Câu chuyện thứ hai: Chuyện ở khách sạn
Các cụ chắc cũng giống em, loanh quanh mãi trong đầu câu hỏi: "Một đôi vợ chồng sau gần hai năm xa cách thì sẽ làm gì khi vào khách sạn nhỉ?!". Suốt quãng đường từ sân bay về khách sạn, ngoài lúc ồ à, ngạc nhiên, thích thú với cái bằng lái xe của chàng thì em cũng băn khoăn như thế suốt.
Dạ vâng, em trả lời ngay đây ạ:
"Em không làm gì hết cả!"
Thật! Em thề!
Bời vì
Trước khi sang Nhật một tháng, ở quê nhà em do lý do sức khỏe đã bắt buộc phải làm một tiểu phẫu chuyên ngành các mợ và dù đã được tay bác sĩ trưởng khoa hẳn hoi - viện C - đảm bảo rằng chỉ sau 2 tuần là em ổn hẳn nhưng thực tế thì không phải thế. Đến lượt chàng ngạc nhiên không ngậm được miệng lại sau khi há hốc - rằng 2 năm qua đi có thể biến 1 phụ nữ nhảy phắt ngược lại quá khứ thành một thiếu nữ - với những biểu hiện bề ngoài rất tương đồng trừ việc nàng đủ già để không nên gọi nàng là thiếu nữ
Từ ngạc nhiên, và sau rất nhiều cố gắng... (phần 3 chấm là 1 phút dành cho tưởng tượng) không thành công thì hai đứa bắt đầu thấy bừng bực và chuyển dần cả sang lo lắng. Quyết định cuối cùng đưa ra là: em cần phải đi gặp bác sĩ chuyên khoa các mợ để tìm hiểu xem tại sao lại có sự thay đổi kỳ quặc ấy! Đây có thể gọi là cực hình của em khi còn ở nước nhà. Cứ mỗi lần nghe đến chữ bệnh viện - bất kể viện gì - là em lập tức nhớ ngay đến bệnh viện ... (em xin không nêu tên) chuyên khoa phụ sản - và là nơi con trai em chào đời. Em - khi đó là một mụ mặc trên người một thứ lếch thếch mà người ta gọi là quần áo sản phụ, kiệt sức vì chờ đợi và các loại thăm khám, oằn mình vì những cơn đau ngày càng dày và mạnh - được các y bác sĩ chăm sóc bằng cái cách mà cả đời em không quên. "Có đẻ không hay đi về?" - "Không đau ai gọi là đẻ?" - "Có cố lên không kẹp phóc-xép bây giờ"... là những câu em loáng thoáng nghe được giữa những tiếng là hét của các "bạn đồng môn" và của chính em. Ấy cũng là lý do mà cứ nói đến việc đưa em đi viện khám bác sĩ là em thấy mình hệt như một con lợn sắp bị chuyển vào lò mổ. Tuy nhiên, cứ tưởng tượng rằng 2 chúng em cả đời sẽ ở bên nhau như 2 người bạn tốt là em lại đành cố nhắm mắt đưa chân bước đi theo chàng tới một bệnh viện nhỏ chuyên khoa các mợ.
Ở Nhật Bản, chàng là nhân viên chính thức của một công ty và đóng các loại thuế khóa, bảo hiểm đàng hoàng. Cũng bởi thế mà khi chàng đưa em sang nước bạn với visa đoàn tụ thì em (và nếu cả con em sang) vẫn được hưởng bảo hiểm từ khoản bảo hiểm chàng đang đóng - hiểu đơn giản là một người đóng bảo hiểm thì cả nhà hưởng bảo hiểm. Bởi vậy, tiền khám bệnh không phải một sự lo lắng.
Em hồi hộp bước vào phòng khám, nơi đây sạch bong như vốn nó cần phải thế. Các nhân viên mặc đồng phục màu hồng nhạt khiến cảm giác đáng sợ của bệnh viện giảm đi nhiều phần (đến giờ em vẫn rất nghi ngờ chi tiết này! Không biết có đúng họ mặc màu hồng không - hay khuôn mặt tươi cười và sự dịu dàng của họ khiến mắt em đổi màu?!). Em được nhân viên bệnh viện đón chào y như em đang check-in chách sạn. Họ đưa cho em một tờ khai các tiền sử bệnh và các biểu hiện lâm sàng khiến em phải đi khám. Rồi, cô y tá tươi cười và nhẹ nhàng hướng dẫn em nơi thay đồ, gửi đồ để chuẩn bị vào khám. Em líu ríu bước theo cô ấy mà cứ như đang xem phim - cảm giác lo lắng và sợ hãi biến đâu mất. Thay vào đó là sự hồi hộp vì sắp được trải nghiệm những điều mới mẻ thú vị.
