Trước công nguyên thời Aristotle, khi quan sát hiện tượng ống hút (ngậm mồm vào cây sậy để hút nước chẳng hạn), người ta nhận thấy thiên nhiên có xu hướng làm đầy các khoảng trống, không để xảy ra "chân không". Chất lỏng hoặc khí sẽ tràn vào ngay khi chúng ta tạo ra chân không. Quan niệm "thiên nhiên sợ chân không" (Nature abhors a vacuum) ra đời từ đó, và sau này được François Rabelais nghiên cứu và viết thành sách đầu thế kỷ 16. Nó là nền tảng lý thuyết của các máy bơm tay hút nước giếng khoan, và được ứng dụng rất nhiều ở các vùng đất không có nước mặt.
(Người phụ nữ bơm nước từ giếng khoan đầu thế kỷ 19 ở Anh)
Tuy nhiên khi khoa học phát triển dần, đến đầu thế kỷ 17, Galileo nhận thấy mặc dù thiên nhiên vẫn sợ chân không nhưng đến một chiều cao nhất định của ống hút thì chân không bắt đầu xuất hiện. Ông bắt đầu đo đạc để lượng hoá nỗi sợ hãi của thiên nhiên trước chân không, và sau này ở bậc phổ thông chúng ta đều được biết nguyên lý máy bơm hút chân không là do "áp suất khí quyển", thiên nhiên không hề sợ chân không tí nào. Cột chất lỏng cao đến khi nào lực nén nó tạo ra cân bằng với áp suất khí quyển đầu bên kia của ống, khoảng 10m nước hoặc 0,76m thuỷ ngân, có thể tính được dựa vào khối lượng riêng của chất lỏng. Nếu ống hút cao 12m so với mực nước thì khi hút chân không, 10m phía dưới là nước, 2m trên cùng sẽ là chân không. Khi nắm được bản chất của hiện tượng áp suất khí quyển, người ta lý giải được nhiều vấn đề tự nhiên lâu nay cũng như ứng dụng nó trong nhiều ngành như khí tượng, hàng không, thăm dò khai thác biển...
Đây là một câu chuyện đơn giản điển hình về quá trình tìm hiểu nguyên lý khoa học và ứng dụng vào đời sống. Ngay cả khi chúng ta có lý thuyết hợp lý, có thực nghiệm kiểm chứng (nhưng chưa đủ các trường hợp) và ứng dụng thực tế thì cuối cùng vẫn có lý thuyết khác hoàn toàn thay thế, lý thuyết cũ hoàn toàn sai bản chất. Vì vậy, thực nghiệm là điểm mấu chốt không thể bỏ.
Trở lại câu chuyện của cụ, việc cụ tìm hiểu và ứng dụng những lý thuyết về năng lượng vào chữa bệnh cho bản thân mình và có kết quả tốt không đồng nghĩa lý thuyết đó đúng. Rất có thể mọi thứ chỉ là kết quả của ăn ngủ điều độ, đầy đủ dinh dưỡng, tinh thần lạc quan... Muốn có kết quả rõ hơn, để kết luận rằng tồn tại năng lượng như cụ hình dung và nó có tác dụng chữa bệnh như cụ mong muốn thì cần nghiên cứu bằng phương pháp khoa học: áp dụng thử nghiệm trên nhiều người và bóc tách hiệu ứng placebo v.v. Nếu không có phương pháp khoa học để xác định, chỉ dựa vào cảm tính thì chúng ta lại rơi vào tình huống "thiên nhiên sợ chân không" ở trên.