Chắc các bạn khi lái xe đều hiểu rằng các phương tiện giao thông không phải do Việt Nam phát minh, và cũng không phải do Việt Nam sáng tạo ra cách sử dụng hay các nguyên tắc vận hành, nguyên tắc an toàn. Tôi bắt đầu như vậy để mọi người cùng đồng ý rằng các phương tiện giao thông chúng ta đang sử dụng phải được sử dụng theo các thông lệ quốc tế, tuân thủ thiết kế và hướng dẫn vận hành của nhà sản xuất. Vậy, phần lớn các lái xe ở Việt Nam đang áp dụng sai một số thứ (có vẻ nhỏ nhưng không hề nhỏ) mà tôi xin được liệt kê dưới đây:
1) Ít sử dụng xi nhan đôi: Xi nhan đôi đang bị mọi người hiểu đơn thuần là tín hiệu khẩn cấp. Hiểu như vậy đúng, nhưng không đủ. Xi nhan đôi theo thông lệ giao thông quốc tế là đèn tín hiệu dừng, đỗ, cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo tình trạng khẩn cấp… Xi nhan đôi luôn phải được sử dụng khi xe dừng, đỗ ở những nơi không phải bãi đỗ xe để thông báo cho các xe xung quanh, nhất là các xe phía sau. Ngoài ra, khi có chướng ngại vật khiến các bạn phải đi chậm thì hãy bật xi nhan đôi để cảnh báo cho xe sau cùng tránh. Có một số bạn sẽ nói là xi nhan đôi chỉ sử dụng khi xe hỏng, khẩn cấp…, vậy các bạn thử suy luận một chút: tại sao vị trí nút bấm xi nhan đôi luôn luôn ở nơi dễ tiếp cận nhất? Trên xe, những nút nào cần được sử dụng nhiều sẽ được ưu tiên đặt ở các nơi dễ bấm, còn những nút ít dùng sẽ được đặt ở những chỗ khuất hơn. Lý do đơn giản là vì xi nhan đôi là nút cần được sử dụng hàng ngày. Thêm vào đó, xi nhan đôi luôn được cấp điện (trừ khi hết ắc quy) để các lái xe có thể yên tâm đóng cửa, khóa xe và đỗ bên đường một lát trong khi mua sắm hay uống café… Chắc chỉ có ở Việt Nam các lái xe mới yên tâm để xe nổ máy, bật xi nhan một bên rồi rời xa xe đi… chơi. Ở các nơi khác mà làm vậy thì khi quay lại chắc bánh xe cũng chẳng còn.
2) Xi nhan 1 bên như tín hiệu dừng, đỗ xe: Xi nhan một bên không bao giờ được phép hiểu là tín hiệu dừng hay đỗ xe. Sử dụng sai mục đích xi nhan một bên dẫn đến hiểu lầm là bạn đang xin rẽ, quay đầu hoặc đổi hướng, đặc biệt khi các bạn dừng xe ở gần ngã ba, ngã tư. Xin mọi người bỏ ngay thói quen vô cùng xấu và nguy hiểm này. Không phải vô cớ mà tất cả các hãng xe đều ngắt điện xi nhan một bên khi xe tắt máy, đơn giản là vì xi nhan một bên chỉ được sử dụng khi xe đang chuyển động. Bất kể dừng, đỗ năm giây, một phút, năm phút hay nhiều hơn, hãy sử dụng xi nhan đôi để báo cho các xe xung quanh là mình đang dừng, đỗ (đặc biệt là các bạn lái taxi, các bạn là những người cần dùng xi nhan đôi nhiều nhất). Ô tô khác xe máy ở điểm là có xi nhan đôi, vậy hãy sử dụng công cụ hữu ích này nhiều hơn nữa đi.
3) Xi nhan một bên xin vượt: Tương tự như trên, xi nhan một bên không được phép dùng để xin vượt khi đang chạy cùng làn với xe trước. Xi nhan một bên là tín hiệu cảnh báo xe sẽ đổi hướng, trong trường hợp xin vượt xe cùng làn thì chỉ cần nháy đèn pha là đủ (quá đủ), quá quắt thì bấm còi. Việc bật xi nhan sẽ gây các xe đi sau và đi bên hiểu nhầm là các bạn muốn rẽ, đổi làn hoặc quay đầu. Không ở nơi nào khác ngoài Việt Nam các lái xe đang đi trên một đường thẳng lại cứ bật xi nhan trái để xin vượt cả. Xi nhan một bên được và phải dùng nếu các bạn đổi làn để vượt, và chỉ là để cảnh báo xe sẽ đổi làn chứ không phải để xin vượt.
4) Lái xe theo hình zig zag, hoặc tệ hơn: không theo hình gì cả: Khi lưu thông trên đường, phần lớn các đường đều có vạch kẻ phân chia làn. Những ai đi ô tô xin hãy đi theo làn đã được kẻ, hạn chế đổi hướng, đổi làn. Nếu đổi hướng, đổi làn thì phải bật xi nhan xin trước (rất ít lái xe làm được điều này, kể cả ở nước ngoài, nhưng đây là hành động cần thiết và thể hiện sự văn minh, tôn trọng người khác). Hiện tại, các lái xe ta (cả xe máy lẫn ô tô) khi có chướng ngại vật trước mặt (xe trước phanh gấp, người qua đường, xe rẽ…) thường làm gì? Đơn giản thôi: đánh tay lái sang một bên và… lách. Làm như vậy gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh và gây cản trở giao thông. Đây là một phản xạ vô cùng xấu, xin hãy rèn luyện và bỏ nó đi ngay. Phản xạ đúng khi gặp chướng ngại vật là giảm tốc độ, thậm chí dừng lại để sau đó tránh. Các bạn cứ tiếp tục lách rồi sẽ có ngày bạn đâm phải ai đó (nếu các bạn thích đâm người thì đây là hành động phù hợp, nhưng nếu không thì hãy giảm tốc độ, bật xi nhan đổi hướng rồi hãy tránh). Nếu không ai luồn lách thì giao thông sẽ ngăn nắp và an toàn hơn. Nói vui nhưng rất đúng: Ở Việt Nam, đâu phải muốn đi thẳng là đi thẳng được… Hãy cùng thay đổi tật xấu này dần dần.
