Ok, vậy e hiểu thời viêm đế thần nông, với thời LLQ và AC rồi, nếu sử mình viết thế thì chấp nhận. Còn thời hiên viên, xi vưu thì sao ạ, HV XV cùng thời với Đế nào ko? hay sau thời các đế thần nông
Đây là Sử ta nhé:
TRUYỆN HỌ HỒNG BÀNG.
Họ Viêm Đế -Thần Nông, cháu ba đời của Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, đi săn tại phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh gặp con gái Vụ tiên, lấy làm vợ đem về sanh ra Lộc Tục, mặt mày sáng sủa, vốn thật thông minh, Đế Minh rất lấy làm lạ, bảo nối ngôi vị. Lộc Tục cố từ, nhường cho anh. Liền lập Đế Nghi kế vị cai trị đất Bắc. Phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương thường về thủy phủ, lấy con gái Động Đình quân long vương, sinh ra Sùng Lãm hiệu Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. Kinh Dương Vương không biết đi đâu mất.
Long Quân dạy dân việc cày cấy, bắt đầu có tôn, ti, quân thần, đạo cha con, vợ chồng. Thường khi trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự, chẳng hiểu vì sao. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! sao không về sống với chúng con” (Người Việt gọi Cha hoặc là Bô) thì Long Quân tới ngay. Sự linh hiển đó, người đời không ai lường nổi.
Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Nhân khi phương Bắc thiên hạ thái bình, bèn sai quần thần là bọn Xi Vưu thay mình trông coi việc nước, rồi đi tuần xuống nước phía nam đến nước Xích Quỷ. Khi đó, Long Quân đã về thủy phủ, trong nước không có vua. Đế Lai bèn để ái nữ là Âu Cơ và các hầu nữ ở lại nơi hành cung rồi đi chu du thiên hạ, ngắm xem các nơi danh lam thắng cảnh. Thấy hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, voi, tê, đồi mồi, ngọc ngà, vàng bạc, quế, tiêu, hương, trầm, đàn cùng các sơn hào hải vật không thiếu thứ gì, khí hậu bốn mùa không lạnh không nóng, Đế Lai thích thú, vui quá quên về.
Dân phương Nam bị phương Bắc phiền nhiễu, không được an bình như xưa, mới cùng nhau kêu Long Quân “Bố đang ở đâu? Sứ Bắc đang xâm chiếm, gây khổ dân mình!” Long Quân tức thì trở về.
Thấy Âu Cơ mặt mày xinh đẹp, Long Quân vui vẽ, liền hóa thành trai trẻ, dáng vẻ hào hoa, trái phải trước sau có người hầu hạ đông đúc. Đánh trống, thổi kèn vừa múa vừa hát, đi vào trong cung, Âu Cơ vui sướng phải lòng theo Long Quân về ẩn tại núi Long Đại Nham.
Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông, biến hóa thành trăm hình vạn trạng, yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi… làm cho bọn đi tìm Âu Cơ đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về phương Bắc. Truyền ngôi đến đời Du Võng, Xi Vưu làm loạn, Hiên Viên dẫn chư hầu tiến đánh mà không thắng được. Xuy Vưu hình thú mà nói tiếng người, mạnh mẽ lại thêm vây cánh, có người khuyên Hiên Viên lấy da thú làm trống đánh làm lệnh tiến quân, Xuy Vưu kinh sợ, bại ở Trác Lộc.
Đế Du Võng xâm lăng chư hầu, cùng Hiên Viên đánh nhau ở Bản Tuyền, ba lần thì thua, giáng phong ở Lạc Ấp rồi chết. Họ Thần Nông hoàn toàn mất hẳn.
Long Quân và Âu Cơ ở với nhau trong năm đó sinh ra một bọc, cho là điềm xấu, vứt hết ra đồng; qua sáu, bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng sinh một con trai, mới đem về nhà nuôi, chẳng nhọc công bú mớm mà các con tự lớn, đẹp đẽ vô cùng, thông minh, mạnh khỏe, mọi người nể phục, đều cho là những kẻ phi thường. Long Quân ở lâu dưới thủy phủ, vợ con sống một mình, nghĩ chuyện quay về đất Bắc. Âu Cơ về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về Bắc được, trở lại phương Nam, lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! Bố đang ở đâu? Sao để mẹ con tôi ngày đêm cô quạnh sầu khổ thế này!”. Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở chốn hoang dã mênh mông. Âu Cơ khóc mà nói rằng: “Thiếp vốn là người phương Bắc, nay ở với chàng nơi xứ này, sinh được trăm trai mà không cùng nhau nuôi nấng, làm cho thiếp và các con thành người không chồng, không cha, thật đáng thương thay!”Long Quân nói: “Ta thuộc giống rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy âm dương tương hợp mà sinh ra con cái, nhưng thủy hỏa khắc nhau, giòng giống không đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia tay. Ta đem năm mươi trai về thủy phủ chia trị các xứ, nàng đưa năm mươi trai về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trăm con nghe theo, sau đó từ biệt mà đi.
Âu Cơ cùng 50 con sống ở Phong Châu (Nay là huyện Bạch Hạc) cùng nhau suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới hồ Động Đình, nam tới nước Hồ Tôn Tinh (nay là Chiêm Thành). Chia nước ra làm 15 bộ (có khi gọi là Quận): Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải (nay là Nam Ninh), Dương Tuyền, Quế Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm và Tượng Quận. Chia cho các em cùng nhau chia trị các nơi đó. Lại đặt các thứ tự tướng văn, tướng võ, tướng Văn gọi Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, các quan gọi là Bồ Chính, Người hầu trai gái gọi là Sảo – Nhỏ (còn gọi nô tỳ). Bề tôi của vua gọi là Côi, đời đời cha truyền cho con, gọi là Phụ Đạo, đều xưng là Hùng Vương, không hề thay đổi.