Mới đây thì một ngân hàng tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) đã gặp phải rất nhiều rắc rối với thanh khoản (liquidity) và nhiều người đang lo sợ về sự rủi ro lan rộng của ngành ngân hàng giống với năm 2008. SVB là một “nạn nhân” của những chính sách tiền tệ trong năm 2020 và 2021. Năm 2021, lượng tiền gửi tại SVB tăng mạnh cùng với Quantitative Easing (QE). Khi đó ngân hàng này đã mua một lượng lớn trái phiếu dài hạn, trong đó có TPCP và TPTSĐB (MBS) ở mức lợi suất thấp với suy nghĩ rằng lãi suất sẽ tiếp tục ở mức thấp trong những năm sau đó. Tuy nhiên thì năm 2022, FED đã liên tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, dẫn tới việc giá trị danh mục trái phiếu này của SVB giảm mạnh. Sẽ không có gì đáng nói nếu như số tiền gửi (deposit) tại SVB được giữ nguyên. Tuy nhiên, do lợi suất của TPCP đã tăng mạnh trong năm 2022, nhiều người đã rút tiền gửi ở ngân hàng với lãi suất thấp để mua TPCP. Không những vậy, khách hàng của SVB chủ yếu là các công ty start up, VCs, do không có nhiều lợi nhuận trong năm 2022 đã phải đốt bớt số tiền gửi. Mới đây SVB đã thông báo họ đã bán đi $21 tỷ danh mục trái phiếu của họ và nhận lỗ $1.8 tỷ. Điều này đã gây ra một làn sóng sợ hãi cho những người đang gửi tiền tại SVB, khi họ nhận ra rằng SVB phải đang gặp một vấn đề gì đó với thanh khoản mới buộc phải bán đi một phần danh mục trái phiếu của họ. Một cuộc chạy ngân hàng (bank run) đã xảy ra khi mà SVB không có đủ thanh khoản (illiquid). Tạm thời thì SVB đã buộc phải ngừng hoạt động để có thể giải quyết vấn đề về thanh khoản này. Tuy nhiên thì nhiều khả năng đây sẽ không phải là một sự kiện rủi ro cho toàn bộ hệ thống ngân hàng (systemic risk), vì SVB chỉ không có thanh khoản (illiquid) chứ không phải là không có khả năng thanh toán (insolvent). SVB có thể bán bớt tài sản để trả cho khách hàng gửi tiền. Kể từ sau 2008, bảng kế toán của ngân hàng đã “cứng” hơn rất nhiều khi họ buộc phải giữ một lượng lớn tài sản có tính thanh khoản cao (liquid assets), không giống như trước 2008 khi mà bảng kế toán của ngân hàng toàn “rác”, dẫn tới một cuộc sập đổ diện rộng khi lửa bắt đầu lan.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, có 111 doanh nghiệp Mỹ đăng kí phá sản. Đây là con số lớn nhất trong 2 tháng đầu năm kể từ 2011. Nguyên nhân chính là do ngân hàng đã nâng lãi suất vay vốn và đồng thời thắt chặt hoạt động cho vay, cộng với việc nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng giảm dẫn tới doanh nghiệp không có đủ lợi nhuận để tiếp tục. NHTW đang nâng lãi suất để đối phó với lạm phát, tuy nhiên thì việc nâng lãi suất này không có tác dụng ngay lập tức tới nền kinh tế. Lãi suất cao cần thời gian để ngấm, đặc biệt là sau thời kì lãi suất thấp kỉ lục trong năm 2020 và 2021, nhiều doanh nghiệp và người dân đã có cơ hội để “khoá” mức lãi suất thấp cho chi phí vốn hay nhu cầu mua nhà, mua xe. Với mục tiêu neo cao lãi suất, thậm chí là thị trường còn chưa biết các NHTW, đặc biệt là FED, sẽ còn nâng lãi suất đến mức nào, mình tin rằng nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 và 2024 vẫn còn rất nhiều sóng gió, nói một cách khác là sẽ không có ‘soft landing’ hay là ‘no landing’ nào cả.
Tại thời điểm hiện tại thì dữ liệu về việc làm vẫn chưa quá tệ. Trong tháng 2, số liệu trợ cấp thất nghiệp mới là khoảng 211,000 người, hay là Nonfarm Payroll (NFP) tăng 311,000 người, đã giảm so với tháng 1 tuy nhiên thì vẫn khá cao, cả 2 đều chưa cho thấy dấu hiệu nghiêm trọng. Cùng lúc thì lạm phát, mặc dù đã đang trên đà giảm, vẫn ở mức cao so với mục tiêu 2% của FED. Với những thông tin như vậy thì FED đơn giản là sẽ không dừng lại. Thị trường thậm chí còn đặt khả năng cao rằng FED có thể sẽ nâng lãi suất 0.5% trong tháng 3 tới đây, tuy nhiên thì sau vụ việc với ngân hàng SVB, con số này đã giảm xuống còn khoảng 50-50 cho 0.25% và 0.5%.