tình hình là ngày càng có vẻ xấu đi
khả năng năm sau và năm sau nữa sẽ là giai đoạn "thất nghiệp đầy đường". Năm nay mới chỉ là màn dạo đầu
Công nhân mất việc ở lại Tết tìm cơ hội
Nhà máy cho nghỉ dài ngày, anh Lê Văn Thuận bàn với gia đình ở lại Bình Dương tìm việc, không về quê ăn Tết để tiết kiệm chi phí.
Anh Thuận vốn là công nhân nhà máy gỗ Thống Nhất ở thị xã Tân Uyên phải nghỉ việc dài ngày từ đầu tháng 12 năm ngoái. Gần 4 năm trước, gia đình ba người từ Đồng Tháp đưa nhau lên Bình Dương "làm công ty" với hy vọng kiếm đủ tiền trả nợ gần 40 triệu đồng mượn hàng xóm khi sửa nhà. Tuy nhiên, sau ba năm Covid-19 xuất hiện, công việc cả nhà phập phồng, lương chỉ đủ chi tiêu.
Anh Thuận ở khu trọ tại phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên (Bình Dương). Ảnh:
Thanh Tùng
Công ty bắt đầu giảm đơn hàng từ giữa năm ngoái, ban đầu công nhân chỉ giảm tăng ca, sau đó tuần làm 2-3 ngày, mỗi tháng nhận nửa lương căn bản chưa đến 3 triệu đồng. Vợ và con gái của anh cũng bị giảm giờ làm nhưng may mắn không phải nghỉ Tết sớm, công ty vẫn duy trì việc đến giữa tháng 1, tiền lương đủ trả tiền trọ, ăn uống phải dè xẻn.
Từ hôm công ty cho nghỉ Tết, người đàn ông 38 tuổi chạy khắp nơi tìm việc. Hai tuần trước anh được chủ thầu nhận vào làm thợ phụ, mỗi ngày được trả 300.000 đồng. Tuy nhiên anh làm được mấy hôm công trình cũng ngưng. Nam công nhân hỏi nhiều công ty thì được hẹn qua Tết quay lại. Mấy năm đi làm công ty, anh rút ra kinh nghiệm sau Tết sẽ có nhiều người nghỉ việc, chuyền sản xuất trống chỗ sẽ là cơ hội cho những người tìm việc.
"Nếu về Tết ra năm không có tiền để ngược trở lên, đến trễ sẽ hết việc", anh Thuận tính toán. Do đó, cả nhà sẽ ở lại Bình Dương.
Anh Thuận là một trong hơn 450.000 công nhân chọn ở lại Bình Dương dịp Tết Nguyên đán 2023, theo thống kê của các cấp công đoàn. Theo ông Đặng Tấn Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động Bình Dương), chiếm phần lớn trong số này là những lao động thiếu, mất việc, giảm thu nhập do công ty giảm đơn hàng.
"Có thể ở lại sẽ không vui như về quê nhưng rõ ràng cơ hội việc làm sau Tết sẽ tốt hơn", ông Đạt nói. Nhiều công ty có được đơn hàng mới, từ mùng 4 Tết đã khai trương. Trong bối cảnh ít việc những công nhân đến đúng ngày sẽ đảm bảo "chắc suất". Trường hợp tuyển mới các tiêu chí cũng đơn giản hơn.
Công nhân trở về khu trọ ở Bình Dương sau ngày làm việc. Ảnh:
Thanh Tùng
Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Yến, 35 tuổi, vừa được một công ty điện tử ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) tiếp nhận, quyết định không về quê, ở lại làm việc xuyên Tết với hy vọng vượt qua tháng thử việc.
"Gần một tháng rảo khắp khu chế xuất mới có chỗ nhận, tôi không thể lỡ cơ hội", chị Yến nói. Hai tháng trước, chị hết hợp đồng vừa lúc công ty giảm đơn hàng, cắt giảm nhân sự nên không được tái ký. Một mình nuôi con nên chị phải nhanh chóng tìm được việc làm mới để có chi phí trang trải.
Người mẹ đơn thân nói cũng thấy áy náy khi không đưa con trai về quê dịp Tết nhưng "giờ có việc làm quan trọng hơn". Ra năm, người tìm việc nhiều, nhu cầu tuyển dụng giảm, tuổi của chị càng khó cạnh tranh với người trẻ.
Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc làm tốt, nói dựa vào các chỉ số có thể thấy một số ngành sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, tập trung ở dệt may, da giày, điện tử. Do đó, nhu cầu tuyển dụng ở các ngành này sẽ đi ngang hoặc thậm chí giảm.
"Giảm nhưng không phải doanh nghiệp dừng tuyển. Vì vậy lao động tìm việc vẫn có cơ hội", bà Ngọc nói. Các nhà máy sẽ cần người mới để bù đắp cho số nhân sự nghỉ việc tự nhiên vì lý do cá nhân.
Theo số liệu của ngành lao động, 6 tháng đầu năm nay, nhu cầu tuyển dụng 350.000 - 400.000 lao động. Tại TP HCM, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động đưa ra hai kịch bản nếu kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chậm lại, đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, kinh tế thành phố vẫn tăng trưởng, tiêu dùng trong nước sẽ bù đắp một phần sụt giảm. Với tình huống này, dự kiến nhu cầu lao động năm 2023 đạt 280.000-300.000 người. Ngược lại ở kịch bản tích cực, con số này sẽ là 300.000-320.000. Trong đó, quý 1 thành phố cần khoảng 79.000-87.000 lao động.
May Nhà Bè ở quận 7 tiếp nhận công nhân mới đến ngày làm việc cuối cùng của năm. Ảnh:
An Phương
Các năm trước, Việc làm tốt ghi nhận tình trạng phổ biến là lao động mất việc chọn làm thời vụ hoặc trở về quê, quay lại tìm việc sau Tết. Do đó cung lao động sẽ bùng nổ vào đầu năm mới. Tuy nhiên, năm nay thị trường lao động phổ thông ghi nhận thêm xu hướng người tìm việc ở lại thành phố, bắt đầu tìm việc toàn thời gian ngay những ngày cuối năm để ra Tết có việc đi làm ngay.
Theo bà Ngọc, lao động tìm việc trước Tết sẽ có nhiều thời gian hơn để truy cập các trang tuyển dụng trực tuyến, tìm kiếm, phân loại và chọn lọc việc làm phù hợp, nộp hồ sơ ứng tuyển.
Hơn 20 năm làm trong lĩnh vực nhân sự cho các công ty sản xuất, bà Nguyễn Thị Minh Trang nói thích tuyển người trước Tết vì ra năm sẽ cạnh tranh nhiều, nguồn cung giới hạn. Những lao động tìm việc, chấp nhận làm xuyên Tết thường được đánh giá tốt vì chăm chỉ, chịu khó.
Tuy nhiên, nhiều năm qua công nhân ngại tìm việc trước Tết vì lo lắng khi ký hợp đồng lao động một năm, đến kỳ này năm sau sẽ bị công ty cho nghỉ việc, không được nhận thưởng cuối năm. Theo bà Trang, để tránh tình trạng này lao động có thể đề xuất ký hợp đồng 14 tháng hoặc thử việc một tháng, qua Tết ký hợp đồng. Những nhà máy cần người sẽ không từ chối các yêu cầu của ứng viên.