TÌM GIỌT MÁU RƠI
Chiếc xe honda từ ngoài ngõ chạy vào, chở hai người khách lạ mặc sắc phục công an. Sau khi dừng xe, họ bước vào nhà, lễ độ hỏi chào:
- Xin lỗi, cho chúng tôi hỏi thăm, đây có phải là nhà anh Bảy Rừng Sác?
Nhìn thái độ, Lê Bảy cũng đoán biết là người từ xa mới đến và có lẽ muốn tìm hiểu việc gì đó có liên quan đến cái tên mà anh em trìu mến đặt cho mình, với tay rót tách nước mời khách, Lê Bảy mời:
- Mời hai đồng chí ngồi uống nước, rồi có gì anh em ta trao đổi. Tôi là Bảy Rừng Sác đây.
Sau một tuần nước, một ông khách mở đầu câu chuyện:
- Thưa anh, tôi từ Hà Nội vào, gốc quê ở xã Tây Tiến, Tiền Hải, Thái Bình. Nguyên gia đình tôi có hai anh em, anh tôi đi vào Nam chiến đấu ở lực lượng đặc công, ở nhà nhận được báo tử là đã hy sinh thời kỳ đánh Mỹ tại chiến khu Rừng Sác. Nhưng có một điều ray rứt là mẹ tôi từ lâu nay ở dưới quê, vợ chồng tôi mời mãi về Hà Nội chung sống để dễ bề phụng dưỡng, mà cụ không chịu, bảo tôi làm sao tìm được hài cốt anh tôi về chôn cất nơi quê nhà thì mới chịu đi. Tôi nghe các anh cán bộ Đoàn 10 xuất ngũ kể lại là phải vào đây tìm anh Bảy Rừng Sác thì có thể biết được. Nay được gặp, xin đề nghị anh vui lòng giúp đỡ cho. Tôi tên Nguyễn Đức Vượng, thiếu ta công an đang công tác ở một cơ quan - Bộ Nội Vụ.
Lê Bảy chăm chú nghe, bỗng ganh dừng lại hỏi:
- Có phải liệt sỹ Nguyễn Đức Inh không, nhìn cái miệng anh nói tôi đã thấy ngờ ngợ giống Đức Inh như đúc.
Thế rồi không kềm được lòng mình, người chỉ huy già thấy nóng lên từ khoé mắt, nước mắt từ đâu trào ra, anh cúi đầu không nói được làm cả ba người đều sụt sùi thương cảm. Những hình ảnh thân thương sống dậy thật đậm nét. Cách đây đã lâu, hơn hai mươi năm, từ một chiến sỹ vượt Trường Sơn về, bổ sung trong đội hình chiến đấu của Đoàn 10, Đức Inh là xạ thủ bắn tỉa rất giỏi, người lính đặc công thuỷ bơi lội như rái, lại khoẻ mạnh nên được chọn làm lính bảo vệ Sở chỉ huy. Rồi trưởng thành lên cán bộ Trung đội, Inh luôn sát cánh cùng trung đoàn trưởng Lê Bảy suốt thời kỳ bám trụ ác liệt nhất.
Những kỷ niệm một thời gian khổ, gắn bó cùng Đức Inh hiện lên rõ rệt như in trong đầu, Lê Bảy chậm rãi kể lại, Đức Vượng đứa em trai duy nhất của Inh ngồi nghe, liên tục dùng khăn tay chấm nước mắt chảy quanh, Đức Vượng nhỏ nhẹ hỏi thêm:
- Thưa anh, thế anh Inh của em hy sinh trong trường hợp nào. Hài cốt hiện nay có còn không?...
- Cuối năm 1974, trong một trận tổ chức bao vây đồn Vũng Gấm dọc lộ 19 xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, lúc này Inh phụ trách Trung đội trưởng chỉ huy tác chiến. Với khẩu súng bắn tỉa trong tay, hàng ngày bám sát đồn giặc, Inh đã làm cho quân thù hoảng sợ không dám ló đầu ra hàng chục ngày liền. Vào một buổi sáng như thường lệ, Đức Inh ra bám chốt, do một động tác sơ xuất kỹ thuật nhỏ, anh đi lạc một bước chân, vấp phải dây mìn địch gài từ lâu. Một tiếng nổ tung người lên, Đức Inh đã hy sinh. Anh em đem về chôn cất ở Gò Cát Bà Bông, sau ngày giải phóng bộ phận tìm kiếm hài cốt trung đoàn đã bốc cốt đưa về nghĩa trang liệt sỹ huyện Long Thành nằm chung với đồng đội.
- Thế bây giờ gia đình muốn xin đưa hài cốt về quê, có được không ạ?
Lê Bảy suy nghĩ, một câu hỏi khó giải đáp. Một đàng là gia đình còn bà mẹ già ngày đêm tha thiết mong tìm cho được hài cốt đứa con liệt sỹ yêu thương của mình, đưa về gần gũi để an ủi tuổi già đang như ngọn đèn leo lét trước gió, một đàng theo chủ trương của ngành Thương binh xã hội từ lâu nay không cho ai bốc mộ liệt sỹ di dời chỗ khác. Vì rằng liệt sỹ là điều thiêng liêng của cả dân tộc, phải giữ gìn khi đã đưa vào nghĩa trang. Lê Bảy trả lời:
- Việc này khó thật, nhưng giải quyết thế nào để tôi còn hỏi lại địa phương và bàn với anh em trung đoàn 10, rồi sẽ gặp lại các anh trong sáng chủ nhật này.
Họ lưu luyến tiễn nhau.
Sáng nay ở văn phòng Ban chỉ huy trung đoàn 10, đóng quân cặ thoe xa lộ Biên Hoà thuộc Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh có cuộc họp thân mật, trung đoàn Trưởng đương nhiệm Nguyễn Hồng Thế (anh hùng quân đội) người còn sống trong 8 dũng sỹ đánh kho xăng Nhà Bè cùng khoảng 10 sỹ quan dưới quyền còn trẻ măng, cùng tham gia có Lê Bảy người chỉ huy năm xưa, Tư Văn cán bộ đồng cấp với Đức Inh, giờ là Hiệu trưởng trường Công an Thủ Đức, thêm ông chú ruột Đức Inh, cán bộ nghỉ hưu ở Sông Bé, Đức Vượng em trai của liệt sỹ. Họ quây quần xung quanh ấm trà, bàn bạc câu chuyện thân tình về liệt sỹ Nguyễn Đức Inh. Lê Bảy tóm tắt ý kiến chung:
- Thể theo nguyện vọng của bà mẹ, chúng ta đã có liên hệ với các cơ quan chức năng địa phương theo quy định lẽ ra không được di chuyển hài cốt liệt sỹ, nhưng xét về mắt khác cũng phải thấy rằng một bà mẹ đã mang nặng đẻ đau, sinh ra đứa con, nuôi cho đến khôn lớn trưởng thành và động viên con đi chiến đấu. Giờ này đã anh dũng hy sinh không còn được trở về như những người khác, thì hài cốt này với người mẹ là điều thiêng liêng, chúng ta không thể để cho bà mẹ cứ mỏi mòn trông đợi. Những năm tháng cuối đời của bà cần được yên ổn. Theo ý kiến các đồng chí đề xuất thì chúng ta tổ chức đi “lấy cắp hài cốt” đem về cho mẹ. Nói đúng ra, có vi phạm đến quy định chung, nhưng chúng ta làm được phần chính với lương tâm, đạo nghĩa và trách nhiệm với mẹ.