Khái niệm Gia phong, gia phả, gia huấn, gia pháp
Cuộc sống của gia đình dù là gia đình văn hóa không thể và không bao giờ chỉ là những ngày hội. Nó chứa đựng nhiều lo lắng, phiền muộn, ưu tư hơn là niềm vui đơn thuần. Á Đông chúng ta trước kia cho 3 điều bất hạnh: thiếu niên đăng khoa, trung niên táng thê, vãn niên táng tử. Phương Tây lại cho 3 điều bất hạnh đó là: cái chết, tuổi già và những đứa con hư. Tuổi già không thể đảo ngược, cái chết không thể tránh khỏi, nhưng phải tránh việc để con cái hư hỏng như tránh lửa. Cho nên điều cơ bản là phải giáo dục con cái, giáo dục từ khi còn nhỏ, giáo dục từ thế hệ này qua thế hệ khác để nó thành nềp nếp rồi em sẽ noi gương anh chị, con cháu sẽ noi gương ông cha. Nề nếp là điều cơ bản của tổ chức gia đình và cả dòng họ. Có nền chắc thì gia đình sẽ vững vàng trước gió bão, mưa lụt. Gia đình có nền chắc là có lối sống hợp đạo lý, là những phép tắc, lối sống hợp cách ứng xử văn hóa đã lắng đọng định hình, đã ăn sâu bắt rễ từ đời ông cha. Nếp là những lớp lang, những bậc cấp của một cái thang cứ trèo mỗi bước một cao, một trông rộng; là những cách sống chuyển tiếp của những người trong một gia đình, một gia tộc nhưng vẫn từ nền, vẫn bám nền, giữ vững nền. Một gia đình hay một gia tộc có nền nếp thường cung cấp cho xã hội và nước nhà những công dân tốt, đắc lực và đầy tài năng. Gia đình nào có nền nếp như vậy, nhân dân ta thường gọi là có gia phong.
Rõ ràng, gia phong là sắc thái văn hóa của mỗi gia đình (gia tộc) có nền nếp, có văn hóa. Muốn một gia đình, gia tộc có được gia phong như đã nói, trước hết và quan trọng hơn cả là ông bà, cha mẹ trong gia đình, gia tộc đó phải sống gương mẫu, phải làm gương cho con cháu, luôn nhắc nhở, khuyên răn con cháu sống theo gia phong. Muốn có gia phong và giữ vững gia phong, mỗi gia đình, gia tộc còn phải thực hiện gia giáo (nền giáo dục theo truyền thống của gia đình), gia lễ (nghi lễ truyền thống hay tập tục riêng trong cung cách ăn nói, ứng xử đã được gia tộc ấn định mà các thế hệ sau phải tôn trọng và gìn giữ), gia huấn (truyền dạy cho con cháu những điều hay lẽ phải phù hợp với gia đình và đạo lý của xã hội), có gia phả (để biết công đức của tổ tiên, quá trình tạo dựng dòng họ để giáo dục các thành viên trong gia đình, gia tộc)…
Mục đích của gia phong là giữ vững, tái tạo cho thế hệ mới nằm trong thành viên của gia đình, phương thức hoạt động trong cuộc sống những hình thức tư duy và ứng xử, cảm xúc và hành động trong bất cứ trường hợp nào, những điều thuộc về nền nếp của gia đình, về gia đạo, gia pháp mà nó đã hình thành, đã lắng đọng trong một thời gian lịch sử nhất định.
Rõ ràng gia phong là một vấn đề thiết yếu, một vấn đề quan trọng hàng đầu để đảm bảo cho một gia đình, gia tộc có nền nếp, có văn hóa. Muốn có gia phong thì phải có được 3 điểm cơ bản sau:
Một là: Phải có gia giáo tức là một nền giáo dục theo truyền thống tốt đẹp của gia đình và bảo đảm gia đạo.
Hai là: Phải có gia lễ tức là những nghi lễ truyền thống hay tập tục riêng và những cung cách nói, ứng xử đã được người trên trong gia tộc ấn định từ trước và các thế hệ sau đó đã tôn trọng.
Ba là: Phải biết gia phả để biết công đức của tổ tiên, quá trình tạo dựng dòng họ của tổ tiên và cành nọ cành kia.
Nhưng điều quan trọng hơn là ông bà cha mẹ phải sống mẫu mực, phải luôn luôn là tấm gương cho con cháu và luôn luôn nhắc nhở con cháu, khuyên răn con cháu sống theo gia giáo, gia đạo, gia lễ và gia huấn.
Gia phả:Gia phả của các dòng họ là để ghi chép rõ nguồn gốc của tổ tiên thứ tự và ngôi, thứ các cụ, các đời, thụy, húy, năm sinh ngày mất, tuổi thọ, nơi đặt phần mộ…rồi ai gần, ai xa, chi trưởng, chi thứ…để khỏi nhầm lẫn, để con cháu biết mà xưng hô, thưa bẩm, phụng thờ. Gia phả nào cũng nói đến công đức của tổ tiên, cũng có lời khuyên dạy con cháu ăn ở sao cho hiếu thảo, đức độ mà giữ lấy nếp nhà, tức gia phong.
Người xưa nói "chim có tổ, người có tông". Mỗi người sinh ra ai mà chẳng có cội nguồn tổ tông, như dòng sông, con suối đều có ngọn nguồn của nó. Nếu như lịch sử của một dân tộc thể hiện qua những trang chính sử, thì sự hưng vong của một dòng họ có thể thấy được qua từng trang của gia phả.
Gia huấn: Gia là những lời dạy bảo con em trong nhà về vấn đề tu nhân sống cho phải đạo làm người. Nó không chỉ là những chỉ bảo bình thường như chào thưa cha mẹ, có hiếu với cha mẹ, đi đứng, ăn uống trong nhà, đối xử với ông bà, anh chị em… mà còn có ý nghĩa rộng lớn hơn. Nó là những bài học đầu tiên về đối nhân xử thế, có tác dụng chỉ lối dẫn đường cho cả cuộc đời của con cháu, của thế hệ mai sau, không chỉ trong phạm vi đạo lý mà cả sự nghiệp nữa. Tóm lại, nó là “những bài học về luân lý, tuy bó hẹp trong môi trường gia đình nhưng có ảnh hưởng quan trọng, rộng rãi ra ngoài xã hội”.
Gia pháp: Gia pháp là phép nhà, là những điều trong gia giáo, gia đạo, gia huấn nâng lên thành những điều được coi như phép tắc luật lệ trong gia đình, gia tộc. Gia đình có gia pháp cũng như quốc gia có quốc pháp. Gia pháp duy trì kỷ cương cho gia tộc, phép tắc, kỷ luật rõ ràng và buộc con cháu phải tuân theo, để không dám làm điều sai trái, để giữ vững gia phong.