5) Đèn pha: Đèn pha (hay đèn dài) được thiết kế để sử dụng khi đi tốc độ cao, không có đèn xung quanh hỗ trợ… Trong mọi trường hợp, xin đừng bật đèn pha trong nội thành (nháy đèn là chuyện khác). Ngoài ra, đừng bật đèn pha khi phía trước có xe. Đèn chiếu vào mắt rất khó chịu (kể cả qua gương chiếu hậu), còn gây hạn chế tầm nhìn dẫn đến nguy hiểm đối với những người ở quanh. Hãy dùng đèn cốt (đèn ngắn) trong phần lớn các tình huống, chỉ sử dụng đèn pha khi không ảnh hưởng đến ai khác.
6) Luôn lái ô tô bên trái: Theo luật giao thông Việt (cũng phải nể những người làm luật vì họ phải kết hợp quá nhiều phương tiện lưu thông trên đường) thì phần lớn thời gian xe ô tô phải lưu thông ở làn bên trái (vì còn xe máy, xe lam, xe đạp...). Nhưng khi ra đường cao tốc không có xe máy, các bạn phải lái theo quy tắc quốc tế: lái ở làn phù hợp với tốc độ của mình và làn trái chỉ dùng để vượt. Tôi lấy ví dụ đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng: các bạn đừng chạy 80 hay 100 km/h ở làn trái khi tốc độ tối đa cho phép là 120 km/h. Kể cả bạn có chạy 120 km/h thì cũng hãy chạy ở làn giữa và chỉ sử dụng làn trái để vượt. Làm như vậy, các bạn sẽ thấy là không ai ảnh hưởng đến ai và tất cả mọi người đều có đường thoáng để đi đúng tốc độ mình mong muốn.
7) Không bật đèn trong hầm: Khi ở trong hầm xe, cho dù là ban ngày thì phải bật đèn vì tầm nhìn bị hạn chế nhiều. Bật đèn trong hầm có tác dụng chính là để các xe khác thấy bạn và tránh chứ đừng nghĩ là vẫn ban ngày, tôi nhìn thấy đường, tôi không cần bật đèn. Nhiều khi tai nạn trong hầm cũng chỉ vì không thấy nhau do không bật đèn. Thêm một chút: hãy dùng xi nhan khi rẽ hay đổi hướng kể cả trong hầm, trong bãi đỗ xe…, làm như vậy chỉ tốt cho bản thân thôi, đừng vì lười mà không làm những việc cần thiết.
8) Bấm còi vô tội vạ: Vấn đề này không mới nhưng bao lâu rồi có vẻ không giảm. Các bạn hãy hiểu rằng bấm còi là điều nên hạn chế nhất có thể, chỉ làm khi thực sự gấp và cần thiết. Mỗi lần bấm còi vô tội vạ, các bạn đang làm mất giá trị của tiếng còi, khiến khi các bạn có việc gấp thật hoặc cần cảnh báo nguy hiểm thực sự thì mọi người xung quanh không để ý nhiều (miễn dịch còi). Tương tự, bấm còi khi không có lý do chính đáng (VD: để đòi vượt khi đường đông hay khi xe trước đang đi đúng tốc độ giới hạn…) là bất lịch sự và vô văn hóa, chưa kể là phạm luật khi làm ở những nơi gần bệnh viện, trường học… có biển cấm bấm còi. Tôi đã nghe những trường hợp lái xe rút súng ra dọa chỉ vì bị xe sau bấm còi vô cớ (thậm chí người bị dọa là nữ), ở nước ta ít súng thì các bạn có thể chuyển thành bị đánh hoặc dọa đánh.
9) Không nhường đường: Điều này thì ai cũng biết, ai cũng nói rồi, tôi không đào sâu nữa mà chỉ nhắn các bạn: hãy nhường đường cho những người xung quanh, đặc biệt là người đi bộ khi họ đi đúng quy định (quên, đây cũng là quy định của luật chứ không phải chỉ là phép lịch sự). Đừng bao giờ lấn làn để vượt chỉ vì không biết nhường nhịn (làm như vậy vừa nguy hiểm, vừa gây ách tắc thêm). Không ai chết vì nhường đường một vài giây cả, mà ngược lại, các bạn có thể sẽ tránh gây tai nạn (thậm chí giết người) nếu nhường nhịn nhau. Tiết kiệm một vài giây, một vài phút vì không nhường đường chẳng có ích gì, khi mà thay vì tiết kiệm như chủ định bạn lại có thể gây nên tắc đường lớn hơn nhiều vì cố chen lên, dẫn đến mất thời gian cho bản thân và xã hội.
Tôi biêt là còn nhiều nữa nhưng tôi cứ bắt đầu danh sách, mọi người có thể bổ sung theo ý muốn để cùng hoàn thiện danh sách, và giúp cải thiện từng bước các thói quen giao thông vô cùng xấu của xã hội hiện tại. Tôi chỉ xin mọi người khi góp ý hãy làm trên tinh thần tôn trọng, xây dựng, không đả kích cá nhân.
Trân trọng,
Chỉnh sửa cuối: