Thấy trên mạng có cái này - cũ rồi - không biết giờ có gì mới không!
04:33' PM - Thứ năm, 12/06/2008
http://www.giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/kinh-te-xa-hoi/Giay_phep_lai_xe_cho_nguoi_khuyet_tat-Vuong_viu_moi_be/
Tại TP Hồ Chí Minh, tuyến buýt đầu tiên dành cho người khuyết tật đã hoạt động. Tại Hà Nội, sau rất nhiều những lần trình bày, diễn thuyết, vẫn chưa có tuyến buýt nào được thiết kế để tiếp cận với người khuyết tật. Trong lúc chờ đợi mỏi mòn, đa số người khuyết tật vẫn tự túc về phương tiện đi lại, chủ yếu là xe ba bánh, xe máy. Cùng với việc cho phép xe của người khuyết tật đăng ký, đăng kiểm, nhà nước cũng yêu cầu họ phải thi lấy giấy phép lái xe (GPLX) để đảm bảo rằng họ hiểu luật giao thông và có đủ khả năng điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, chủ trương cấp GPLX cho người khuyết tật đang triển khai lại gặp nhiều trắc trở.
Khó khăn từ đâu đến?
Trong 5,3 triệu người khuyết tật ở Việt Nam, rất nhiều người vẫn đang tự bươn trải để kiếm sống như biết bao người lành lặn khác. Mặc dù có những khiếm khuyết nhất định về mặt thể chất nhưng đa số họ vẫn là những người có ý thức tôn trọng pháp luật và ý thức về bản thân rất lớn. Ngay khi biết được chủ trương của nhà nước về việc cấp GPLX cho người tàn tật, nhiều người trong số họ đã chủ động tham gia vào các buổi lấy ý kiến của ban ngành chức năng xung quanh những quy chế đưa ra làm điều kiện thi lấy GPLX.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn vướng. Vướng thứ nhất là “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển mô tô, xe gắn máy ba bánh dành cho người khuyết tật”. Từ trước đến nay, Việt Nam mặc dù có rất đông người khuyết tật nhưng lại chưa ban hành bất cứ văn bản nào liên quan đến vấn đề này. Việc triển khai xây dựng “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy ba bánh dành cho người khuyết tật” được Bộ Y tế tiến hành vài tháng nhưng vẫn chưa đi đến đâu.
Mặc dù đã tham khảo ý kiến người khuyết tật và qua mấy đời dự thảo nhưng “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển mô tô, xe gắn máy ba bánh dành cho người khuyết tật” vẫn lỗi hẹn khi phải lùi thời gian ban hành từ 1/6 như dự kiến trước đó xuống ngày 30/6. Trả lời thắc mắc của chúng tôi cho vấn đề này, ông Trần Quý Tường, Phó ban soạn thảo cho biết, bản dự thảo đã được trình lên để lấy ý kiến các bộ, ngành. Tuy nhiên, không hiểu văn bản đã “kẹt” ở đâu mà họ vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía các cơ quan liên quan đó.
Việt Nam có 5,3 triệu người khuyết tật. Đa số họ đều có ước muốn được hòa nhập cộng đồng, được đối xử như những người bình thường khác dù điều đó là hết sức khó khăn. Nó không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực bản thân của người khuyết tật mà còn là từ những chính sách khuyến khích của nhà nước, sự quan tâm của cộng đồng. Chuyện các Bộ được lấy ý kiến xung quanh dự thảo này chậm trễ trong việc phản hồi rõ ràng đã thể hiện sự thiếu quan tâm của những cơ quan nhà nước đến người khuyết tật.
Thế nhưng, sức khỏe chỉ là một vấn đề. Tại Hà Nội, Phòng Quản lý phương tiện đã chuẩn bị xong địa điểm thi lấy GPLX cho người khuyết tật tại Long Biên và Quốc Tử Giám. Phòng thi lý thuyết được bố trí ngay dưới tầng 1 để tạo điều kiện dễ dàng cho người khuyết tật khi tham gia thi. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi là bao giờ người khuyết tật có thể bắt đầu thi lấy GPLX thì câu trả lời nhận được là chưa biết. Bởi vì, việc thi lý thuyết rất dễ dàng nhưng thi thực hành là cả một vấn đề. Người khuyết tật được sử dụng xe của chính họ để tham gia thi là điều kiện đã được thống nhất. Tuy nhiên phần thi thực hành để kiểm tra tay lái của họ lại chưa biết phải xây dựng thế nào, hỏi ý kiến bộ liên quan thì vẫn chưa có câu trả lời chính thức.
Đợi đến bao giờ?
Một trong những điều phải làm để người khuyết tật dễ dàng hòa nhập cộng đồng hơn đó là tạo điều kiện cho những người đủ sức khỏe tham gia giao thông một cách hợp pháp từ việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện đi lại đến cấp giấy phép lái xe cho họ. Ông Trần Quý Tường, Phó ban soạn thảo dự thảo “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển mô tô, xe gắn máy 3 bánh dùng cho người tàn tật” cho biết, khi xây dựng dự thảo lần này, mong muốn lớn nhất của những người tham gia là sau khi ban hành quy định này có thể đi ngay vào cuộc sống và tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng nên các điều kiện đã được hạ xuống mức thấp nhất có thể. Vậy mà bất chấp tiến độ làm việc gấp rút của Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành được hỏi ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo lại thờ ơ.
Những người làm công tác tổ chức thi lấy GPLX cũng cho biết, việc tổ chức thi rất đơn giản và nhanh chóng tuy nhiên khi chưa có quyết định về phần thi thực hành thì họ chưa thể tiến hành được. Do đó, người khuyết tật muốn có GPLX sẽ vẫn phải đợi. Đợi đến bao giờ? Tất nhiên là đợi đến khi các Bộ, ngành thấy nước đến chân...