Cố đô Hoa Lư lần thắp nén hương đầu tiên của tôi.
Trong những năm còn ngồi ghế nhà trường bọn mình học lịch sử, học về vị Vua đã thống nhất đất nước sau khi dẹp xong loạn Mười hai sứ quân, ngài ấy được nhân dân tôn là Vạn Thắng Vương. Học về khí phách của vị Vua xưng Hoàng Đế đầu tiên của nước Việt năm 968-980 với niên hiệu Thái Bình Nguyên Niên, tạo dựng lên kinh đô Hoa Lư ở vùng đất hiểm Trường Yên, đặt nền móng vững chắc cho hai triều đại nữa nối tiếp nhau. Học người xưa trong sử sách và nay được đứng thắp nén hương thành kính trước bàn thờ, đặt dấu chân mình trên Kinh đô của nhà nước phong kiến đầu tiên của Việt Nam, câu chuyện ngỡ như mình đang mơ.
Nếu có một nơi nào đó làm cho bạn có cảm giác hoài niệm mà kính cẩn bên ngoài một bậc thềm im vắng, cho bạn cảm giác thấu hiểu dưới nét nhìn xa xăm trên những khuôn mặt trầm tư trên bàn thờ, cho bạn lắng lòng hơn với những tích cũ chuyện xưa, cho bạn cái cảm giác có lỗi khi lỡ đi quá mạnh, nói quá to… thì đó chính là Cố đô Hoa Lư.
Cố Đô Hoa Lư vốn là vùng đất có bề dầy về văn hóa và truyền thống, có các cụm di tích quốc gia đặc biệt. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa thì Hoa Lư có nhiều nghĩa, nhưng có 2 nghĩa cơ bản nhất: Hoa Lư là Hoa Lau và Hoa Lư là Làng Hoa.
Tôi ngồi bên ngạch cửa của ngôi đền thờ thái hậu Dương Vân Nga, ngắm nhìn những đóa sen màu vàng hồng trong chiếc bình cổ, lắng nghe mọi âm thanh chạm vào cái thứ tĩnh lặng của khu vườn yên tĩnh… trong đó có cả cái thứ suy tư của chính lòng tôi.
Bước theo chân các khách khác vào ngôi đền thờ vua Đinh, âm thầm đốt nén hương… tôi đứng một bên nương tai theo tiếng trầm trồ của khách, họ xăm xoi những con rồng trạm trổ sống động với nhiều hình thái khác nhau. Lời giới thiệu của cậu chàng HDV nghe như rất tự hào khi nói: Đền vua Đinh Tiên Hoàng là công trình kiến trúc độc đáo nhất, trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17.
Lại nghe cậu chàng giới thiệu về đồng tiền điếu của triều đại nhà Đinh, vua Đinh Tiên Hoàng truyền cho đúc tiền đồng, là tiền tệ xưa nhất Việt Nam, gọi là tiền đồng Thái Bình. Đặt nền móng cho nền tài chính tiền tệ của nhà nước phong kiến Việt Nam. Tiền được đúc bằng đồng, hình tròn lỗ vuông, biểu tượng cho trời và đất theo quan niệm của người phương Đông. Quan niệm trời đất vẫn được giữ gìn nhất quán trong việc đúc tiền qua hơn một chục triều đại vua tiếp theo.
Suốt thời gian sau đó, chúng tôi lướt qua cái an tịnh của không gian nơi đây bằng sự nhộn nhạo của những người khách mang tâm hồn phố thị, chúng tôi đã nói cười, nhìn ngắm mọi ngõ ngách trong “Đền Vua” hơn là lắng nghe chúng bằng cái thứ an tịnh của lòng mình… Nên chi hai đứa tôi đều giữ trong mình cảm giác chưa đi hết Cố đô.
Trong thâm sâu, chúng tôi vẫn mong một lần trở lại nơi này thêm lần nữa. Còn đó câu chuyện của hai nàng công chúa con vua Lê Đại Hành, nàng Phất Kim tội nghiệp và nàng Phất Ngân lên ngôi Hoàng Hậu triều nhà Lý từ sự suy thoái của gia tộc mình, mà vì đi vội hai đứa đã lướt qua.