Bảo tàng Prado được mở cửa vào năm 1819. “Prado” trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “đồng cỏ”, do mảnh đất này trước đây từng là một đồng cỏ nên bảo tàng đã được đặt tên như vậy.
Ở Prado có trưng bày 2 kiệt tác nổi tiếng nhất của danh họa Goya là “Bức họa Maja khỏa thân” (The Nude Maja) vẽ năm 1797-1800. Đây là một trong những họa phẩm gây nhiều tranh cãi nhất của Goya. 5 năm sau, Goya hoàn thiện “Bức họa Maja mặc quần áo” (The Clothed Maja) vẽ năm 1798-1805. Bức họa này được coi là người em sinh đôi của tác phẩm The Nude Maja bởi đều khắc họa cùng một nhân vật, khung cảnh, và dáng điệu, chỉ khác nhau là người phụ nữ trong bức tranh thứ hai có mặc quần áo.
Hai bức tranh này là lý do em bỏ ra 15€ mua vé để được vào xem tận mắt, tiếc là giống như phần lớn các phòng tranh trong bảo tàng, đều không cho phép du khách chụp ảnh.
Prado là bảo tàng quan trọng nhất trên thế giới về hội họa châu Âu. Điểm thu hút chính nằm ở sự hiện diện rộng rãi của hơn 1.300 bức tranh của Diego Veláquez, Francisco Goya, El Greco là những nghệ sĩ được đại diện nhiều nhất trong bảo tàng.
Do hạn chế về không gian nên bảo tàng trưng bày chọn lọc các tác phẩm có chất lượng cao nhất và đó là lý do tại sao nó được định nghĩa là “nơi tập trung nhiều kiệt tác nhất trên mỗi mét vuông”.
Cũng giống như các bảo tàng lớn khác của châu Âu, bảo tàng Prado có nguồn gốc từ sở thích sưu tầm của các triều đại cầm quyền trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên bảo tàng Prado đi theo một phong cách riêng. Đại đa số các tác phẩm ở đây được tạo ra theo đơn đặt hàng bởi một số vị vua yêu thích nghệ thuật và bộ sưu tập của bảo tàng là cực kỳ đặc sắc.
Prado không phải là một bảo tàng lớn nhất, nhưng nên em nghĩ nó là một địa điểm rất đáng để chiêm ngưỡng.
Tác phẩm điêu khắc bằng đồng “Vua Charles V và cơn thịnh nộ” (Charles V and Fury) của điêu khắc gia người Ý Leone Leoni làm vào năm 1551-1555 theo yêu cầu của Vua Charles năm 1549. Một phiên bản khác giống hệt bức tượng này đang được đặt trong Cung điện Hoàng gia Tây Ban Nha.
Bức tranh sơn dầu “Venus và Adonis” vẽ năm 1554 (bên trái) của họa sĩ Titian.
Bức tranh sơn dầu “Adam và Eve” vẽ năm 1550 của Titian (bên trái) và bức tranh sơn dầu “Adam và Eve” vẽ năm 1628-1629 của Rubens (bên phải).
Một phiên bản khác của bức tranh “Bữa tiệc ly cuối cùng” (La Última Cena) của họa sĩ người Ý Bartolomé Carducci (thường được biết đến với tên là Carducho).
Bức tượng họa sĩ Bartolomé Esteban Murillo người Tây Ban Nha ở Cổng Murillo (Murillo Gate) của bảo tàng.