiêu thụ nếu có sự chênh lệch giữa chúng. ELCB được dùng để bảo vệ an toàn cho lưới điện, quan trọng hơn là sự an toàn của con nguời đối với các nguy cơ bị “điện giật”. Với tần số lưới điện 50Hz ở Việt Nam thì dòng điện truyền qua người vào khoảng 40-50 mA là đã đủ gây nguy hiểm chết người.
ELCB hoạt động dựa theo sự so sánh giữa dòng điện đi và dòng điện về để phát hiện sự chênh lệch dòng điện là bao nhiêu ở phía tải. Nếu sự chênh lệch này lớn hơn giới hạn của ELCB thì át sẽ ngắt điện.
ELCB thì có nhiều loại có các thông số khác nhau để phù hợp với từng cấp của phụ tải và mạng điện, chúng có một thông số cơ bản nhất là giới hạn của dòng điện rò để ngắt át. Các thông số còn lại là cường độ dòng điện chịu đựng, mức điện áp là việc. Ví dụ thông số của 1 ELCB thông dụng:
- Điện áp (xoay chiều): 230V
- Dòng điện rò: 30 mA
- Dòng điện chịu đựng: 30A
Nghĩa là át được sử dụng trong một mạng điện lưới có mức điện áp 220V, tổng dòng điện tải các cụ có thể sử dụng khoảng 30A, nếu quá mức cường độ dòng điện này thì ELCB sẽ tự ngắt – nghĩa là lúc này nó hoạt động giống như một át thông thường (chính vì vậy nhiều người đã quen gọi ELCB là “aptomat chống giật” theo thói quen). Thông số về dòng điện rò 30 mA sẽ là định mức để nếu có một sự chênh lệch dòng điện là 30 mA thì ELCB sẽ ngắt điện.
Không chỉ có tác dụng đối với sự an toàn của con người, ELCB còn có tác dụng đề phòng hoả hoạn xảy ra đối với mạng lưới điện. Vì chập điện, rò điện cũng là một nguyên nhân gây ra cháy, hoặc chúng cũng có thể là tác nhân giúp cho đám cháy được bùng lên mạnh hơn.
Khi chập điện thì tại vị trí chập nhau sẽ sinh ra nhiệt đủ để phát cháy đối với chính dây dẫn với vỏ cách nhiệt bằng nhựa, và chủ yếu là nhiệt đó sẽ tạo ra bén lửa đối với các vật xung quanh. Dòng điện có thể tăng cao đến mức làm các át ngắt điện. Sự ngắt này sẽ làm cho dòng điện không còn là tác nhân tiếp tục làm đám cháy mạnh thêm nữa.
Trong các trường hợp sự cố đối với các thiết bị điện gây phát nhiệt, nhiều khả năng là chúng làm cháy dây dẫn được bọc cách điện, do đó sẽ xuất hiện dòng điện rò ra vỏ thiết bị, và có thể chúng được truyền xuống đất. Không chỉ thế, trong các trường hợp khác thì dòng điện có nhiều khả năng rò xuống đất và làm mất cân bằng giữa dòng điện đi và dòng điện về trong một mạng điện gia đình. Vậy ELCB có tác dụng để ngắt điện.
Không phải gia đình nào cũng có thể lắp đặt được các ELCB để bảo vệ cho con người chống bị điện giật. Vì phụ thuộc vào mạng điện của nhà các cụ, cũng như chất lượng của thiết sử dụng điện. Nghĩa là chất lượng dây dẫn điện và cách lắp đặt chúng hiện tại trong gia đình của các cụ. Nếu như chất lượng dây dẫn tốt, thiết bị cách điện tốt thì chắc rằng các cụ dễ dàng lắp đặt một ELCB mà không gặp phiền toái nào, nhưng nếu dây dẫn điện, thiết bị điện có lớp cách điện chất lượng kém, sử dụng lâu năm thì sự truyền điện ra ngoài tường và các thiết bị khác để xuống đất làm cho luôn có một dòng điện không hoàn chỉnh, và như vậy thì ELCB sẽ luôn luôn hoạt động, mà đến lúc đó em tin chắc là các cụ chỉ có đường tháo bỏ chúng.
Nếu điều kiện kinh tế cho phép thì lý tưởng nhất là các cụ lắp các ELCB theo các cấp độ khác nhau, theo từng mức phân nhánh của thiết bị điện.
Với một ELCB lắp tại nguồn tổng thì át cần có thông số dòng điện tải lớn và dòng điện rò cao nhất. Điều này nhằm giúp cho hệ thống điện cả nhà không bị ngắt điện toàn bộ khi một ELCB nào đó ở các nhánh dưới cũng bị ngắt do có sự dò điện. Ví dụ một thiết bị nào đó bị rò điện ra vỏ hoặc một ai đó vô tình sờ vào điện ở một nhánh nhỏ thì ở nhánh tổng ELCB sẽ cắt điện, và toàn bộ nhà sẽ mất điện.
Tốt nhất là nên lắp một ELCB tổng với dòng điện tải phù hợp với cả nhà, có dòng rò định mức cao, lắp các nhánh con các ELCB có tham số nhỏ hơn. Cách lắp này còn giúp khoanh vùng các vùng bị rò điện mà không phải lật tung tường, dò từng vị trí xem chỗ nào gây rò rỉ nữa.
Vậy, tùy thuộc vào tình hình hệ thống điện, thiết bị điện, cũng như kinh tế của các cụ mà lắp đặt sao cho phù hợp. Để tránh sau này xảy ra sai sót, phải sửa chữa lại mất công, mất của.