- Biển số
- OF-188697
- Ngày cấp bằng
- 7/4/13
- Số km
- 223
- Động cơ
- 333,722 Mã lực
CÂU CHUYỆN MỘT GIA ĐÌNH
Một đêm ba mươi trời tối đen như mực, lâu lâu một tiếng súng nổ lạc lõng từ bót phân, chi khu trên cầu Quán Chim. Cả ấp chiến lược chìm sâu trong giấc ngủ đầy nỗi lo âu trong bộ máy kềm kẹp và hàng rào kẽm gai của Mỹ - nguỵ, bỗng một phát pháo sáng loé lên từ hướng chi khu Long Thành. Trong ánh lửa chập chờn, nhận rõ hai chiếc ghe chèo đang nép mình bên bụi đước vàm Phước Thái. Tuyết Vân, người lính hậu cần nhanh tay bế cháu bé Lê Toàn Thắng vừa mới sinh được 15 ngày mà đã hai lần phải tắm mình dưới sông nước mặn tránh phi pháo, đặt vào chiếc thúng giữa ghe đậy lại bằng tấm lưới đăng. Ngồi trước mũi là người mẹ Nguyễn Kim Mến, đại đội phó quân y Đoàn 10, đầu đội khăn rằn tay cầm dầm ngoảnh lại nhìn đứa con trai đang yên giấc nằm gọn trong thúng sau lần cho bú cuối cùng. Đại đội trưởng trinh sát Phạm Kế Tiếp hai tay cầm chèo đang khom người sau lái là chồng của Tuyết Vân hôm nay cùng tổ trinh sát đưa đứa bé vào ấp chiến lược gởi cho ông Bảy đóng ghe, một cơ sở chí cốt của đặc côn Rừng Sác, nhà nằm sát mép nước bến Hồ Nam. Không còn cách nào khác hơn, bởi nơi chiến trường sông nước này sau tấn công Mậu Thân 68, địch tập trung phản kích ác liệt cả ngày lẫn đêm, hầu như không lúc nào ngớt tiếng gầm rú của động cơ máy bay, tàu chiến, bom đạn. Không còn một căn cứ nào an toàn, cả đơn vị phải lo dốc sức đối phó.
Lê Bảy kề tai dặn nhỏ Tám Tiếp:
- Chú Tám giúp anh cùng chị đưa cháu vào gởi trong ấp, mọi việc đã bàn với ông Bảy. Chờ nước lớn, lách qua tắc tránh Vịnh Cây Trường địch thường hay phục kích, coi chừng cháu khóc lộ đường đi.
Vẫn nét mặt vui tươi bình thản của anh lính trinh sát như khi bước vào trận chiến, Tám Tiếp nói vui:
- Anh Bảy yên chí, em bảo đảm cùng chị lo an toàn cho thằng “Việt C ộng con” này, đột nhập gài sâu ém sẵn vào lòng địch, chờ ngày nổ súng…
Mái chèo nhẹ nhàng lướt đi để lại phía sau từng vệt ánh sao lấp lánh trên mặt nước, trông vui mắt. Họ mất hút vào đêm đen sau đó vài phút.
Thế rồi ba tháng sau, thằng bé cứ lớn lên như thổi. Một sáng lành lạnh gió đông, ông nội nuôi sai cô Bảy Lợi theo ghe lưới đem ra rừng chiếc ảnh màu mới chụp với đôi mắt tròn xoe bụ bẫm ngồi dựa lưng vào ghế mây. Các cô chú Giải Phóng chuyền tay nhau xem gần khắp cả, Ban Hậu cần đóng quân bên bờ sông Thị Vải trầm trồ thèm khát được một lần hôn lên đôi má thằng bé thơm sữa đang sống trong vòng tay của gia đình cơ sở.
Lúc này Kim Mến đang lo chăm sóc thương bệnh binh ở trạm xá tại tắc Kỳ Quang, chỉ cách xa căn cứ vài trăm mét thì một chiếc trực thăng Ong Ruồi loại OV6 rà sát đọt cây phát hiện căn cứ, nện ngay hai quả pháo màu chỉ điểm. Biết là tình huống nguy hiểm sẽ xảy ra, chị liền điều động sơ tán hết thương binh ra xa. Lập tức từng cặp cá lẹp trực thăng phóng pháo lao tới… Oàng đùng… Oàng đùng… hoả tiễn 90 ly nổ tung, mịt mù khói lửa. Người nữ quân y sỹ trúng đạn nằm sóng soài trên mặt sình lầy khét lẹt thuốc súng. Một chân chị gãy lìa, dập nát, trên vai vẫn còn mang nặng túi cứu thương với khăn rằn quấn cổ. Chiếc ba lô tung toé, áo quần bay dính lên ngọn mắm, vẫn còn nhận rõ mấy mặt áo gối với đường kim mũi chỉ thật khéo tay mà chị đã tranh thủ may thêu với niềm hy vọng ngày về trao tặng ba đứa con thơ. Chị quê ở tận huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá, tập kết ra Bắc rồi vượt Truờng Sơn về Nam năm 1967. Từ R được chị Ba Định – Phó Tư lịnh Quân Giải phóng Miền, ký quyết định điều về phục vụ tại trung đoàn 10 đặc công. Chị hy sinh đúng ngày 20 tháng 01 năm 1970 trong lúc tấm hình đứa con trai yêu quý vừa mới lọt lòng đã phải xa mẹ, chưa đến được tay chị. Đứa bé cũng chẳng bao giờ được nhìn thấy mặt mẹ từ đây…
Thuỷ triều cứ ngày hai buổi xuống, lên. Địch vẫn tăng cường chà xát quyết liệt hòng trục lực lượng “đặc công nguy hiểm” ra khỏi địa bàn. Nhưng tàu vận tải quân sự trên sông Lòng Tàu vẫn chìm tại bến cảng, kho xăng bốc lửa, kho đạn nổ tung… người này ngã xuống người khác tiếp tục lao lên phía trước…