Chuyện ngõ đường phố của hai đứa ngố Tây Nguyên
Kể một chút xíu chuyện hai đứa ngố, do cứ chăm chú nhìn bản đồ trong phố cổ mà bị ám ảnh cái tên ngõ rồi phố. Con bạn thân thì đem phố và đường dịch ra tiếng Anh là City và street, rồi giải nghĩa ngược city là nơi diễn ra cuộc sống, street là đường để đi. Vậy ngõ thì sao? Nó bảo ngõ là nơi người ta ở. Hai đứa ngố bà tám thế nhưng vẫn thắc mắc, về đến ks rồi vẫn thấy khúc mắc trong lòng... Tắm rửa nghỉ ngơi xong bèn vội vàng lên mạng tìm hiểu, vụ in tẹc nét này đúng là lợi hại, hai đứa đọc được nhiều lời giải thích và thích nhất một bác có nick Chito viết rất dễ hiểu, là như thế này:
Một số bạn trong Nam thắc mắc: tại sao ở Miền Bắc, mà cụ thể là Hà Nội, gọi đường là
phố, nhưng rồi lại vẫn có
đường. Thế thì phố khác đường ở cái gì?
Phố - nguyên nghĩa là cửa hàng, cửa hiệu mua bán, trao đổi. Một ngôi nhà là nơi bán hàng gọi là một
căn phố. Nhiều căn phố đứng cạnh nhau trở thành một
dãy phố. Rồi cả một con đường gồm nhiều căn phố được gọi ngắn gọn là một "
con phố" lúc nào không hay.
Thế là con đường với nhiều căn phố bán vải trở thành "phố Hàng Vải", nhiều căn phố bán bông trở thành "phố Hàng Bông". Từ đó, cái tên
phố để chỉ con đường với các cửa hàng cửa hiệu mua bán. Phố không chỉ là nơi để đi lại, mà còn là nơi trao đổi, mua bán, phố không chỉ là con đường đơn thuần, mà là con đường với sức sống kinh tế nhộn nhịp.
Do đó, tại Thăng Long xưa và Hà Nội nay, vẫn phân biệt Phố và Đường. Những nơi không có mua bán thì vẫn gọi là đường. Nhưng dần người ta cũng không còn nhớ cái ý nghĩa đó nữa, và đặt Đường hay Phố chỉ như một thói quen.
Mỗi lần nghe đến "phố", tôi lại nhớ đến những con đường xôn xao tiếng bán mua, cười nói, những con đường đặc trưng của một đô thị giao thương, và nó không chỉ đơn thuần là những con đường...
Đọc xong hai đứa mới hài lòng vì đã hiểu cụ thể cái khác lạ mà mình muốn hiểu, gõ tới đây lại nhớ ra một câu nói hay: Nếu yêu điều gì đó sẽ tìm hiểu nhưng nếu hiểu thì mình cũng sẽ yêu.
Vài điều thú vị khác
Ngõ ở HN
(*2)
Theo bản đồ thành phố HN in năm 1960 thì Hà Nội: Phố Bạch Mai có 25 ngõ, trong đó có 22 ngõ có tên và 3 ngõ là số. Phố Khâm Thiên có tới 32 ngõ, chỉ có 2 ngõ là số còn lại là ngõ có tên; Ngõ Chợ, ngõ lớn nhất của phố Khâm Thiên lại chứa trong nó 23 ngõ với 9 ngõ có tên. Phố Nam Đồng có 14 ngõ… Nếu tính tổng số ngõ có tên xuất xứ từ ngõ làng thì 3 quận nội thành cũ gồm: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa có khoảng 150 ngõ…
Mỗi con ngõ chứa rất nhiều câu chuyện thú vị, như ngõ Đào Duy Từ (phố Tạ Hiện sang phố Đào Duy Từ) xưa là ngõ Sầm Công. Sầm Công là Sầm Nghi Đống vị tướng bị vua Quang Trung vây ép đến đồn Khương Thượng đã thắt cổ tự tử. Người Hoa ở HN lập đền thờ ở sau phố Hàng Buồm, gọi là ngõ Sầm Công. Lần đi qua nơi ấy nữ sĩ Hồ Xuân Hương có bài vịnh rất hay:
“Ghé mắt trông ngang thấy biển treo
Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”
Đọc thơ bà vịnh sướng rơn trong bụng …
Nghe kể đền nay không còn. Và ngõ nổi tiếng nhất là ngõ Tạm Thương, có nhiều sự giải thích về ngõ này, mà thật ra chỉ nhớ nó nổi tiếng thôi. Năm lớp 10 học thơ Chế Lan Viên có bài nói về ngõ Tạm Thương:
Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bẩy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải Tạm Thương
Nhà thơ Bằng Việt cảm tác ngõ bằng hai câu thơ đọc lên thấy buồn buồn, kẻ khách du như hai đứa tôi chợt muốn được chia sẻ chút nỗi niềm con "ngõ"
Tôi trở về những ngõ quen xưa
Mỗi ngõ nhỏ giấu một lời tâm sự
Mỗi con ngõ nhỏ khiến hai đứa phải lòng một cách rất tự nhiên như thế, nhưng đi ngoài đường mà cứ chăm chăm vào các con ngõ thì quá bất lịch sự. Hình ảnh hai đứa mục sở thị lại làm nhớ đến một con đường thông nhau từ nhà này qua nhà kia trong phố, trong ngõ, thời chống Pháp mà lần nào đó được nhìn trên phim, rồi tự hỏi nhau: Con đường thông nhau trong ngõ ấy liệu có còn?
p/s: (*2)trích sách khảo cứu "Đi xuyên Hà Nội" Tg: Nguyễn Ngọc Tiến