Cảm xúc gỗ
Cô bạn gái làm hiệu phó ở SG nhân dịp nghỉ hè bèn khăn gói giỏ cói lên Tây chơi. Em vui quá vì hai đứa từ lâu chỉ âu yếm nhau qua màn ảnh hẹp, nay được ôm ấp bằng da bằng thịt còn gì hơn. Mà cái xứ Tây của em nó túng bấn từ dạo đầu tháng 3, nước sinh hoạt ngày có ngày cúp, muỗi mòng và bươm bướm thì cứ gọi là đặc sản. Cô bạn thở dài đánh thượt một cái nghe như em chối khách, em giải bày mãi cô ấy mới thông cảm cho em. Mà em nói thực, tháng 6 lên cái xứ Tây của em để nghỉ hè thì chỉ có mưa và mấy cái thác nước là ổn, nhưng cũng nguy hiểm rất nhiều. Ngoài ra, những cái khác đều là chán như con gián cả. Là em nói thế thôi, còn bây giờ em xin khoe những chỗ hai đứa em lang thang ở xứ Tây, là Tây Nguyên chứ không là Tây đui đâu ạ.
Em và cô bạn vào nhà của anh chàng Y Niêm, người Ê Đê tên họ được viết và đọc giống y chang người nước ngoài ấy. Ví dụ như Niêm này, họ anh chàng là Niê Kdăm viết và đọc Y Niêm Niê Kdăm, họ này thông thường y như họ Nguyễn của người Kinh. Mặt mũi anh chàng rất ngầu, tướng tá thì ngon lành, anh chàng nói tiếng Kinh hơi lơ lớ, sau khi bắt tay cô bạn của em, anh chàng nói “Gọi mình là Y Niêm, niêm trong niêm phong nha…” Giời ơi cô bạn mình lé mắt luôn, cổ hỏi em “Cậu có bị nhầm nhọt ở khoản nào không? Tớ thấy đây là giai kinh giới chuẩn mà” Đấy khách Sài phố phải mắt tròn mắt dẹt, người Tây em không phải dạng vừa đâu ha. Anh chàng Niêm này có ông anh là nghệ nhân đẽo tượng gỗ. Tượng gỗ ngày xưa chưa mưa là tượng nhà mồ của các sắc tộc Tây.
Tượng nhà mồ là một nét văn hóa rất đặc biệt, nó xuất phát từ phong tục ma chay của họ. Em trích ngang một chút xíu như sau: (Này là em chép lại lời kể)
Lễ Pơ Thi gọi nôm na là lễ bỏ mả.
Người chết sau khi chôn sẽ được chia của, ví dụ nhà có một cái bát ăn cơm thì đập ra làm hai chia cho người chết một nửa, có một cái nồi, một cái chảo, thì người chết sẽ được chia cái nồi hoặc là cái chảo. Phía đầu mộ có đặt cái ống để đến giờ ăn thì người nhà ra đổ cơm vào ống đó… Được thời gian sau có tộc người họ đem hỏa táng. Những hũ đựng tro được đặt trong một cái nhà mồ bằng gỗ, rồi chờ đến lúc gia đình có đủ điều kiện làm lễ bỏ mả mới đi đổ tro ra thiên nhiên. Mỗi một khu dân cư có một nhà mồ tập thể. Nhà mồ được làm bằng gỗ và dựng theo lối cổ truyền. Chung quanh họ đặt những bức tượng bằng gỗ, do chính tay người trong làng đẽo gọt.
Ngày nay, nhà mồ bằng gỗ hầu như không còn thấy trên Tây nguyên họ bắt chước người Kinh thay bằng xi măng ốp gạch (hiểu đúng thì rừng có còn đâu gỗ để làm nhà cho người chết). Tượng dựng quanh nhà mồ làm bằng sứ chứ không còn là tượng gỗ. Những người đam mê tìm hiểu nghệ thuật tạc tượng nhà mồ bằng gỗ tha hồ mà hoài niệm.
Ngày xưa, Lễ bỏ mả khi không còn hình thức địa táng vẫn có dựng tượng nhà mồ. Nhưng độc đáo ở chỗ, gỗ để tạc tượng là do người quá cố (hoặc bố mẹ) trồng cây mà nên. Mỗi một nhà mồ tập thể ấy theo thời gian sẽ trở thành nơi trưng bày tượng. Khi một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời thì bố mẹ chúng phải trồng cho nó một cái cây lấy gỗ. Đứa trẻ ấy lớn lên, già đi và sau khi chết thì người thân chặt cây ấy lấy gỗ để tạc tượng nhà mồ. Từ đây, hình thành một nền văn hóa mới. Văn hóa trồng cây xanh phục vụ cho việc bảo tồn những tinh hoa do người xưa để lại.
Rồi sẽ phát sinh ra tục “vay cây”. Nếu những người không may chết lúc còn trẻ. Cây của họ chưa cho chất lượng gỗ tốt. Người nhà phải vay cây của người già đang sống. Vay thì phải lấy lãi. Vay một cây thì đương nhiên trả phần gốc là cây còn non của người quá cố rồi. Ngoài ra, thân nhân phải trồng thêm một cây con nữa.
Kể đến thời gian hiện tại thì tượng gỗ trên xứ Tây em ở đã có một công năng khác. Chính các kiểu tượng ấy giờ là bảo vệ cho các quán cà phê, hoặc nhà hàng, hình thức trang trí ấy ạ. Còn lâu lâu vào rừng mà thấp thoáng các tượng gỗ thì đó là phế phẩm của các ngôi mộ bị bỏ. Cô bạn em bảo nếu nó gặp thấy nó sẽ chôm chỉa về Sài phố đánh bóng lên làm đồ sưu tầm. Gỗ của rừng cạn nên càng quý. Thời của chúng em rừng ơi đâu rồi nên thấy gỗ thấy rừng mà ức cho các cụ, cứ khoe rừng vàng để nhem thèm tụi chúng em, mịa các cụ! Em can ngăn cô ấy dữ lắm, vì quan niệm tượng bỏ lấy về hết cả hên. Cổ hỏi câu hỏi sao bỏ mả mà không đốt luôn đi, em biết chết liền nên im lặng âm thầm bước.
Tượng gỗ do anh cả của Y Niêm tạc rất đẹp, hiện nay nó là nghề chính của gia đình Niêm. Lần lễ hội cà phê tháng 3 vừa rồi có cuộc thi tạc tượng, anh ấy nói tượng bây giờ nét mặt rất đời, không dại khờ như xưa.