'Cứ thử cấm ôtô một tuần, sẽ biết được lòng dân'
"Chúng ta cứ thử cấm ôtô giờ cao điểm một ngày là sẽ thấy ngay kết quả, sau một tuần có thể kết luận biện pháp có được lòng dân hay không", ông Mai Trọng Tuấn - chủ nhân "giải pháp 5x5" trao đổi với VnExpress.
- "Giải pháp 5x5" mà ông đề xuất để chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM cụ thể là thế nào?
- Gọi là "giải pháp 5x5" vì tôi đề xuất hai thành phố lớn thực hiện cấm ôtô lưu thông vào nội đô 5 giờ trong một ngày, và 5 ngày trong một tuần (trừ thứ 7 và chủ nhật). Tôi chỉ đưa ra đề xuất cấm 5 giờ trong một ngày vì có 2 khoảng thời gian cao điểm thường xảy ra ùn tắc vào buổi sáng và buổi chiều kéo dài khoảng 5 tiếng. Còn việc phân bổ cụ thể thế nào là việc của ngành giao thông, tôi không thể lấn sân.
- TP HCM có khoảng 500.000 ôtô, trong khi xe máy là 5 triệu xe, tại sao ông lại xác định ôtô là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe và chọn đây là loại phương tiện cần phải cấm?
- Theo thống kê lượng ôtô chỉ bằng 10% xe máy nhưng diện tích chiếm mặt đường khi lưu thông lại là 55% và chỗ đỗ là 65% trong khi chỉ chở được 10% lượng người.
Mặt khác, việc hạn chế phương tiện cá nhân sớm muộn chúng ta cũng phải thực hiện vì tình trạng đường xá còn quá chật hẹp, vận tải hành khách công cộng chưa đủ để phục vụ người dân. Tuy nhiên, giữa việc cấm xe máy và ôtô thì chắc chắn cấm ôtô dễ hơn vì tác động đến ít người, trong khi hơn 95% người dân đang sử dụng xe máy để đi lại.
Ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công, người từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009 với ý tưởng “ đường bay vàng ”). Ảnh:
H.C. - Nếu cấm ôtô thì nội đô các thành phố đầu tàu của cả nước sẽ tràn ngập xe máy. Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng giải pháp này là đi ngược với xu thế phát triển chung của thế giới?
- Đúng là xu hướng phát triển chung của thế giới đều hướng đến sử dụng ôtô thay cho xe máy. Nhưng mình phải biết mình đang ở đâu, đang có gì chứ không thể muốn là được trong khi hạ tầng của chúng ta còn rất thiếu và yếu. Trước đây, vì nhiều lý do chúng ta từng đi ngược lại xu hướng phát triển của thế giới, lượng xe máy "bùng nổ" theo cấp số nhân nhưng đường xá chỉ tăng theo cấp số cộng.
Vì lợi ích lâu dài của toàn xã hội chúng ta cần chấp nhận "đi ngược" để tìm ra sự "thuận chiều" giống như trong toán học, âm nhân với âm sẽ thành tích số dương. Nay mai khi đã mở được đường, đời sống được cải thiện thì chúng ta xóa bỏ xe máy, trở lại theo đúng xu hướng phát triển của thế giới. Một khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đã phát triển, đủ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thì đề xuất không có xe máy trong khu vực trung tâm chắc chắn người dân sẽ đồng thuận, thậm chí tự động giảm sử dụng xe máy. Lúc đó, xe máy sẽ "dạt" về các địa phương khác nên không lãng phí.
- TP HCM đã có đề án tổ chức thu phí ôtô vào trung tâm (tức là vẫn cho người dân được quyền lựa chọn giải pháp) nhưng sau nhiều năm vẫn không thể thực hiện. Trong khi đó, không một nước nào trên thế giới áp dụng biện pháp cấm ôtô, ông nghĩ sao về tính khả thi của dự án?
- Để thực hiện việc thu phí ôtô vào trung tâm nhà đầu tư cần bỏ ra khoảng 18.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống trạm thu phí, sau đó người đi ôtô sẽ tiếp tục đóng phí khi đi vào trung tâm. Điều này sẽ trở thành gánh nặng cho nhiều người phải giành dụm lâu ngày mới mua được một chiếc ôtô. Còn những người giàu họ lại sẵn sàng đóng dù phí có cao để chạy xe vào trung tâm. Vì vậy, khó bảo đảm được việc giảm ùn tắc. Trong khi đó, nếu cấm ôtô vào nội đô theo giờ quy định thì dù anh có nhiều tiền đi nữa cũng không được vào, mọi người đều bình đẳng.
Một lý do quan trọng nữa là biện pháp cấm này sẽ không tốn một khoản tiền đầu tư nào cả và người đi ôtô cũng không phải mất thêm tiền phí vì hiện nay có khá nhiều loại phí rồi. Theo tôi "giải pháp 5x5" này sẽ được nhiều người đồng thuận hơn, tính khả thi cũng cao hơn.
Theo ông Tuấn, nếu thực hiện lệnh cấm ôtô vào nội đô, sẽ có thêm 50% diện tích đường cho xe máy, nhờ đó nạn ùn tắc sẽ giảm đáng kể. Ảnh:
Hoàng Hà. - Vậy biện pháp chế tài nào sẽ kiểm soát lệnh cấm?
- Khi thành phố đã đồng ý với chủ trương này thì kiểm soát không có gì khó khăn. Hiện nay thành phố đang thực hiện lệnh cấm xe tải vào nội đô trong khung giờ quy định, xe nào vi phạm sẽ bị lực lượng CSGT xử phạt ngay. Thử xem hiện tại có bao nhiêu người dám phạm luật, không ai muốn mình bị mất tiền cả.
- Ông căn cứ vào đâu để khẳng định, thực hiện giải pháp 5x5 chắc chắn chỉ trong một tuần lễ là đã có thể kết luận được?
- Thực tiễn sẽ chứng minh chân lý. Chúng ta cứ thử lệnh cấm xe ôtô một ngày sẽ thấy kết quả ngay lập tức, sau một tuần có thể kết luận ngay biện pháp này hiệu quả hay không và có được lòng đa số người dân hay không. Hà Nội vừa qua đã đổi giờ học, giờ làm, cấm đỗ xe... mà chưa thể rút ra được kết luận. Nếu thử thực hiện đề án này mà không có hiệu quả thì sẽ trở về như trước, không ảnh hưởng hay lãng phí gì.
- Theo ông, giải quyết việc đỗ xe như thế nào khi cấm ôtô vào nội đô, trong khi chúng ta lại đang thiếu bãi gửi xe?
- Tìm các bãi giữ xe ở khu vực trung tâm mới khó, còn vùng ven hay ngoại thành có rất nhiều bờ sông, bờ kè, những khu đất quy hoạch còn bỏ trống... Nếu cần vận động có thể cho dân cùng tham gia tổ chức bãi gửi xe để có thêm thu nhập.
Tại TP HCM, các cửa ngõ hướng vào trung tâm đường rất rộng rãi, 4 làn xe hơi như Điện Biên Phủ, Cộng Hòa... Các biển báo cho phép tốc độ xe hơi được chạy tới 80 km một giờ trên một đoạn đường chỉ dài 2 km. Những con đường cửa ngõ vào thành phố rộng và đẹp, xe chạy thênh thang là cần thiết và nên có nhưng trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta có thể lấy một bên đường, hoặc một phần để làm bãi đỗ xe, làm mái vòm cho xe đậu đàng hoàng mà vẫn lưu thông được. Nhìn những con đường rộng thênh thang này rồi đi tiếp vào trung tâm thành phố lại ùn tắc, xe hơi đỗ cả dưới lòng đường chẳng khác nào "cơm thì thừa mà gạo lại thiếu".
UBND thành phố cần xây dựng các tuyến xe buýt, điểm đỗ taxi, điểm thuê xe đạp để tạo sự kết nối liên hoàn chạy dọc các tuyến và vào sâu trong các khu dân cư ở khu vực trung tâm.
Cũng theo ông Tuấn, ngành giao thông nên xem taxi là một loại phương tiện vận tải công cộng, vì mỗi chiếc taxi mỗi ngày chở đến hàng trăm lượt khách. Ảnh:
H.C. - Tại sao đề xuất của ông không cấm taxi vào nội đô?
- Chúng ta không nên coi taxi như là một loại phương tiện cá nhân bởi mỗi ngày chở cả trăm lượt khách, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân rất lớn. 12.000 taxi tại TP HCM đang giải quyết việc làm cho mấy chục ngàn lao động. Cấm taxi trong giờ cao điểm là không hợp lý, người ốm đau, thai phụ vẫn cần phải có taxi phục vụ.
Cần nói thêm, để thực hiện lệnh cấm này cũng cần vận động các cán bộ nhà nước cùng tham gia, trừ các xe công vụ đặc biệt. Người có tiêu chuẩn sử dụng ôtô công nên được hỗ trợ tiền để đi taxi, chắc chắn là tiết kiệm được cả chi phí và lao động. Tiết kiệm được 2 chiều đường đưa đi và đón về, đồng thời cũng thể hiện được sự gương mẫu hòa đồng theo thực hiện nghị quyết trung ương 4 khóa 11.
http://www.baomoi.com/Cu-thu-cam-oto-mot-tuan-se-biet-duoc-long-dan/145/8334076.epi