Em được đưa vào một căn phòng nhỏ, có một tấm rèm màu xanh lá cây giăng ngang phòng. Giữa phòng là một chiếc ghế. "Hay người ta chuẩn bị cho mình lên ghế điện để khỏi mất công khám??? Dám lắm! Mấy phút nữa cả phòng sẽ thơm lừng mùi thịt nướng cho mà xem! Các cô y tá xinh đẹp kia biết đâu là Bạch Cốt Tinh hóa thành? Làm gì có chuyện y tá với bác sĩ mà lại nhẹ nhàng dịu dàng thế???" Nghĩ vậy, em toát mồ hôi lạnh, run cầm cập, mắt láo liên nhìn xung quanh xem có chữ EXIT trên cánh cửa nào không. Nhưng mà kết thúc bằng sự vô vọng của em, căn phòng chỉ có 1 cửa ra là chỗ em vừa bước vào mà chỗ ấy thì cô y tá vẫn đang mỉm cười đứng đó, mời em ngồi vào ghế! Hu hu, em quyết không tin đời mình ngắn thế đâu!
"Xin thất lễ!" - Giọng nói nam giới từ sau tấm rèm trầm trầm cất lên mà cũng khiến em giật bắn mình.
Em khẽ cựa quậy trên ghế, thủ thế để sẵn sàng tung chưởng nếu cần
. Nhưng, thay vì mùi thịt nướng bốc lên thì em lại chỉ thấy người bác sĩ nam giới từ tốn hỏi em về triệu chứng em gặp phải, về những tiền sử bệnh viện trước đây của em. Chỉ có điều em băn khoăn mãi là chả lẽ y học Nhật Bản kém xa nước ta đến vậy - khi người bác sĩ tỏ vẻ không thể hiểu nổi tại sao các bác sĩ ở Việt Nam lại chỉ định cho em phải phẫu thuật để làm cái này nhỏ đi cái kia hẹp đi khi mà cơ thể con người vốn thích nghi và tự thích nghi với tình trạng sức khỏe cụ thể của người sở hữu cái cơ thể đó?
"Để có thể khám, tôi sẽ phải điều khiển chiếc ghế quý khách đang ngồi vào vị trí phù hợp. Đầu tiên, chiếc ghế sẽ nâng cao lên một chút, rồi sau đó sẽ ngả ra và đưa hai chân quý khách rộng ra. Xin quý khách đừng lo lắng! Tôi chưa bắt đầu khám". Tổ hợp các câu nói trên ở Việt Nam chỉ gói gọn trong 2 từ: "Lên bàn!" thôi ạ!
"Bây giờ tôi xin phép bắt đầu khám cụ thể. Tôi sẽ phải chạm tay vào cơ thể quý khách!" - "Giời ạ! Người ta còn xin phép để chạm vào mình ư? Có lẽ nào thế? Chả phải bác sĩ nghĩa là nói cởi phải cởi, nói khám là... muốn động đâu chạm đâu thì động - "không thì đi về!" sao???" em kinh ngạc nghĩ.
Bằng cách nào đó thì việc mà em ghét vẫn diễn ra bằng cái cách ít đáng ghét nhất.
Bác sĩ kết luận em chưa có biểu hiện bệnh gì cả, có thể chỉ là do tâm lý căng thẳng và ảnh hưởng của lần phẫu thuật trước. Em được kê một loai thuốc-không-nguy-hiểm nào đó và yên tâm ra về với suy nghi: "thực ra mình rất ổn!"
Sau đó, mọi việc vẫn diễn ra bình thường cho đến tận giờ.
Ở trong khách sạn vào hôm đó thì không có chuyện gì xảy ra cả, nhưng cảm giác khi em đến bệnh viện mà rất giống check-in khách sạn ấy thì bây giờ em vẫn chưa quên (và em thường tưởng tượng về nó để tự an ủi khi bắt buộc phải đến bệnh viện ở ta).
Một tuần dạo chơi Tokyo trước khi trở về miền nam Nhật Bản - thành phố Osaka nắng ấm với những con người nồng hậu - đã thực sự trở thành honeymoon thứ hai khó quên của em.
Những bông hoa ở Tokyo
Những chiếc khăn đỏ quàng trên cổ các pho tượng trong căn miếu nhỏ
Con quạ đậu trên cột đèn đường trong thành phố
Hoa ở khắp nơi, trong bãi đậu xe thường có những bông hoa rất giống hoa anh túc
Những đóa vàng rực rỡ yểu điệu trên tường nhà
Những giọt trong vắt trên hoa cỏ mùa xuân
Triền đê tĩnh lặng gợi nhớ bờ song Hồng quê nhà
Lắng đọng trong em một Tokyo tĩnh lặng, dịu dàng, trong vắt và thơm ngát hương hoa...
Khi Nhật Bản không chỉ có hoa anh đào...