Theo thông lệ GPS sống của chúng ta sẽ bắt đầu rắc thính , mời bác Dims
Dạ, kính các bác cho em show tý ạ :
.........Vừa qua đỉnh đèo Chấu một quãng tôi thực sự chóang ngợp trước một thung lũng nó quá đẹp nếu như không muốn nói là rất rất, rất đẹp. Ruộng bậc thang chảy dài nhễ nhại từ trên núi xuống thung lũng như có ai nhào nặn tô vẽ, sắp đặt. Từng vạt ruộng bậc thang tuy được hình thành từ bàn tay lao động thô ráp nhưng nhìn nó mềm mại như lụa ôm lấy các sườn núi, lan tỏa từ trên xuống. Ở nó tóat lên một sức sống mãnh liệt, một sự cần cù chăm chỉ chịu thương chịu khó của người Thái.
Tôi thật sự ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên và bàn tay con người, định thần một lúc tôi mới tin vào những gì mắt mình nhìn thấy. Thực ra tôi không phải dân văn nên tôi không biết miêu tả thế nào cho hết vẻ đẹp nơi đây, có lẽ ai muốn biết nó đẹp ra sao thì có lẽ nên đến một lần cho biết. Còn tôi từ lần đi mà tôi đang kể đến giờ tôi đã quay lại đó thêm một lần và giờ vẫn ôm mộng đến nơi đây vài lần nữa: ít nhất là mùa lúa chín để chiêm ngưỡng cái màu vàng ruộm để được hít đầy lồng ngực cái hương thơm của nếp Tú Lệ và ước một lần được đến khi người ta đãt gặt hết ruộng chỉ còn lại trơ lại gốc rạ.
Ngẩn một lúc tôi giở bản đồ ra xem đây thuộc khu vực nào hóa ra là Tú Lệ là đây. Tú Lệ là một xã được mang tên của một người con gái Thái. Xã Tú Lệ nằm lọt thỏm giữa giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Có một lần nói chuyện với bác Du Gia bác ấy bảo tôi nếu cô có đi Tây Bắc nhớ ăn xôi Tú Lệ nhé. Tú Lệ nổi tiếng với câu nói: Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò. Khi bắt đầu đi từ HN tôi cũng không ngờ rằng tôi được đi qua vùng đất đầy mê hoặc này.
Tôi có quá ít thời gian khi dừng lại nơi đây. Sau khi đi về nói chuyện với các bạn tôi, có người còn lê la lang thang đây cả ngày trời, tôi đi thế này đúng kiểu cưỡi xe hơi xem hoa chẳng thấm tháp vào đâu. Qua Tú Lệ chúng tôi bắt đầu leo đèo Khau Phạ.
Đèo Khau Phạ cũng là một trong những con đèo hùng vĩ và đẹp nhất vùng Tây Bắc. Khau Phạ, tên gọi của người Thái Đen, theo cách giải thích của họ có nghĩa là Sừng Trời, còn giải nghĩa nôm na tên đèo Khau Phạ gọi là đèo Cổng Trời, nó là con đèo dài nhất trên toàn tuyến quốc lộ 32. Đèo rất hiểm trở và thường xuyên lở đất đá vào mùa mưa lũ, gây ách tắc giao thông và tai nạn cho các phương tiện đi lại.
Càng đi càng ngỡ ngàn vì vẻ đẹp hùng vĩ hoang sơ càng thấy không gian mênh mông của núi non điệp trùng. Người ưa cảm giác mạnh sẽ thật thích thú khi xe ô tô như quay tròn trên vô số khúc cua. Vẫn là cảnh đèo một bên là vach vúi, một bên là vực sâu. Phía dưới xa xa là Tú Lệ với bản làng lúp xúp, những ngôi nhà sàn gần sát nhau cho tôi thấy cảnh giác đầm ấm. Vòng vèo quanh co rồi đến khi mọi thứ béo tẹo là lúc chúng tôi đứng trên đỉnh đèo, mây là là sát đầu khiến tôi như thấy bầu trời thấp đến mức chỉ một cái với tay, tôi có cảm giác giống như mình đang đi lên trời. Mọi thứ như thoắt ẩn thoắt hiện trong làn mây. Những dải núi nhấp nhô phía dưới trở nên bé nhỏ, lúp xúp như những cái lều tranh và lẫn khuất trong mây mù. Tôi có cảm giác tất cả túi gió của trời đang dồn hết về nơi này. Nhìn GPS lúc này đang chỉ độ cao là hơm 1500m.
Dọc quãng đường đèo dài nhũng nhẵng hơn 30 km chúng tôi đi thật hoang vắng, hầu như không có tiếng động cơ trên đường. Thỉnh thoảng lắm mới thấy bóng dáng một cô gái Mông gùi củi đi ngang qua, một vài con dê núi, con lợn đen trùi trũi chạy qua. Không gian im vắng và hoang sơ đến rùng mình. Chỉ có tiếng động cơ xe chúng tôi là vẫn độc tấu thứ đơn điệu trên đường. Tuy nhiên, có vẻ như chính sự khó khăn, mạo hiểm trên đường đi như thế mới làm nên nét duyên riêng, sự quyến rũ bí ẩn của vùng đất miền tây bắc Tổ quốc, đòi hỏi người ta phải khám phá. Và lần đầu tiên tôi cảm nhận được vẻ đẹp của mảnh đất vùng cao hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Thật là lạ kỳ khi qua đỉnh đèo một đoạn thì không khia và khí hậu lại hoàn toàn khác. Xe đi xuống chân đèo cũng là lúc trời bắt đầu hửng nắng. Con đường phía trước mặt lại hiện ra với đường cong quen thuộc, tựa như nét cong trên cơ thể người phụ nữ. Rồi nắng bắt đầu rực rỡ như rót mật ong xuống những ruộng lúa bậc thang. Lác đác vài người HMông đi tra hạt ngô trên sườn núi. Sắc màu xanh ngắt của lúa non, của ngô như được nhân lên trên nền xanh của núi rừng tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng mà kỳ vĩ. Dưới kia là cánh đồng Cao Phạ, những thửa ruộng bậc thang trải dài ngoằn ngòeo như những nét cọ tuyệt đẹp của những họa sĩ nông dân. Hãy hình dung khung cảnh này vào khỏang 3 tháng nữa, thung lũng hiện tại sẽ tràn ngập màu vàng của lúa chín, nổi bật giữa núi đồi Tây Bắc. Còn gì đẹp hơn?